Site icon Viet Hung

Mặt trái của đồng cảm

crop woman tapping shoulder of frustrated female friend

Photo by Liza Summer on Pexels.com

Bên cạnh nhiều lợi ích mà đồng cảm mang lại, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng nó vẫn có mặt hạn chế và nguy hiểm. Vì sự đồng cảm tách rời bạn ra khỏi trải nghiệm cảm xúc của riêng bạn, và những cảm xúc mạnh mẽ thường kéo dài không lâu; việc dựa hoàn toàn vào đồng cảm để đưa ra quyết định có thể gây tai hoạ khôn lường.

Trích từ cuốn EQ – Trí Thông Minh Xúc Cảm Trong Công Việc

Khi chia sẻ đoạn trích dẫn trên, tôi nhận được một phản hồi rằng: “Không hiểu lắm ạ? Có ai giải thích thêm xíu cho mình hiểu với ạ!

Bạn có thể tham khảo thêm ở trong sách. Ý tác giả muốn cảnh báo rằng, mặc dù đồng cảm (sự thấu cảm được cảm xúc của người khác, cảm nhận được cảm xúc của người khác và làm bất cứ điều gì để hỗ trợ người khác vượt qua cảm xúc tiêu cực) có nhiều lợi ích cụ thể, nhưng nó cũng có mặt nguy hiểm.

Nguy hiểm là bởi vì nếu nó quá 1 chiều (chỉ tập trung vào cảm xúc của người khác) mà không cân bằng với cảm xúc và nhu cầu của chính mình thì nó mất đi tính khách quan, mất đi sự cân bằng. Và nếu cuộc sống của mình bị “lệ thuộc” một cách cực đoan và 1 chiều vào sự đồng cảm với người khác mà quên đi nhu cầu của chính bản thân mình thì có thể gây hại và nguy hiểm.

Ví dụ sách đưa ra là các y tá làm việc thường xuyên với các ca bệnh hiểm nghèo, như ung thư với các bệnh nhân sắp ra đi khỏi cuộc sống này, thì do sự đồng cảm với sự mất mát rất lớn sắp xảy ra một cách thường xuyên và kéo dài, nên nếu không biết cách “xử lý” thì các y tá sẽ bị mất năng lượng và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự đồng cảm mạnh mẽ và thường xuyên này, do đặc thù công việc. Kết quả là họ kiệt sức, mất năng lượng và thậm chí bị trầm cảm nặng.

Một ví dụ khác thường gặp trong cuộc sống là người thân trong gia đình chúng ta bài bạc và vướng vào nợ nần, đang trong tình trạng bi đát. Do bởi yêu thương họ, muốn giúp họ, nên chúng ta bất chấp sự an toàn của cuộc sống của chính mình và gia đình nhỏ của mình để tìm mọi cách trả nợ cho họ với hy vọng giúp được họ qua cơn hoạn nạn. Nhưng ở đây, luôn có 1 chữ nhưng, họ vẫn không thay đổi, mà ngược lại họ lại càng ỷ lại vào mình. Kết quả thì do đồng cảm, thương yêu, mà chúng ta có thể đã lỡ trớn, quá đà, tạo ra luôn vũng bùn tài chính cho chính mình, mà kết quả thì vẫn không thay đổi được tình huống. Thay vào đó, sự an toàn của chính bản thân mình bị lâm nguy. Trong trường hợp này, chúng ta cần tỉnh táo, cần cân bằng sự đồng cảm, sự giúp đỡ người khác với nhu cầu và sự an toàn của bản thân mình.

Giúp thì vẫn giúp, nhưng trong chừng mực có thể, trong khả năng của mình và cần bảo vệ sự an toàn cho cuộc sống của mình. Chứ nếu chỉ để sự đồng cảm 1 chiều cuốn mình đi mà không tôn trọng nhu cầu của bản thân mình thì vừa không giúp được, vừa làm hại cả chính mình.

Phản hồi: Oh, đọc xong bài viết của anh, em như được giác ngộ được tất cả các hành động và việc làm của chính mình từ trước đến giờ đều sai,… sai quá sai… Cứ tưởng là đồng cảm yêu thương giúp đỡ chung tay gánh vác… sẽ được hiểu và thương… Nhưng thật ra em đang tạo ra một vũng bùn cho chính mình. Rất cảm ơn bài viết của anh… Luôn theo dõi và ủng hộ anh có thêm nhiều bài viết hay, có ích cho tất cả mọi người.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Exit mobile version