Điều kiện cần để hành thiền chánh niệm?

Thật vui khi nhận được tin nhắn từ một chị tôi chưa biết như bên dưới vào ngày hôm qua.

Cám ơn Việt Hùng nhiều! Những bài VH dịch và đọc rất hay! Mấy ngày nay nghe sách nói mà VH dịch và đọc, tôi thấy hay và dễ hiểu! Nhưng để mà hành thiền còn lâu lắm! Cám ơn VH rất nhiều! Tri ân! ( Vì tôi cũng lớn tuổi)

Tôi nghe được một câu chuyện rằng, có cụ bà kia, lớn tuổi rồi mới đến được với thiền tứ niệm xứ (hay còn được gọi là thiền Vipassana, thiền tuệ, thiền minh sát, thiền chánh niệm) và rồi cụ lại còn đắc được luôn thánh quả (một việc rất khó đối với 99,99% chúng ta) khi đã gần 80 tuổi. Như vậy thì như thế nào là quá tuổi để có thể hành thiền? Hay một câu hỏi rộng hơn là điều kiện cần để chúng ta có thể hành thiền chánh niệm là gì?

Để có một câu trả lời chi tiết và đầy đủ, mọi người có thể tham khảo 3 chương đầu của cuốn Bản đồ hành trình tâm linh. Đó là các chương: Chuẩn bị tâm, Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản và Con đường bước vào thiền Vipassana. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nói tóm lại các ý mà tôi tâm đắc để các bạn có thể tham khảo nhanh, cũng như thêm vào các suy nghĩ cá nhân liên quan đến việc này.

Về mặt thực hành và trải nghiệm thiền chánh niệm thì để bắt đầu lại không phải là một điều gì đó quá phức tạp. Thực ra, nó rất đơn giản. Ai cũng có thể bắt đầu trải nghiệm và đều đặn thực hành bài tập thư giãn, rà quét đơn giản như bên dưới hằng ngày, để bắt đầu đến với thiền. Chỉ cần 15 phút đối với người mới bắt đầu. Nhưng điều mấu chốt là cần phải đều đặn và kỷ luật hằng ngày. Tôi có thu âm đoạn sẵn đoạn hướng dẫn thư giãn và rà quét 15 phút để bạn có thể tự trải nghiệm ở đây (nghe đoạn thu âm bên dưới). Chỉ cần tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi xuống và bật đoạn hướng dẫn lên là có thể thư giãn, thả lỏng và rà quét. Tôi cũng có thu âm đoạn 30 phút dành cho những bạn nào muốn trải nghiệm một thời khoá dài hơn. Mặc dù thời lượng dài hơn, nhưng lui tới cũng chỉ là thư giãn, thả lỏng, rà quét. Các bạn vào link này để nghe đoạn 30 phút: https://soundcloud.com/viet-hung-nguyen-77/huong-dan-thu-gian-30-phut.

Chỉ cần bắt đầu một cách đơn giản như vậy thôi. Nhưng đơn giản lại là tất cả những gì chúng ta có thể đạt được. Kể cả đến tầng mức tâm linh cao nhất thì chắc chắn cũng sẽ trở về với những gì là đơn giản nhất mà thôi. Trong cuốn Bản đồ hành trình tâm linh, Thiền sư Jotika chia sẻ rằng, Ngài đã bắt đầu với bài tập đơn giản này trong 6 năm. Với một con người đặc biệt như Ngài mà cũng đã tập bài tập này đến tận những 6 năm thì tôi nghĩ rằng, một con người bình thường như tôi sẽ cần nhiều hơn thế. Có điều, chúng ta thường hay không vừa ý với hiện tại. Chúng ta sẽ có xu hướng muốn tập thiền một cách phức tạp hơn sau một thời gian dài tập thiền. Nên nhiều lúc hay hầu như mọi lúc, chúng ta bỏ qua những điều đơn giản này. Kết quả là chúng ta lại tụt lại trở về phía sau. Thiền sư Jotika có dạy rằng, nếu một thiền sinh chưa vượt qua một ngưỡng nhất định nào đó thì cho dù họ có tập thiền trong bao lâu đi nữa thì họ vẫn chỉ là một thiền sinh mới. Thiền sinh mới thì lại càng phải chuyên chú thực hành đơn giản và cơ bản. Chắc chắn là như vậy. Khi có người hỏi rằng: “Những người mới tập thiền phải hành thiền như thế nào?“, Thiền sư Ajahn Chah đã dạy: “Cũng như những người đã hành thiền lâu.” Mọi mấu chốt đều nằm ở những gì là đơn giản, là cơ bản mà thôi. Khi bạn đã vượt qua được một mức độ nhất định sau khi kiên trì thực hành một cách đơn giản và cơ bản thì những gì tiếp diễn sau đó khá là thuận lợi và tự động.

