Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng

Vừa qua, tôi có thời gian tìm hiểu về dinh dưỡng cho sức khoẻ thông qua việc đọc các cuốn sách mà vị thầy của tôi đã đọc qua và giới thiệu. Đó là các cuốn Cancer-Free – Thoát khỏi ung thư, Nhân tố Enzyme, Ăn gì không chết, Dinh dưỡng xanh, Sống lành để trẻ, Ăn xanh để khoẻ, bộ sách Cơ thể tự chữa lành của Anthony William. Ngoài ra, tôi cũng tham khảo thêm một số cuốn khác như: Ăn ít để khoẻ, Y học dinh dưỡng – Những điều bác sĩ không nói với bạn, Phương pháp điều trị trầm cảm, Ung Thư – Sự Thật, Hư Cấu, Gian Lận Và Những Phương Pháp Chữa Lành Không Độc Hại, … Trong bài viết này, tôi chia sẻ lại những gì đã có tác dụng tốt  qua quá trình áp dụng thực tế lên cơ thể tôi cũng như  trong gia đình và người thân của tôi. Và tôi sẽ đều đặn cập nhật thêm bài viết này, mỗi khi có được kiến thức và trải nghiệm mới.

Như chia sẻ trong bài Những sự trái ngược hơp lý (3), dưới đây là một vài nghịch lý mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày:

  • Các loại thuốc trong Tây y ngày càng được phát minh ra nhiều hơn, buồn thay số lượng bệnh nhân và số bệnh nan y ngày càng nhiều hơn. Phải chăng nền Y học hiện đại không theo kịp với bệnh tật hay chúng ta đã làm điều gì không đúng với tự nhiên?
  • Tuổi thọ trung bình tăng, nhưng cũng buồn thay số năm cuối đời sống trong bệnh tật cũng tăng theo. Rồi khi trừ lại số năm mạnh khoẻ được sống, con số kết quả lại đang trên đà đi xuống.

Tôi chắc hẳn chẳng ai vui vẻ gì khi đọc những dòng trên. Sức khoẻ không tốt sẽ trực tiếp làm cho cuộc sống của chúng ta kém chất lượng. Tôi còn nhớ một lời dạy của Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm rằng: Không có sức khoẻ cũng đồng nghĩa với việc đánh mất đi tính mạng của mình vậy.

Sức khoẻ vốn luôn là một vấn đề mà ai trong chúng ta cũng phải đối mặt. Không ai là ngoại lệ cả.  Theo tôi hiểu thì có một số yếu tố quan trọng sau có tác động trực tiếp đến tình trạng sức khoẻ của chúng ta: (1) các yếu tố bẩm sinh, (2) ăn uống (mà đúng hơn là dinh dưỡng trong thức ăn, nước uống mà chúng ta nạp vào cơ thể chúng ta mỗi ngày), (3) chất lượng tâm của chúng ta, và (4) nơi chúng ta ở (là ý nói đến các điều kiện tự nhiên hoặc nhân tạo ở nơi chúng ta ở, sinh sống, …) Trong bốn yếu tố trên thì chúng ta chẳng thể làm gì được với (1). Nhiều lúc chúng ta cũng không có nhiều lựa chọn với (4). May mắn thay, chúng ta có thể làm việc với (2) và (3) để cải thiện tình hình sức khoẻ của chúng ta. Bài viết này sẽ chủ yếu chỉ bàn về yếu tố thứ (2).

Nếu tôi phải đề nghị bạn trang bị kiến thức gốc rễ và cơ bản nhất cho dinh dưỡng và sức khoẻ, tôi sẽ đề nghị bạn mua ngay bộ hai cuốn Sống lành để trẻ và Ăn xanh để khoẻ. Trên TIKI hiện bán combo hai cuốn này tại đây. Và tôi nghĩ rằng đó là một sự đầu tư quá hời cho sức khoẻ.

Mua sách trên TIKI tại đường dẫn này: https://tiki.vn/combo-song-lanh-de-tre-an-xanh-de-khoe-2-cuon-p32715955.html

Những kiến thức được tác giả chia sẻ trong hai cuốn sách này là vô giá, là kiến thức thường thức về sức khoẻ và dinh dưỡng cho bất cứ ai. Không may rằng các bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những kiến thức này trong trường học và theo những kênh truyền thông mà bạn đang xem hàng ngày. Và những gì bạn đọc được trong đó cũng sẽ rất khác so với những gì bạn đã biết. Tôi hy vọng bạn có thể cởi mở để đọc hết ít nhất cuốn Sống lành để trẻ. Những ai đã có bệnh tật trong người sẽ tự tìm thấy bản thân mình trong đó và sẽ biết câu trả lời cho sức khoẻ của mình.

