Chính trực 100%?

Sau khi chia sẻ trên Facebook về cuốn sách Tản mạn về Hạnh phúc #2 mà tôi đang hoàn thiện bản thảo, tôi nhận được câu hỏi như bên dưới:

Dạ anh, mà nguyên tắc cốt lõi là tính chính trực. Em thấy thật sự rất khó thực hành 100%. Chẳng hạn như em đã từng nhảy việc vài lần trong những năm đầu đi làm vì môi trường không phù hợp (không biết ghi vô CV sao). Hoặc môi trường làm việc có nhiều yếu tố chính trị, quyền lực. Làm cách nào để yếu tố chính trực được đảm bảo anh ạ ? Hay chấp nhận bằng mọi giá ? Em xin cám ơn Anh.

Trong Phật giáo cũng như trong bất cứ giáo lý của tôn giáo nào, luôn có một tập hợp những giới luật, những giá trị cốt lõi mà người theo tôn giáo đó cần phải tôn trọng và thực hành. Ví dụ như ngũ giới trong Phật giáo chính là những điều căn bản mà một Phật tử cần phải hiểu, tôn trọng và thực hành theo hằng ngày. Đó chính là các cốt lõi về đạo đức mà không chỉ dành riêng cho Phật tử thực hành mà bất cứ ai cũng nên thực hành để có thể có một cuộc sống tốt đẹp trong cuộc đời này. Ngắn gọn thì đó là việc không làm hại người khác, không trộm cắp, không nói lời có hại (nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô nghĩa), không tà dâm, không sử dụng chất gây nghiện. Như mọi người có thể thấy, 5 điều mà Phật giáo gọi là giới này chẳng hề chỉ dành cho Phật tử.

Điều mọi người thường bối rối là việc thực hành các giới luật này. Liệu chúng ta có thể 100% thực hành việc này hằng ngày không?

Thực tế là chúng ta cũng chỉ là những người trần mắt thịt. Chúng ta chẳng phải là thánh nhân để có thể làm được việc này (giữ trọn vẹn giới) 100%. Đó là sự thật. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì?

Tôi học được từ vị Thầy của tôi trong một khoá thiền rằng, giới được đặt ra không phải để không phạm. Mà giới được đặt ra để … phạm giới. Người hiểu biết và không hiểu biết chỉ khác nhau ở cách hành xử khi nhận ra mình phạm giới mà thôi. Người minh mẫn thì luôn tự quan sát bản thân mình, luôn tự kiểm điểm mình xem có làm gì sai (phạm giới) hay không và sau đó cam kết tu sửa bản thân để không tái phạm. Thái độ của chúng ta về việc phạm giới sẽ giúp “đẩy” cuộc sống của chúng ta ở hiện tại cũng như tương lai về đâu: tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay bất hạnh?

Như vậy, cốt lõi không phải là chúng ta giữ giới được 100%. Mà cốt lõi là ở thái độ của chúng ta khi chúng ta phạm giới. Giới hoạt động như là một định hướng để chúng ta dần dần thay đổi suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta sao cho cơ hội tái phạm của chúng ta ngày càng ít hơn.

Chính trực có thể coi là một “giới luật” của tôn giáo tạm gọi là “cuộc đời”. Tôi không nghĩ rằng bạn có thể giữ điều này 100%. Nhưng chính sự hiểu, tôn trọng và cam kết việc giữ chính trực, bạn có thể giữ cho mình thái độ đúng khi phải đối mặt với những lựa chọn có thể vi phạm đến 2 chữ chính trực này.

Chắc chắn rằng bạn sẽ phạm phải hai chữ này không chỉ một lần mà là nhiều lần trong đời. Chính những lần vi phạm đó mới là những cơ hội “dẫn lối” cho bạn để bạn có thể có lựa chọn hợp lý hơn cho suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn trong tương lai, sao cho cơ hội vi phạm 2 chữ chính trực này càng ngày càng ít đi. Như trong trường hợp trên, những công việc đầu tiên đã cho biết chính xác môi trường nào sẽ không phù hợp. Sau đó, với những gì trải nghiệm được, cần sự kiên trì định hướng những bước kế tiếp sao cho ít nhất là những gì không phù hợp sẽ không xảy ra, không lặp lại nữa. Chứ một công ty hoàn hảo, một môi trường hoàn hảo có lẽ là không có thực trên cuộc đời này.

Cuộc sống vẫn luôn là cuộc sống, luôn chứa đựng cả hai điều tích cực và tiêu cực, chính trực và không chính trực. Chỉ có thể với thái độ cởi mở để trải nghiệm, với cam kết và mong muốn duy trì hai chữ chính trực, cùng với sự cọ xát liên tục qua thời gian mới giúp bạn ngày càng tiến gần về hơn với … chính trực. Cần giữ hai chữ này ở trong thái độ của chúng ta, để sống cuộc sống thực hằng ngày.

Leave a Reply