Đối trị với tâm “hám danh”

Hỏi: Gần đây em nhận thấy kha khá việc em làm đều để mong chờ được khen, được vinh danh. Đương nhiên ban đầu xuất phát cũng là một động cơ mong muốn làm gì đó tốt, nhưng khi làm và sau khi làm, em chỉ mong đến cái “danh”. Em nghĩ mình cũng là con người, nên mắc phải việc “hám danh” là bình thường. Tuy nhiên em mong muốn giảm dần anh ạ. Vì em thấy nó mất thời gian, và việc lại không hiệu quả, không đáp ứng đúng yêu cầu của bản thân ban đầu đê ra. Vậy nên em tìm anh nhờ anh chỉ giáo.

Hello em!

Thực ra, việc hám danh, thích được khen, thích được công nhận là một mong muốn khá bình thường của bất cứ ai. Nhưng rồi từ từ, nó sẽ trở nên tầm thường, khi trí tuệ của bản thân mình được nâng tầm. Theo anh, rút cuộc đi nữa thì nhu cầu được khen, được công nhận cũng chỉ là vô thưởng, vô phạt. Hay nói một cách khác là có cũng được, không có cũng thế, chẳng ảnh hưởng gì đến việc đánh giá việc mình đã / đang làm là đúng đắn hay không, là nên làm hay không. Nếu một việc là đúng đắn, là cần làm thì cho dù được khen hay không thì mình vẫn phải làm mà thôi. Là bởi vì nó đúng đắn. Nếu mình không làm những việc đúng đắn thì đồng nghĩa rằng mình đang làm những việc không đúng đắn. Mà nếu cứ làm nhiều những việc không đúng đắn thì cuộc sống của mình sẽ cứ bị phiền não chiếm lấy. Lời khen, sự công nhận chỉ nên là một hiệu ứng phụ mà thôi, nó chẳng nên là động cơ, lại càng chẳng nên là mục đích. Bởi vì, nó không có liên quan mấy với khía cạnh thiện hay bất thiện của một việc mà em đang làm.

Về lý là như vậy. Nhưng thực tế thì làm sao đây? Nó có hai phạm trù cần phải làm rõ khi quyết định làm một việc gì đó: Liệu việc đó có là việc “đúng đắn”, liệu việc đó có là việc làm của “trí tuệ”, giúp tăng trưởng “trí tuệ”? Vậy thì trí tuệ là gì, và việc gì là đúng đắn? Hai điều này lại cực kỳ trừu tượng. Nhưng rõ ràng là nếu bản thân mình càng trưởng thành thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mình càng có trí tuệ hơn và càng có ít hơn những việc ngu ngốc. Vậy phải làm sao để trưởng thành hơn, trí tuệ hơn, làm sao để nhận biết tốt hơn về việc gì là đúng, việc gì là sai?

Em có thể tham khảo bài dịch: Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana) của Ngài Jotika. Nó có thể hơi trừu tượng với em trong lúc này. Nhưng mấu chốt chỉ nằm ở đó. Trí tuệ thì chỉ có thể xảy ra trong tâm. Một việc được cho là đúng đắn hay không đúng đắn cũng chỉ xảy ra trong tâm. Nên điều chúng ta cần làm, làm đều đặn, làm thường xuyên là quan sát những gì đang xảy ra trong tâm mình một cách khách quan. Để rồi từ đó, có được các dữ liệu để hiểu tâm mình, định hướng và uốn nắn tâm mình. Pháp hành duy nhất có thể làm điều đó một cách hiệu quả là thiền chánh niệm (Vipassana). Và đó cũng là lý do tại sao anh luôn khuyến khích mọi người hành thiền chánh niệm. Nếu tìm hiểu một hồi trong các sách của Ngài Jotika hoặc các bài pháp của Sư Tâm Pháp (toàn bộ nội dung có sẳn ở ứng dụng di động miễn phí Saigon Meditation Project) thì em sẽ thấy rằng, chánh niệm là rất đơn giản và dễ hiểu. Nhưng thực hành chánh niệm thì lại không dễ dàng. Duy trì được chánh niệm lại càng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nó lại là chìa khoá, là lời giải cho tất cả mọi phiền não trong tâm mình.

Nếu em có thể cảm nhận được một cách liên tục, khách quan, đều đặn và tỉnh giác các động cơ đằng sau những gì em đang làm, thì em tự khắc sẽ cảm nhận được những gì mình đang làm là thiện hay bất thiện, là lợi ích hay không lợi ích. Sự “cảm nhận” đó chính là tâm chánh niệm đó em. Và nếu em cảm nhận được một cách đều đặn như vậy thì tâm em sẽ tự biết để lọc ra, không nghe theo các tâm bất thiện, không làm theo các động cơ bất thiện. “Hám danh” rút cuộc cũng chỉ là 1 cái tâm mà thôi. Vấn đề làm em cần bắt kịp nó khi nó xuất hiện, chứ không để nó lén lút dẫn dắt, xô đẩy em đi. Nên nếu em có chánh niệm thì không những em xử lý được tâm “hám danh” mà còn xử lý được tuốt tuồn tuột mọi tâm bất thiện khác. Các tâm bất thiện sẽ dần được chánh niệm thanh lọc, loại bỏ.