Bộ sách kế tiếp mà tôi sẽ đề nghị cho bất cứ ai thực sự nghiêm túc muốn đầu tư cho sức khoẻ của bản thân là bộ Cơ thể tự chữa lành của tác giả Anthony William. Một lần nữa, những kiến thức bạn đọc được trong bộ sách này là vô giá, là chưa được biết đến, chưa được đại bộ phận y khoa hiện đại thừa nhận. Nhưng may mắn thay, ai nắm được các kiến thức đó thì có thể làm chủ được phần lớn các yếu tố ảnh hưởng lên sức khoẻ của chúng ta.

Tôi nghĩ rằng, không phải ai cũng có sở thích đọc sách hoặc có thể dành thời gian để tự đọc các cuốn sách trên. Nên trong bài viết này, tôi tổng hợp, khái quát và tóm tắt lại các nguyên lý mang tính cốt lõi của việc dinh dưỡng đúng, để các bạn có thể tham khảo để áp dụng ngay cho việc ăn uống và dinh dưỡng của mình. Nhưng rõ ràng, việc tổng hợp này cũng mang tính chủ quan dựa trên những gì mà tôi trải nghiệm được, và dựa trên cơ thể của tôi. Trong khi nó có thể hữu ích và có vai trò như là một bảng tham khảo nhanh, nó không thể là một hướng dẫn mang tính toàn diện.

Một việc khác cần lưu ý là các nguyên lý này có thể không như các bạn đã và đang hiểu, cũng như có thể trái ngược hẳn với các thói quen ăn uống hiện tại của bạn. Thực tế là nếu sức khoẻ bạn đang ổn thì bạn cũng chẳng cần phải thay đổi làm gì nhé. Nhưng ngược lại, nếu bạn cảm nhận được sức khoẻ không tốt, không ổn, thì tôi nghĩ là bạn nên cởi mở và tham khảo các nguyên lý này.

Như tôi có chia sẻ trong bài viết Làm sao để có được và duy trì sức khoẻ?, ăn uống là nguồn gốc của tai hoạ và bệnh tật. Và giờ đây, tôi càng có nhiều lý do để khẳng định mạnh mẽ hơn rằng, ăn uống (thành phần thức ăn và thói quen ăn uống) hằng ngày chính là nguồn gốc chủ yếu của bệnh tật. Đó là do bởi ngày nào chúng ta cũng … ăn cả. Nên nếu dinh dưỡng không đúng đắn, thì mỗi ngày bạn lại tự làm hại cơ thể và sức khoẻ của bạn một chút. Vâng cũng chỉ một chút thôi. Nhưng 365 ngày là 365 chút chút. Và đó chính là nguồn gốc sự tàn phá sức khoẻ và cơ thể của bạn. Ngược lại, nếu bạn có thể duy trì đều đặn việc ăn uống đúng đắn, mỗi ngày bạn sẽ có thêm một chút sức khoẻ. 365 chút chút mỗi năm chính là sự thay đổi kỳ diệu. Hay đúng hơn là một chút xíu đều đặn mỗi ngày chính là sự thay đổi kỳ diệu. Không dừng lại ở đó, với một sức khoẻ tốt, tinh thần của bạn cũng sẽ minh mẫn và sáng rõ hơn nhiều. Đó chính là món quà bạn luôn có thể tự thưởng cho mình.

Cần hiểu rằng, dinh dưỡng đúng đắn không chỉ đề cập duy nhất về dinh dưỡng. Mà thực ra, dinh dưỡng đúng sẽ bao gồm cả việc thải độc cho cơ thể. Đó là vì cơ thể chúng ta vẫn tích luỹ rác thải mỗi ngày, một phần là do tự nhiên (các chất thải tự nhiên trong cơ thể như tế bào chết) và phần lớn là do dinh dưỡng không đúng, tôi nghĩ vậy. Cơ thể chúng ta thì càng ngày càng già cỗi đi, nên việc tự dọn dẹp, thải “rác” không còn được hiệu quả. Do đó, chúng ta cần phải can thiệp hợp lý để hỗ trợ cơ thể chúng ta thải “rác”. Song song với việc đó chính là việc “nạp” vào cho đúng dinh dưỡng. Bài viết này cũng đặt trọng tâm lên hai phần này. Phần đầu sẽ tập trung vào dinh dưỡng, phần sau sẽ bao gồm các đề nghị để “thải rác”.

Dinh dưỡng đúng

(1) Lượng thức ăn hợp lý cho các bữa ăn trong ngày. Nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng và buổi trưa, hạn chế tối đa lượng thức ăn nạp vào buổi tối, đặc biệt ngay trước khi đi ngủ. Tốt nhất là không bỏ bữa ăn sáng.

(2) Uống nước trước khi khát. Uống 500ml – 700ml nước 1h trước bữa ăn. Như mọi người đều biết, nước chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ thể của chúng ta, 60-70% hay hơn thế nữa. Nước được chứa chủ yếu ở bên trong các tế bào hay ở dạng dịch giữa các tế bào. Thông thường thì chúng ta chỉ uống nước khi khát. Và đó chính là vấn đề. 

Bởi vì, khi đã có cơn khát thì có nghĩa là tình trạng thiếu trong cơ thể đã diễn ra. Khi thiếu nước, cơ thể sẽ ưu tiên giữ nước lại ở các bộ phận sống còn trong cơ thể (như não bộ). Các bộ phận không sống còn khác sẽ phải gánh chịu việc thiếu nước, cho đến khi chúng ta nạp lại nước đầy đủ cho cơ thể. Da là một trong những bộ phận không sống còn được cơ thể “ưu tiên” cho việc thiếu nước trong trường hợp này. Đó là lý do những người thiếu nước thường có làn da khô, xấu. Tuy nhiên, vấn đề của việc thiếu nước không chỉ dừng lại ở đó. Việc thiếu nước kéo dài, do chúng ta không uống đủ nước (và phải đợi đến lúc khát mới uống) sẽ khiến các tế bào mất nước thường xuyên. Điều đó là nguyên nhân tạo nên các tế bào bất thường, khi phân chia tế bào. Đó là nguồn gốc của suy giảm miễn dịch, của ung thư, của các vấn đề về sức khoẻ. Do đó mới có luận điểm uống ít nước sẽ bị ung thư.

Như vậy, bạn nên uống nước trước khi khát. Một thực hành trong cuốn Nhân tố Enzyme đề nghị là uống nước 1 tiếng trước khi ăn, cho ba bữa ăn trong ngày. Lượng nước chúng ta cần nạp vào cơ thể khoảng 1.5l – 2l mỗi ngày. Như vậy, trước khi ăn, chúng ta uống khoảng 500ml – 700ml, tuỳ theo cơ thể mỗi người. Và như thế, trong ngày, đa phần chúng ta không cần phải đi tìm nước để uống nữa.

(3) Duy trì khoảng 15% khẩu phần ăn là từ động vật, tương đương khoảng 100gr thịt, cá mỗi ngày. Còn lại là rau củ, ngũ cốc. Thức ăn từ thực vật thì tốt hơn từ động vật. Đây sẽ luôn là điều gây tranh cãi, nên tôi không giải thích gì thêm ở đây. Chỉ là bạn chọn tin hay không mà thôi. Và theo tôi, nếu phải ăn động vật, nên chọn động vật có mức tâm linh, nhận thức càng thấp càng tốt.

(4) Hạn chế hoặc không ăn thịt bò cũng như thức ăn có dẫn xuất từ sữa bò. Đây cũng là một vấn đề tranh cãi. Bạn có thể chọn tin hay không. Nhưng tôi đề nghị bạn nên quan sát cơ thể cẩn thận mỗi khi ăn vào thịt bò hoặc các món có dẫn xuất từ sữa bò. Nếu bạn thấy sức khoẻ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ tự rút ra kết luận thôi.

(5) Sinh mệnh nuôi sinh mệnh. Ăn nguyên con, nguyên hạt. Theo qui luật của tự nhiên thì chỉ có sinh mệnh mới nuôi được sinh mệnh. Có nghĩa rằng, chỉ những động thực vật đang sống, đang tươi mới thì mới có thể nuôi sống được tốt đẹp cho các động thực vật sống khác. Một điểm khác cần chú ý là thành phần dinh dưỡng của một sinh vật sống là cân bằng, thuận theo qui định của tự nhiên. Nên nếu ăn, thì chúng ta nên ăn nguyên con, nguyên hạt, nếu có thể. Điều đó là để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng thuận theo qui định của tự nhiên từ thức ăn do chúng ta nạp vào người.

Việc ăn động vật đang sống chắc chắn là việc phản cảm, nhẫn tâm, và không nên làm. Việc ăn nguyên con cũng sẽ là một vấn đề, nếu như chúng ta phải ăn … bò, heo. Sẽ là quá nhiều, nếu bạn phải “tiêu thụ” trọn vẹn hết cả một con … bò. Như vậy thì chúng ta còn những lựa chọn nào? Nếu phải ăn động vật thì nên ăn khi còn tươi (thịt heo, thịt gà, cá, …). Nếu có thể thì tìm các loại cá nhỏ, mực, bạch tuộc, … để có thể ăn nguyên con. 

Chắc chắn là việc tìm được nguồn thức ăn từ động vật một cách tươi mới và ăn nguyên con luôn là một thách thức. Nên thực vật mới chính là nguồn thức ăn phù hợp hơn cho con người. Thức ăn từ thực vật sẽ dễ cho chúng ta đảm bảo thực phẩm tươi, nguyên “con”, nguyên hạt hơn. Ví dụ như gạo lứt. Đó là loại thực phẩm nguyên hạt và mầm sống, sinh mệnh trong hạt gạo còn nguyên vẹn. Nên việc ăn gạo lứt, nguyên vẹn hột gạo (từ lớp cám, lớp mầm, và tinh bột bên trong) là điều rất tốt cho cơ thể. Ăn gạo lứt là để cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho bữa ăn, chứ không phải là ăn gạo lứt chỉ là để chữa bệnh. Nhưng tất nhiên, nếu có bệnh thì ăn gạo lứt sẽ giúp cơ thể chữa lành tự nhiên rất tốt. Đó là do gạo lứt cung cấp đủ dưỡng chất và mầm sống cho cơ thể.

Thêm nữa, ngũ cốc nguyên hạt có thể bảo quản được lâu hơn, dễ dàng hơn cho việc tích trữ thực phẩm.

(6) Tự nhiên đã có đủ thành phần mặn ngọt. Không nên lạm dụng thêm muối và đường. Đặc biệt, cần hạn chế đồ ngọt (làm với nguyên liệu từ đường). Bệnh nghiện đường là một trong những căn bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân của quá nhiều vấn đề về sức khoẻ. Nhưng bạn cũng cần lưu ý là đường ở trong trái cây thì lại rất tốt và không cần hạn chế. 

Không ăn mặn. Ăn nhạt hoặc chỉ cần dùng “độ mặn” đã sẳn có trong các thành phần nguyên liệu tự nhiên của món ăn.

(7) Nếu có thể, ăn thực vật rau củ và trái cây toàn phần. Tôi vốn là một người không chịu ăn rau và trái cây từ nhỏ. Tôi chẳng thích. Nhưng cho đến tuổi này (44 tuổi), tôi đã phải thay đổi chính bản thân mình: ăn rau và trái cây nhiều hơn. Mọi người thường hỏi rằng, vậy liệu ăn thực vật rau củ toàn phần có cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể không? Với những gì tôi đọc được và tự mình trải nghiệm trong thời gian vừa qua, câu trả lời là tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng: rau củ thực vật đã có đủ các dưỡng chất cần thiết mà cơ thể bạn cần. 

Điều quan trọng hơn là thực phẩm từ thực vật tươi sống sẽ không để lại nhiều rác thải trong cơ thể của bạn. Trong khi, nếu bạn dùng thức ăn từ động vật thì lượng rác thải để lại trong cơ thể nhiều hơn, cộng với việc cơ thể sẽ phải sử dụng nhiều tài nguyên hơn để tiêu hoá. Đó là một việc làm nhân đôi tác hại cho chính cơ thể của bạn. 

Một lưu ý khác là nếu được nấu chín, mọi dưỡng chất đều bị giảm đáng kể. Nên thức ăn nấu chín lại không phải là thức ăn thuận tự nhiên. Nó có thể cung cấp đủ năng lượng cho bạn, nhưng nó lại trực tiếp gây hại bạn, bởi do tích luỹ nhiều hơn rác thải trong cơ thể mỗi ngày. 

Ngắn gọn thì công thức ăn “xanh” cần bao gồm: nước ép rau củ tươi (dùng máy ép chậm) để cung cấp dưỡng chất, protein, khoáng chất, năng lượng, …, nước ép trái cây / trái cây tươi để thanh lọc cơ thể, salad, rau sống để cung cấp chất xơ. Nếu bạn cung cấp 3 thứ này hàng ngày cộng với một lượng tinh bột phù hợp từ các loại ngũ cốc nguyên hạt thì chắc chắn bạn sẽ có đủ dưỡng chất. Về lượng nạp vào thích hợp của rau củ thì bạn cần tham khảo bộ sách Sống lành để trẻĂn xanh để khoẻ. Điều chính yếu là cần phải tự trải nghiệm, thí nghiệm trên cơ thể của mình để tìm câu trả lời phù hợp với cá nhân mình. Không có đường tắt nào cả.

Đối với nước ép rau củ, tôi luân phiên các loại sau (hoặc đôi khi cũng chỉ đơn giản là có gì làm đó thôi): cà rốt, cải bó xôi, xà lách, củ cải, khoai tây, củ dền, cần tây, dưa leo, ớt chuông, cải xoăn, đu đủ xanh, đậu côve, bắp cải, … Ngoài ra để điều vị cho ngọt, dễ uống thì thêm mấy thứ như chuối, táo, thơm. Một ngày uống được hai chai, mỗi chai 500ml là ổn. Nhưng kể cả đều đặn một chai 500ml mỗi ngày thì cũng đã là quá tốt rồi. Uống trước bữa ăn tầm 30 phút. Còn không thì sau ăn tầm 2 tiếng. Và vẫn cần bù thêm xơ hữu cơ từ rau sống, xà lách. Cần cho một lát chanh tươi vào ép chung cho 1 ly nước. Điều đó sẽ giúp tránh đóng sỏi thận.

Máy ép thì tôi sử dụng qua một vài dòng của Hurom và Kuvings. Đều ổn cả. Hurom thì nhỉnh hơn về thiết kế và trải nghiệm, giá cũng nhỉnh hơn. Nhưng so về chất lượng nước ép ra thì không quá chênh nhau. Các dòng máy này đa phần đều đắt gấp hai đến ba lần các dòng máy ép chậm hoặc ép thường của các hãng khác. Nhưng thực ra, có máy gì cũng được cả, kể cả máy xay sinh tố. Điều mấu chốt là cần phải nạp vào người một lượng đầy đủ rau củ và trái cây tươi.

Nếu các bạn cung cấp đầy đủ cho mình lượng rau củ (thông qua nước ép và rau sống / salad) cùng với lượng trái cây tươi cần thiết hằng ngày thì trong các bữa ăn chính, các bạn sẽ không còn thấy mình có nhu cầu ăn nhiều nữa. Thậm chí, các bạn sẽ từ từ thấy thích ăn thực vật hơn, bởi vì nó làm cho cơ thể, tâm trí của bạn nhẹ nhàng hơn.

(8) Ăn vặt mỗi 1,5h hoặc 2h. Từ “ăn vặt” có thể khiến mọi người đặt câu hỏi, liệu có nên không? Theo tôi biết tầm mỗi một 2h, gan chúng ta sử dụng hết đường nó cần để làm việc, nên cơ thể sẽ phải bổ sung đường cho gan. Nếu không được cung cấp nguồn này từ bên ngoài, tuyến thượng thận sẽ làm việc đó giúp chúng ta, sử dụng đường dự trữ trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài lâu ngày, nó sẽ khiến tuyến thượng thận kiệt sức. Đó là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khoẻ. Việc thèm ăn vặt là nhu cầu hợp lệ của cơ thể. Tuy nhiên, tuỳ việc bạn nạp cái gì vào cơ thể lúc ăn vặt thì sẽ trực tiếp hỗ trợ hoặc phá hoại sức khoẻ của bạn. Cần nạp những gì là phù hợp và tốt cho cơ thể. Các đề nghị mà tôi có cho bạn là trái cây tươi, nước ép trái cây, nước ép rau củ, chà là, khoai lang, bí ngô nướng, khoai tây nướng, … Nói chung là mọi thứ có dẫn xuất từ rau củ, trái cây. Tôi thường đem theo trong người một hộp nhỏ chà là, hoặc một trái táo, để “cứu đói” gan khi cần, nếu không thể sắp xếp được món gì khác. Nếu cộng thêm các buổi ăn vặt mỗi một 2 tiếng này thì trong ngày chúng ta có khoảng bảy lần ăn. Nhờ đó, chúng ta sẽ không bị áp lực ăn nhiều (do đói) trong các bữa chính nữa.

(9) Hạn chế ăn tinh bột. Do tinh bột có xu hướng gây viêm trong cơ thể chúng ta. Mỗi bữa ăn, chỉ ăn một chén cơm là ổn. Và nếu được, nên ăn gạo lứt, thay vì gạo trắng.

Trên đây là tổng quát, tóm tắt những gì tôi cho là cốt lõi và cần chú ý trong dinh dưỡng hàng ngày. Trong cuộc sống vô vàn bận rộn thời hiện đại, việc đọc và thực hành chi tiết tất cả các lời khuyên từ các cuốn sách dinh dưỡng trở nên là một thách thức lớn cho bất cứ ai. Tôi hy vọng những điều ngắn gọn ở trên là dễ dàng hơn để các bạn tham khảo và bắt tay vào áp dụng, để có thể chữa lành và duy trì một sức khoẻ tốt.

À, thêm “khuyến mãi” cho xôm tụ… Đi bộ đều đặn để cung cấp đủ canxi cho cơ thể. Thoạt nghe thì có vẻ hơi nghịch lý. Nhưng thực tế là như vậy. Thông thường, lượng canxi trong thức ăn mà chúng ta nạp vào người là đủ cho cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cơ thể không hấp thụ được đầy đủ lượng canxi có sẳn có trong thức ăn. Việc đi bộ, vận động nhẹ nhàng và đều đặn là nhân tố hỗ trợ việc trao đổi chất – hấp thụ được canxi vào máu nhằm duy trì đủ lượng canxi cho cơ thể. Một bài tập đơn giản, nhưng lại vô cùng “đắt giá”. Duy trì đi bộ ít nhất 1h mỗi ngày, hoặc nếu được nên đi bộ 2h mỗi ngày. Tôi quan sát được rằng những người sống lâu, minh mẫn, khoẻ mạnh đều là những người duy trì được việc đi bộ đều đặn. Và những vị này thường có thân thể nhỏ gọn. Đó cũng là điều hợp lý. Bởi vì thật khó để duy trì việc đi bộ, nếu cơ thể thừa cân. Việc duy trì cơ thể được gọn gàng mang một ý nghĩa lớn cho sức khoẻ. Và tất nhiên, gọn gàng cũng chính là cái đẹp.

Thải độc

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do bởi quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta không ai có thể tránh khỏi bị nhiễm độc phải bốn loại “độc tố” sau, như Anthony William có chia sẻ trong các cuốn sách của ông ấy.

  • Dư lượng hoá chất: từ việc nuôi trồng động thực vật (hoá chất phun xịt bảo vệ thực vật, thức ăn, phân bón, …), từ thực phẩm chế biến, từ môi trường, vật dụng xung quanh (sơn, thuốc chống mốc, hoá chất giặt thảm, …), …
  • Dư lượng kim loại nặng: từ thực phẩm, từ môi trường xung quanh, và thậm chí còn từ mẹ sang con (mẹ đã bị nhiễm độc kim loại rồi và chuyển sang cho con). Kim loại nặng có mặt trong hầu hết các sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, nhiễm độc thuỷ ngân trong hải sản là một trong những thứ độc chất tạo ra rất nhiều vấn đề cho sức khoẻ.
  • Dư lượng phóng xạ: Các sự cố phóng xạ đã giải phóng phóng xạ lên bầu trời và sau đó phát tán ra toàn bộ mọi nơi trên trái đất.
  • Virus: Các loại virus có độc tố cao có mặt hầu hết trong cơ thể chúng ta. Và nó như là bom hẹn giờ, nổ chậm. Khi nào môi trường trong cơ thể đủ điều kiện hoặc cung cấp đủ thức ăn cho chúng phát triển thì chúng sẽ sinh sôi và bắt đầu tàn phá cơ thể, gây ra các căn bệnh bí hiểm. Kim loại nặng, hoá chất là một trong những thứ cung cấp thức ăn cho các loại virus độc hại này. Epstein Barr Virus (EBV) là một trong những nguyên nhân hàng đầu đứng sau các căn bệnh bí hiểm trong thế giới hiện đại.

4 độc tố này đứng đằng sau hầu hết tất cả các bệnh tật trong người chúng ta, cũng như góp phần tàn phá, huỷ hoại sức khoẻ của chúng ta. Kể cả các căn bệnh về tâm như trầm cảm, tự kỷ, tăng động giảm trí nhớ, … phổ biến gần đây thì nhiễm độc kim loại nặng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên. Mục tiêu của các liệu pháp thanh lọc 3:6:9 (như chia sẻ dưới đây) là để thải các độc tố này ra khỏi cơ thể, thông qua các nguyên liệu đầu vào trong 9 ngày thanh lọc.

Ngoài bốn loại độc tố ở trên, thì theo thời gian, cơ thể chúng ta chắc chắn tích luỹ thật nhiều “rác” trong người, trong quá trình chúng ta ăn tinh bột và đạm động vật. Sau nhiều năm, trên thành ruột tích luỹ lại nhiều túi thừa với các rác thải này. Một cách tự nhiên thì cơ thể lại không thể “trục” xuất được hết các rác thải này. Và cứ thế, nếu không “tháo” cống ra thì toàn bộ cơ thể của chúng ta ngày sẽ một nặng nề hơn với các vấn đề được gây ra bởi “đống” rác thải tồn tại ngay bên trong cơ thể này. Chúng ta cần phải hỗ trợ cơ thể của chúng ta thải độc.

Các bạn có thể hình dung là không ai trong chúng ta có thể tránh được các độc tố và rác như liệt kê ở trên trong quá khứ, ở hiện tại và cả trong tương lai. Đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta cần phải sống chung với các độc tố và rác. Nên cách tốt nhất là một mặt phải cẩn thận với các đồ ăn, thức uống nạp vào người, mặt khác cần phải đều đặn tìm cách giúp cơ thể thải các độc tố này ra ngoài. Như vậy, thanh lọc chỉ là một mặt, một mặt quan trọng, của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết mà thôi. Dinh dưỡng đúng là phần đối trọng còn lại với các nguyên tắc cơ bản như tôi trình bày ở trên. Chúng ta cần phải nghiêm ngặt thực hiện cả hai để bảo vệ sức khoẻ của chúng ta cũng như chữa lành bệnh tật của chúng ta. Dưới đây là một số các phương pháp thải độc mà tôi đã tự mình áp dụng, trải nghiệm và đề nghị đến các bạn.

  • Cần tây nguyên chất, liệu pháp thanh lọc, thải độc và chữa lành tự nhiên tốt nhất. Nếu có thời gian, bạn tham khảo cuốn Cơ thể tự chữa lành: Nước ép cần tây để có đầy đủ thông tin về công dụng vô cùng của cần tây. Còn nếu bạn tin ở tôi, bạn có thể bắt đầu ngay với những chỉ dẫn bên dưới. Chuẩn bị và dùng máy ép chậm ép ra 500ml cần tây nguyên chất (không thêm nước hoặc bất cứ loại rau củ, trái cây nào khác) – nguyên chất nhé. Uống khi bụng đói (tốt nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy, trước khi ăn sáng). Nếu uống trong ngày thì chờ sau bữa ăn tầm 2h cho bụng rỗng rồi hãy uống. Đợi 15-30 phút sau khi uống rồi mới ăn hoặc cho thứ gì khác vào bụng. Nếu được, tiến hành liệu trình này liên tục 30 ngày. Sau đó, có thể tiến hành từng đợt 5 ngày liên tiếp, khi cảm thấy cần thanh lọc và chữa lành cơ thể. Lưu ý rằng có một tỉ lệ rất nhỏ chúng ta dị ứng với cần tây. Nếu bạn thuộc phần số ít đó, bạn có thể thay thế bằng dưa leo. Vẫn cùng cách dùng và liều lượng như trên.
    Có một điểm lưu ý cho ai ép cần tây là cần phải cắt ngắn cần tây lại khoảng tầm một lóng tay hoặc hơn một xíu thôi. Bởi vì, xơ cần tây rất cứng và dai. Nên nếu để dài hơn thì nguy cơ kẹt cối xay, gãy cối xay của máy ép là có thực. Tôi đang xài những máy chuyên dụng, mạnh như Hurom và Kuvings và cũng đều gặp vấn đề, nếu không cắt ngắn cần tây nhé. Happy Juicing!
  • Nha đam nguyên chất. Lấy ruột nha đam và xay ra nước tầm 400ml nguyên chất và uống khi bụng rỗng (sau khi ăn 2 tiếng) sẽ có tác dụng “súc” phần đường ruột trên rất tốt.
  • Giải độc gan: Biện pháp giải độc gan đơn giản nhất là uống ngay một ly nước lọc 500ml vào sáng sớm, khi mới thức dậy. Tốt hơn nữa thì các bạn vắt thêm chanh (1/2 – 1 trái chanh) hoà vào. Mọi người thường ngại uống chanh khi bụng đói. Thực tế thì chanh khi vào cơ thể sẽ giúp tạo kiềm chứ không phải tạo axit. Nên hoàn toàn an toàn để uống nước chanh khi bụng đói nhé. Tôi cũng không ngờ đến sự thật này. Khi thực tế uống vào mới biết là nó hoàn toàn ổn, và có tác dụng thanh độc gan tuyệt vời. Ngoài hoà thêm với chanh, nếu các bạn có thể thêm mật ong, gừng vào nữa thì đó là công thức tuyệt hảo để vừa thanh độc gan vào sáng sớm và vừa cung cấp năng lượng cần thiết cho gan khởi đầu ngày mới.
  • Thanh lọc theo liệu trình 3:6:9 do Anthony William đề nghị: Tham khảo chi tiết ở bài viết này https://viethungnguyen.com/2022/08/17/huong-dan-nhanh-lieu-trinh-thanh-loc-369-cao-cap/.
  • Thải độc cơ thể bằng enema (súc ruột). Tôi biết đến phương pháp thải độc bằng enema này từ các cuốn sách. Nhưng lại không thực sự bắt tay vào thực hiện. Vì đâu đó, vẫn ngại. Rồi với sự “thúc giục” từ vị thầy của tôi, tôi đã chính thức trải nghiệm enema.

    Enema (thụt phân bằng các đưa nước ấm, hỗn hợp nước ấm + chanh, … vào đại tràng từ dưới hậu môn) là cách làm tiện lợi cho bất cứ ai, lại không dùng đến bất cứ một loại hoá chất nào, để hỗ trợ thải ra “rác” tích luỹ ở đại tràng. Đơn giản thì đây là một cách giúp cơ thể đẩy dần các cặn thải ra ngoài. Và nếu “rác” từ đại tràng được đẩy ra ngoài, cơ thể lại có thể có “kho” để tiếp tục “kéo” rác từ các bộ phận khác trong cơ thể trở về đại tràng. Rồi cứ thế, bằng cách đều đặn “xả cống”, chúng ta có thể thanh lọc dần dần toàn bộ cơ thể. Các bạn tham khảo cách làm ở đường dẫn này từ Viethealthy. Các bạn có thể mua bộ dụng cụ ở Viethealthy để tiến hành. Tôi cũng mua dụng cụ từ đó để trang bị cho mình. Lưu ý rằng, chúng ta có thể làm enema với hỗn hợp cafe + nước ấm. Nhưng do cafe vẫn có thể gây mất cân bằng vi khuẩn trong đại tràng, nên để an toàn, khi mới bắt đầu enema, bạn có thể sử dụng nước ấm + chanh (vắt 1/4-1/2 trái chanh cho 2 lít nước ấm). Và sau khi enema một thời gian kha khá rồi, thì bạn chỉ cần dùng nước ấm để enema mà thôi. Đơn giản.

    Tôi cũng học được thêm rằng, bạn có thể nạp nước 2 lần khi làm enema. Lần đầu nạp nước vào (tầm 400-600ml) để tháo hết phân còn tồn đọng, cho được sạch sẽ. Sau đó, lại tiếp tục cho nước vào lần hai (tầm 1,2-1,6l) để ngâm và thải. Làm như vậy, thời gian ngâm cũng lâu hơn. Nên thải “rác” ra cũng được hiệu quả hơn.

    Tôi đã nghe được rằng, nên làm 30 ngày liên tiếp, rồi sau đó 2-3 ngày làm lại một lần. Đa phần chúng ta khó sắp xếp được liên tục 30 ngày. Nên tôi khuyên bạn ít nhất sắp xếp từng đợt 3 ngày liên tiếp trong thời gian đầu, khoảng 6-8 tuần. Sau đó, các bạn có thể chuyển sang làm enema hàng tuần, hoặc thậm chí 1-2 tháng làm một lần, tuỳ theo cảm nhận và quan sát của bạn về lượng “rác” có trong người.

    Sau một thời gian thực hành về thải độc và dinh dưỡng, tôi nhận thấy rằng, nếu đã thải độc thường xuyên bằng cần tây, nha đam cộng với việc dinh dưỡng đúng cách thì “rác” thải được qua cách thải độc enema không còn được nhiều nữa. Nên nếu bạn không có điều kiện để thải độc bằng cần tây, nha đam, cũng như không sắp xếp được để dinh dưỡng đúng, thì có thể sử dụng enema thường xuyên hơn. Ngược lại thì 1-2 tháng làm một lần để xác nhận phần đại tràng của mình có sạch hay không mà thôi. Một lưu ý khác là nếu thải độc bằng cần tây và nha đam thì theo tôi vẫn là tốt hơn, do chúng ta chỉ cần “nhập” nguyên liệu vào cơ thể và cơ thể chúng ta sẽ tự xử lý một cách hiệu quả, hợp lý và tốt nhất cho cơ thể mình. Phương pháp enema dù sao đi nữa vẫn mang tính “không tự nhiên” và cưỡng ép.

Gud luck, once again!

Các ghi chú khác về ăn, uống

  • Thứ tự ăn tránh sốc đường, có lợi cho sức khoẻ là: (1) rau và chất xơ trước, (2) rồi mới đến thịt, cá hoặc protein, (3) và dứt khoát ăn tinh bột / đường sau cuối. Cùng với các thành phần đó trong bữa ăn, nhưng sự thay đổi thứ tự nạp vào này sẽ có “hậu quả” rất khác nhau. Tham khảo thêm ở bài: Sách hay – Cuộc cách mạng Glucose
  • Ăn trái cây, uống nước trái cây trước bữa ăn từ 20-30 phút. Lý do là khi nạp trái cây chung với thức ăn trong bữa ăn thì phản ứng tạo ra trong dạ dày cuối cùng sẽ tạo nên nhiều axit và làm giảm luôn cả việc hấp thụ được lợi ích của trái cây. Nên sẽ là lãng phí nếu sử dụng trái cây chung với tinh bột và đạm động vật. Nếu không thể sử dụng trái cây trước bữa ăn, nên chờ sau bữa ăn tầm 1,5-2h, khi dạ dày đã trống thì mới nạp vào.

22 thoughts on “Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng

  1. chào bạn. theo bộ enzym thì 1 ngày nên ăn 100g đạm. mìh hiểu đó là dàh cho người trưởg thàh. đối với 2 bé nhà mìh đag tuổi ăn tuổii lớn ( 8-10 ) thì lượg đạm neên ntn cho hợp lí. 100g – 200g liệu có đủ cho độ ttuổi này ko. mog bạn trả lời. mình cảm ơn

    1. Theo như H đọc cuốn Nhân tố enzyme thì không thấy tác giả nói về việc áp dụng cho trẻ con. H thì không phải là chuyên gia dinh dưỡng. Nên H không thể có một liều lượng cụ thể nào để đề nghị. Bạn nên tư vấn bác sĩ về dinh dưỡng nhé.

  2. Cám ơn anh đã rộng lòng chia sẻ những kiến thức hữu ích này, một cách miễn phí.
    Em đang ứng dụng việc uống nước cần tây ép. Sẽ vừa làm vừa lắng nghe cơ thể. Và bây giờ có thêm một lý do vui khi đi bộ mỗi sáng vì nó cung cấp canxi (dù đã đi bộ từ 3 năm nay liên tục, nhưng với quan điểm là để máu huyết lưu thông + đầu óc lắng đọng tự sắp xếp lại các ý nghĩ).

Leave a Reply