Thực ra, nếu các bạn tiếp cận được bất cứ một dòng thiền nào trong truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada) thì cứ theo hướng dẫn cơ bản của dòng thiền đó và chỉ việc kiên trì với các bài tập cơ bản. Bởi vì những thực hành cơ bản đó sẽ theo bạn suốt trên con đường thực hành chánh niệm của bản thân bạn mà thôi. Sau một thời gian thực hành đơn giản và tham khảo các kiến thức cơ bản thì từ từ, tôi tin rằng các bạn sẽ tìm được đến với các vị thầy của mình, sẽ tìm thấy những tài nguyên, các kiến thức kế tiếp mà bạn cần để đi trên con đường thực hành chánh niệm.

Một cách tóm tắt thì những gì một thiền sinh cần phải chuẩn bị cho tâm mình, để hành thiền được thuận lợi bao gồm:

  1. Thường xuyên dọn dẹp tâm mình.
  2. Suy nghĩ về cái chết, về sự ngắn ngủi của cuộc sống, về ý nghĩa của cuộc sống.
  3. Niệm tưởng các phẩm chất cao thượng của Đức Phật hoặc các vị thầy của mình.
  4. Thu thúc, tiết chế, giữ gìn ngũ giới. Nghe từ ngữ thì có vẻ mang hơi hướng tôn giáo, nhưng thực ra 5 giới cơ bản của Phật giáo lui tới cũng chỉ là các hành vi đạo đức mà ai cũng cần phải tuân theo: không làm hại người khác, không trộm cắp (sử dụng những thứ không phải của mình), không nói lời có hại (bao gồm nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích, …), không tà dâm, không sử dụng các chất gây nghiện. Đơn giản chỉ là ý thức và cam kết không làm 5 điều hại mình và hại người này mà thôi.
  5. Gần gũi bậc thiện trí, những bậc giới đức.
  6. Gieo trồng tâm từ, tấm lòng nhân hậu, quan tâm và rộng rãi đến mọi người.

Đó là những gì tôi ghi chép lại cho bản thân mình từ cuốn Bản đồ hành trình tâm linh. Để hành thiền chánh niệm, chỉ cần các bạn bắt đầu cam kết không làm hại bản thân mình và người khác là đủ, và rồi bắt tay vào thực hành mà thôi. Chỉ đơn giản như thế thôi nhé. Như có chia sẻ trong bài Back to basics, việc có quá nhiều kiến thức về thiền chánh niệm có thể lại trở thành một trở ngại lớn cho bất cứ một thiền sinh nào. Bạn cần phải hiểu điều này. Đó là lý do tôi nhấn mạnh hai chữ cơ bản, đơn giản. Cho dù bạn hiểu biết nhiều đến đâu thì khi thực hành cũng nên tạm thời quên các kiến thức đó đi mà chỉ tập trung vào bài tập đơn giản và cơ bản mà thôi. Đây là một thử thách cho những người “nhỡ may” đã đọc được quá nhiều. Trong trường hợp may mắn, nếu bạn là một thiền sinh mới thì bạn chỉ cần đọc 3 chương đầu của cuốn Bản đồ hành trình tâm linh, và rồi bắt tay thực hành một cách đơn giản như Thiền sư Jotika có dạy, mà cụ thể là đoạn hướng dẫn mà tôi chia sẻ ở trên (hoặc tham khảo đoạn dẫn thiền trong cuốn Thiền cho người mới bắt đầu), cũng như một số hướng dẫn đơn giản về việc quan sát và cảm nhận, khái niệm tục đế và thực tại chân đế được dạy ở chương 2 và chương 3 trong cuốn Bản đồ hành trình tâm linh. Thế thôi. Cứ thực hành đơn giản như vậy, rồi sau một thời gian, lại nghiền ngẫm lại 3 chương đầu, các bạn sẽ nhận ra những điều mà trước đây bạn chưa nhận ra. Rồi lại thực hành, rồi lại quay trở lại nghiền ngẫm 3 chương đầu này cũng như các bài pháp khác của Ngài Jotika cũng như các bài pháp của Sư Tâm Pháp. Rồi lại quay lại và thực hành. Đây là một vòng lặp bất tận, nhưng đầy ý nghĩa. Mọi người cũng có thể tham khảo thêm các chia sẻ trong bài Câu chuyện về thiền, Saigon Meditation Project và tôi.

Như các bạn có thể hình dung, điều kiện để bắt đầu hành thiền thật là đơn giản, ai cũng có thể làm được cả. “Hãy làm ngay những gì bạn biết, rồi nó sẽ giúp bạn làm việc tiếp theo một cách dễ dàng hơn.” – trích dẫn từ cuốn Bản đồ hành trình tâm linh. Bản chất của trí tuệ là: Bất cứ việc gì bạn biết là tốt, hãy làm ngay lập tức! (đây là một trích dẫn khác từ cuốn sách). Nếu áp thêm khung “luân hồi” vào nữa thì không bao giờ là muộn, là trễ để bắt đầu hành thiền. Bởi vì đó là những gì mà chúng ta có thể mang theo nhiều nhất sang cuộc sống kế tiếp, nhằm có một cuộc sống thuận lợi hơn cho bản thân mình. Có những việc có vẻ như đã trễ cho cuộc sống hiện tại, nhưng nó lại là những hạt mầm cho cuộc sống đang tiếp diễn cũng như cho cuộc sống kế tiếp. Nỗ lực thực hành chánh niệm là một sự đầu tư “có lợi” nhất cho tương lai của bất cứ ai.

Và đây là điều chia sẻ cuối cùng trong bài viết này. Ở trong bản kinh Satipaṭṭhāna Sutta hoặc Mahāsatipaṭṭhāna Sutta (mà trong tiếng Việt được gọi là Kinh tứ niệm xứ hoặc Kinh Đại niệm xứ), là bản kinh trực tiếp dạy về pháp hành thiền tứ niệm xứ, ở ngay câu mở đầu, Đức Phật đã có một tuyên bố mạnh mẽ mà tôi khắc ghi sâu đậm trong lòng: “ekāyano maggo” – con đường duy nhất. Lời tuyên bố đầy đủ trong bản kinh là:

Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, 
soka-paridevānaṃ samatikkamāya, 
dukkha-domanassānaṃ atthaṅgamāya, 
 ñāyassa adhigamāya, 
nibbānassa sacchikiriyāya, 
yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.
(Dịch Việt: Này các Tỳ Khưu, đây là con đường duy nhất để thanh tịnh chúng sanh,
vượt khỏi sầu, ưu,
đoạn diệt đau khổ,
đạt đến chánh đạo,
chứng ngộ Niết Bàn,
đó là tứ niệm xứ).

Vâng, ekāyano maggocon đường duy nhất để có thể đoạn diệt toàn bộ khổ đau, đạt đến các quả vị cao quý mà Đức Phật không ngừng chỉ dạy cho đến khi Ngài nhập diệt. Duy nhất, chẳng có con đường nào khác. Những ai thực sự nghiêm túc đi tìm hạnh phúc thì tôi chắc chắn rằng, trước sau rồi cũng sẽ cần phải khắc ghi lời dạy này của Ngài. Bởi vì, chỉ có một con đường mà thôi, đó là việc thực hành thiền chánh niệm, mới có thể đoạn diệt hoàn toàn những phiền não trong tâm mình. Những gì còn lại chắc chắn không điều gì khác hơn là sự mãn nguyện, cao thượng và trưởng thành.

Tất cả những điều tôi chia sẻ ở trên là những gì ai cũng có thể tự mình làm được. Khi bạn càng dấn bước trên con đường này, những vị thầy, những con người, những kiến thức, những tài nguyên mà bạn cần cho các bước kế tiếp sẽ “xuất hiện” như một phép màu. Và thực ra, chỉ có thể tự mình mới có thể “ép” mình làm những việc ý nghĩa cho mình mà thôi. Hãy hành thiền.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

11 thoughts on “Điều kiện cần để hành thiền chánh niệm?

Leave a Reply to Le Phu NamCancel reply