Đa phần thì mọi người không giải quyết vấn đề này của tâm bằng chánh niệm. Mà thường thì mọi việc hay xảy ra theo cách này hơn nè. Mọi việc sẽ dần đi xuống cho đến lúc nó trở thành một sự cố nghiêm trọng trong cuộc sống, không ngúc ngắc, cựa quậy gì được (cụ thể thì đó là các vấn đề về sức khoẻ, suy sụp tâm lý nghiêm trọng). Và rồi trải nghiệm khổ đau quá lớn trong sự cố đó sẽ ghi vào bộ nhớ của chúng ta một dấu ấn đủ lớn, đủ đau để mọi người sẽ tự nhắc mình tránh không lặp lại sự cố tương tự đó một lần nữa. Đó cũng là một cách để đi qua các vấn đề trong cuộc sống. Nhưng mà nó không được chủ động. Và đa phần là sẽ có những thiệt hại không tránh khỏi xảy ra với cuộc sống của mình. Nên việc thực hành chánh niệm, theo anh, vẫn là phương pháp tối ưu nhất, giúp mình phòng ngừa cũng như bảo vệ bản thân mình khỏi những cái tâm bất thiện.

Nên rốt cuộc thì cũng phải cần thực hành chánh niệm, thực hành trong khoá thiền chính thức cũng như mang thái độ hành thiền áp dụng vào cuộc sống. Một việc dễ hiểu, nhưng khó làm.

Nên nếu em hỏi anh về vấn đề này thì anh chỉ có một câu trả lời trực tiếp mà thôi: Liên tục, kiên trì tìm hiểu và thực hành chánh niệm, thực hành việc quan sát, cảm nhận những gì đang xảy ra trong tâm mình một cách khách quan, liên tục. Chẳng có đường tắt nào cả. Em cũng có thể giải quyết vấn đề này ở một mức độ nhất định nào đó, bằng cách đọc và áp dụng các kiến thức về EI (emotional intelligence). Tuy nhiên, phương tiện thực hành EI cũng lại là chánh niệm. Ngoài công cụ chánh niệm ra thì em chẳng còn nhiều lựa chọn lắm. Như được chia sẻ trong bài Sức mạnh của sự hoài nghi, khi chánh niệm đủ sâu sắc, lúc đó Ngài Jotika trực tiếp cảm nhận được rằng: Một cái tâm là thiện hay bất thiện, trực tiếp cảm nhận được điều đó mà không thông qua suy nghĩ. Một tâm thiện sẽ làm cho mình thoả mãn, hạnh phúc, tích cực, trong khi một tâm bất thiện khiến cho mình đau đớn. Chẳng ai muốn mình đau đớn cả. Thiền sinh bình thường thì có thể không có ngay được cảm nhận ở tầng mức sâu sắc đó. Nhưng bằng việc đều đặn thực hành chánh niệm thì nó sẽ tự động thanh lọc tâm mình bớt đi những điều bất thiện, bớt đi những tâm bất thiện (bao gồm luôn cả cái tâm “ham muốn” mà em đang muốn “xử lý”). Chỉ cần chừng đó thôi, cuộc sống của thiền sinh cũng đã bớt phiền não đáng kể rồi em ạ. Đó là phần thưởng dọc đường của việc hành thiền liên tục.

Kết luận là cứ kiên trì thực hành chánh niệm mỗi ngày, nghe đều các bài pháp và sách nói trong SMP, rồi lại thực hành chánh niệm. Song song, thì sẽ vẫn cứ mạnh dạn trải nghiệm cuộc sống. Cứ phải té, phải đau, rồi mới tỉnh thôi em. Nhưng mà cũng cần tỉnh táo, té thì té cho đáng. Chứ té không đáng thì lại mất cả thanh xuân. Hôm nay, anh mới đi tiễn một người bà con, mới mất do té xe sau chầu nhậu. Ảnh đang ở năm cuối của U50. Té như vậy thì uổng phí lắm lắm em ạ. Đừng lãng phí cuộc sống của mình nhé. Con đường hiệu quả nhất để tìm được ý nghĩa đích thực cuộc sống là thực hành chánh niệm, như câu chuyện Ngài Jotika có chia sẻ trong bài pháp Chúng ta đang sống vì điều gì. Hãy thực hành chánh niệm.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply