Cần chuẩn bị gì và chuẩn bị bao lâu để nghỉ việc và theo đuổi hạnh phúc?

“Hi anh Hùng, em muốn hỏi anh là khi anh quyết định nghỉ việc để theo đuổi hạnh phúc, anh cần chuẩn bị gì và chuẩn bị bao lâu? Em đang muốn 10 năm nữa em sẽ đi học lại bên này (US) về ngành giáo dục cho những bé cần trợ giúp đặc biệt (special needs như autistic kids)…”

Đối với câu hỏi này, anh không thể trả lời một cách trọn vẹn từng ý như em hỏi ở trên được. Và kể cả nếu anh trả lời được thì chưa chắc nó phù hợp với hoàn cảnh của em (cho dù nó phù hợp với những gì đã xảy ra trong cuộc sống của anh).

Sau một thời gian nghiền ngẫm, anh thấy tất cả mọi thứ vận hành tốt hơn trong cuộc sống của anh là do anh thực hành (thiền) chánh niệm. Khi anh càng chánh niệm thì cuộc sống của anh nó sẽ tự động sắp xếp lại một cách tốt hơn. Và thậm chí, các ước muốn, dự tính như kiểu em đang đặt ra ở trên càng ngày càng ít đi, hay biến mất luôn. Nhưng kỳ diệu thay, mọi thứ trong cuộc sống thì lại tự nó tốt hơn lên. Nghe thì có vẻ như kỳ quặc, nghịch lý. Nhưng thực tế là nó xảy ra như vậy, đó là quy luật của tự nhiên em ạ.

Tất cả những thứ em mong muốn, dự định trong tương lai, nghe thì có vẻ như là ổn, là có kế hoạch, … Nhưng thực ra, đó chỉ là những gì em đang tưởng tượng, là trò chơi của tâm trí, của suy nghĩ. Nói đúng ra thì nó không thực tế lắm, là do bởi mọi thứ nó thay đổi nhanh và thay đổi liên tục hàng ngày, kể cả các dự định và mong muốn của em. Nên nếu hoạch định nó xa đến như vậy thì nó không thực tế lắm, là do bởi mình cũng phải thay đổi hầu như là thường xuyên các kế hoạch cho các mục tiêu “tầm xa” đó. Và nếu như vậy thì nó trở nên phản tác dụng. Bởi vì, rút cuộc thì em lại chủ yếu dành thời gian để “adopting và changing the plan” mà thôi.

Nhưng khi em càng chánh niệm thì tâm của em, suy nghĩ của em nó không hoạt động như vậy. Nó sẽ đưa em trở về với thực tế, với những gì em thực sự cần cho cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại, với những tài nguyên mà em đang sẵn có ở hiện tại. Đó là lúc mà chánh niệm, sự biết mình, sẽ thực sự thúc đẩy và sắp xếp lại cuộc sống của mình cho phù hợp hơn, thuận lợi hơn và tốt đẹp hơn, dựa trên những tài nguyên hiện tại mình đang có. Nó thực tế là như vậy đó em. Như vậy, mấu chốt lại nằm ở việc thực hành chánh niệm em ạ, chứ không phải nằm ở việc hoạch định, khát khao, mơ ước, … Anh nhớ có lần nghe được một vị thiền sư chia sẻ rằng, Ngài chẳng bao giờ hoạch định gì quá xa khỏi ngày hôm nay. Cuộc sống mình nó vận hành như vậy em ạ. Chứ không phải như kiểu khao khát và ước mơ mà Internet, sách vở hay nói. Nghiền ngẫm một chút em sẽ thấy rằng, nếu các khao khát, ước mơ nên là thứ vận hành cuộc sống của mình, thì thế giới này sẽ đầy rẫy những con người mãn nguyện và hạnh phúc. Nhưng thực tế thì nó không phải như vậy. Em có thể tự quan sát thế giới và cảm nhận cho riêng mình về điều này. Anh nhớ có một doanh nhân rất nổi tiếng với thành công trong kinh doanh và câu khẩu hiệu “delivering happiness” của anh ấy. Nhưng thật đáng buồn, anh ấy lại chết trẻ trong trầm cảm. Đó là thực tế những gì đang xảy ra, và thực ra theo quan sát cá nhân của anh thì mọi thứ có vẻ ngày càng tệ hơn với cuộc sống hiện đại, khi con người ngày càng bị “trói chặt” hơn trong các thú vui và sự kích thích của dục lạc.

