Càng ít ham muốn, càng nhẹ gánh nặng

Đọc được lời dạy trên vào buổi sáng sớm thứ sáu. Thấy thật nhẹ nhàng.

Nhưng càng suy ngẫm kĩ càng thì mới thấy, tuy lời dạy đơn giản, những thật không dễ hiểu và không dễ để có thể thực hành được một cách trọn vẹn trong cuộc sống này.

Ham muốn đồng nghĩa với chất chồng gánh nặng lên tâm trí chúng ta. Nhưng liệu chúng ta có nhận ra được gánh nặng mà chúng ta đang mang trong tâm mình không? Và nếu chúng ta chẳng nhận ra được gánh nặng đang mang thì liệu chúng ta có biết được cần bỏ xuống điều gì không? Hay chỉ tiếp tục chất thêm gánh nặng lên cuộc sống của chúng ta, trong khi thời gian thì lại cứ tàn nhẫn “lôi” chúng ta xoành xoạch về với tuổi già, với bệnh tật? Và cứ thế chất chồng, bế tắc?

Rồi kể cả nếu chúng ta biết được những gánh nặng đó, ví dụ như những tập tính có hại mà chúng ta vẫn huân tập hàng ngày, liệu chúng ta có đủ kỷ luật, có đủ kiên trì để huấn luyện bản thân bỏ đi những tập tính có hại đó không?

Ví như chuyện đơn giản tôi thường thấy là giới trẻ rất thích trà sữa. Đó cứ như là một món giải khát thời thượng, trào lưu. Nhưng liệu, kể cả khi các bạn biết rằng tiêu thụ nhiều đường, nhiều sữa sẽ tàn phá sức khoẻ của bạn, thậm chí còn có thể gây cực đoan đến độ góp phần vào việc gây ra căn bệnh trầm cảm của thế giới hiện đại thì liệu các bạn trẻ có quyết tâm bỏ được trà sữa hay không? Hoặc ví như bạn biết rằng tập thể dục đều đặn là mấu chốt để bảo vệ sức khoẻ, liệu bạn có từ bỏ được việc dậy muộn (do tham ngủ nướng) để bắt đầu một ngày mới với các bài tập thể dục không? Hoặc nếu như bạn biết rằng sân giận một ai đó thì cũng ví như việc tự uống thuốc độc vào người mình rồi mong người kia dính độc thì liệu bạn có kiên nhẫn rèn luyện để từ từ giảm bớt tập tính nóng nảy, sân giận của bản thân không? Bởi vì bỏ tâm sân thật chẳng dễ dàng gì.

Cuối cùng, việc hoàn toàn bỏ được ngay và luôn mọi tham muốn là không tưởng. Đó là một tiến trình và sẽ cần thời gian, rất nhiều thời gian. Vậy thì chúng ta vẫn còn tâm tham, trong khi đang dần dần thanh lọc tâm mình. Và nếu cần phải duy trì một “tâm tham” nào đó thì tôi đề nghị bạn nên “tham”, thậm chí là rất tham, tìm về được với trí tuệ, với sự thật, với sự trưởng thành, với sự phát triển bản thân mình. Lòng tham đó, dù rằng vẫn còn có thể gây cho bạn nhiều căng thẳng và phiền toái, nhưng nó có thể giúp bạn đến gần hơn với hạnh phúc, với trưởng thành, với việc từ bỏ các tham muốn tiêu cực và có hại. Hãy tham đúng cách để từ từ bớt… tham.

Leave a Reply