Thiền?

Chữ “thiền”, “sống thiền”, “chánh niệm” hiện nay đang nổi lên như là một nơi “an trú” của mọi người, trong cuộc sống có quá nhiều bấp bênh và thay đổi này. Và đúng thế, thiền và chánh niệm chắc chắn là phương tiện mà tôi nghĩ là tốt nhất để có thể giải quyết ở tận gốc lõi các vấn đề về mặt tâm lý trong xã hội hiện đại, 4.0, ngày nay.

Theo tôi hiểu thì các bước để hành thiền, thực hành chánh niệm không phải là quá phức tạp, thậm chí là rất đơn giản. Đơn giản, nhưng lại… khó thực hành được một cách liên tục, đều đặn. Nên thường thì thái độ thực hành và sự kiên trì đóng phần mấu chốt trong việc có hành thiền được hay không. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không có ý giải thích về chữ thiền. Càng không có ý dạy về thiền. Tôi nghĩ rằng tôi còn xa lắm mới đủ tiêu chuẩn để có thể dạy thiền. Trong bài viết nhanh này, tôi nêu ra một vài điểm mà thiền sinh thường hay ngộ nhận, hiểu chưa đúng khi bắt đầu thực hành thiền, thực hành chánh niệm. Và tôi hy vọng nó có ích cho các thiền sinh.

  1. Thiền không phải chỉ là thiền ngồi, mà trong cả 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều hành thiền được hết.
  2. Thiền không phải chỉ xảy ra trong các thời khoá qui định trong ngày. Tất nhiên, những thời khoá qui định có tác dụng của nó, mang tính “đào tạo”, tập thử, … Và cuối cùng thì mục tiêu là mở rộng được sự thực hành / hành thiền ra ngoài thời khoá, vào trong cuộc sống, mọi lúc, mọi nơi. Đức Phật có dạy rằng chúng ta cần hành thiền từ lúc mở mắt cho đến lúc nhắm mắt.
  3. Thiền chánh niệm không phải là ngồi đó, nhắm mắt yên lặng và cố gắng làm cho tâm im bặt, không suy nghĩ. Thiền hay thực hành chánh niệm là sự chú ý, sự hay biết bất cứ điều gì có thể biết được, có thể cảm nhận được, đang xảy ra trong thân và tâm mình ở thời điểm hiện tại. Ví như khi bước đi, phần lớn thời gian chúng ta chẳng hề biết mình đang đi. Sự đi được diễn ra một cách hết sức “tự động”. Nên mỗi khi có thể nhớ ra mình đang đi thông qua việc cảm nhận được bước chân (hay có các cảm nhận khác sâu sắc hơn nữa về sự đi) thì điều đó đã là trở lại với hiện tại và trở về được với sự biết, đó là chánh niệm rồi. Điều này là tương tự cho tất cả các hành động, hoạt động trong ngày trên thân và tâm của chúng ta. Mỗi khi chúng ta mang sự chú ý trở về được ở hiện tại lên bất cứ đối tượng nào trên thân và tâm, thì ít nhiều chúng ta đã có chánh niệm.
  4. Khi rèn luyện bất cứ một kỹ năng nào, nếu chúng ta liên tục và kiên trì rèn luyện thì chúng ta ngày càng thuần thục hơn. Hành thiền, thực hành chánh niệm cũng thế. Nếu chúng ta giữ được sự thực hành đều đặn thì sự chú ý, sự biết, sự cảm nhận này mỗi ngày một sâu sắc hơn. Và đó chính là sự khác nhau về mức độ chánh niệm ở mỗi người.

Nếu bạn muốn biết được thấu đáo hơn cho câu hỏi “Thiền là gì?”, bạn có thể tham khảo bài giảng “Thiền là gì?” của Sư Tâm Pháp. Bạn cũng có thể tham khảo thêm vô vàn các kiến thức khác về thiền (cả lý thuyết, thực hành và ứng dụng lối sống chánh niệm vào cuộc sống) từ trang web của Sư. Gud luck!

Leave a Reply