Quay lại trường hợp của anh, sau khi nghiền ngẫm kỹ lại, anh mới “giật mình” nhận ra rằng, khi ngày càng chánh niệm, anh càng thấy mình không phù hợp với công việc kinh doanh, với những gì anh đã làm và đã thành công trong công việc của mình. Khi mình đã thấy không phù hợp rồi thì việc anh nghỉ làm vốn dĩ là việc tự nhiên, chẳng cần phải cố gắng hay chuẩn bị gì quá nhiều. Nếu nói là không chuẩn bị gì hết thì có lẽ cũng không hẳn. Nhưng mà mấu chốt là do ở việc thực hành chánh niệm. Khi tâm mình càng chánh niệm thì sự tỉnh giác cho những gì cần thiết cho cuộc sống của mình nó cũng tăng theo. Và kết quả là tâm mình lại càng nhạy bén hơn cho những gì mình cần làm để tiến hành “sang trang”, thay đổi lối sống, cuộc sống và công việc của mình. Chứ anh thấy nó chẳng có gì là cụ thể trong việc chuẩn bị, ví như nên chuẩn bị cái gì, cái gì cả.

Còn nếu nói về chuẩn bị thì thực ra lui tới cũng chỉ là làm sao để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mình. Nhu cầu thiết yếu thì lại chỉ vỏn vẹn gói gọn trong bốn thứ như sau mà thôi: chỗ ở, thức ăn, áo quần, và y tế. Mà nếu gói gọn lại, thì cần xác định nhu cầu cụ thể của mình (dựa trên bốn nhu cầu thiết yếu này) và ước lượng con số tương ứng về mặt tài chính để mà dự liệu. Ví dụ như, cần tiết kiệm được bao nhiêu, thu nhập thụ động cần ở mức bao nhiêu, thu nhập hàng ngày cần bao nhiêu, … để có thể trang trải được nhu cầu của bản thân. Nếu em có thể trả lời được câu hỏi đó thì anh nghĩ điều kiện cần là xong. Và như em có thể hình dung, bài toán đó lớn hay nhỏ còn tuỳ ở nhu cầu mà mình nghĩ là mình cần nữa. Có người có 1 triệu đô tiết kiệm rồi thì mới thấy ổn để về hưu. Trong khi có người chẳng có đồng xu cắc bạc nào trong túi, mà họ lại chẳng cảm thấy sợ hãi gì, vẫn theo đuổi cuộc sống mình mong muốn. Nên đây là câu trả lời của từng cá nhân, không thể có câu trả lời universal. Và cũng tương tự cho câu hỏi: “Chuẩn bị trong bao lâu?” Nó tuỳ ở hoàn cảnh cụ thể của em thôi nhé.

Tóm lại là, em chẳng cần chuẩn bị gì :-)… Mà mấu chốt là em cần phải thực hành chánh niệm. Càng thực hành thì cuộc sống em lại càng được tự động sắp xếp lại một cách thuận lợi hơn, ý nghĩa hơn. Nếu cuộc sống thuận lợi hơn, ý nghĩa hơn thì đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc rồi, đúng không em? Câu trả lời không nằm ở trong câu trả lời cho các câu hỏi em đặt ra ở trên. Nó nằm ở chỗ cam kết, đầu tư và liên tục thực hành chánh niệm. Và đây là một câu trả lời universal, toàn năng cho bất cứ ai.

Vậy bắt đầu như thế nào đây? Anh đã, đang và sẽ chia sẻ nhiều về chủ đề này, như em có thấy qua các post của anh. Tốt nhất là tìm một tu viện Vipassana / Phật giáo Nguyên thuỷ để có thể sắp xếp tham dự một khoá thiền dài ngày, chính thức. Và sau đó, về nhà lại tiếp tục với pháp hành. Bên US, anh thấy có 1 vị sư người Canada như trong link dưới, em có thể thử liên lạc xem có thể sắp xếp tham gia khoá thiền chính thức với Sư hay không: https://www.sirimangalo.org/. Tên Sư là Yuttadhammo. Em có thể tham khảo kênh Youtube của Sư ở đây: https://www.youtube.com/@yuttadhammo

Nếu không tìm được hoặc không sắp xếp được để tham dự các khoá thiền Vipassana dài ngày, chính thức thì em hoàn toàn có thể tham khảo các bài viết bên dưới của anh để tự mình bắt đầu.

Những gì tụi anh chia sẻ ở trong ứng dụng di động Saigon Meditation Project là quá đủ cho bất cứ một thiền sinh nào em ạ. Trong đó có đủ những gì em cần để bắt đầu. Mấu chốt là em có cam kết đầu tư vào việc này (tìm hiểu và thực hành chánh niệm) hay không mà thôi.

Như vậy ngắn gọn là: Câu trả lời tổng quát cho bất cứ ai, kể cả em, là thực hành chánh niệm và để chánh niệm sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất, dựa trên tài nguyên hiện tại đang sẵn có của mình nhé. Và việc này thì lại hoàn toàn có thể làm song song với những gì em đang làm trong cuộc sống hiện tại, chẳng cần chuẩn bị gì nhiều hết cả. Rồi từ từ, cuộc sống của em sẽ được sắp xếp lại. Gud luck.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply