Tự cứu lấy con tim của mình

Chuyện bây giờ mới kể…

Vào đầu tháng 3, do một chút thiếu may mắn, tôi đã bị ngộ độc thức ăn sau buổi ăn tối với món sashimi Nhật mà tôi yêu thích. Cảm giác thật quá tệ, khi phải liên tục vào toilet từ 1h đến 4h sáng. Và đỉnh điểm là khi toàn bộ dạ dày “lồng” lên, quặn thắt và bắt cơ thể phải ói ra những gì còn lại. Toàn bộ cơ thể cứ nửa tỉnh, nửa mê, đau đớn không tả được ở khắp mọi bộ phận. Nhức mỏi toàn thân. Cho đến khi gục xuống, ngủ thiếp đi lúc 4h sáng. Do biết được cách xử lý căn bệnh này, tôi đã tự mình làm mọi việc cần làm và tự cho thân tâm mình thư giãn liên tục, mà không làm phiền đến người thân trong nhà, trong đêm khuya.

Sáng hôm sau, dậy muộn! Mệt mỏi trào dâng. Cơ thể cứ mơ mơ màng màng đến độ, tôi phải bấu vào tay mình vài lần để chắc chắn rằng còn cảm giác, là cơ thể này còn sống. Thật tệ.

Hai ngày kế tiếp, tôi chỉ có thể nằm yên một chỗ. Ăn uống rất hạn chế. Ngày ăn hai bữa, mỗi bữa được tầm 10 muỗng cháo. Còn lại, chủ yếu là uống nước (Revive) bù lại cho cơ thể, tầm 3.5 chai mỗi ngày. Những gì tôi làm chủ yếu chỉ là lắng nghe cơ thể và chủ động thư giãn để cho cơ thể tự xử lý, tự chữa lành, tự hồi phục. Và quả thực như thế, chẳng cần thuốc thang gì, đến chiều ngày thứ hai, tôi đã khá hơn nhiều. Đã có thể lái xe suốt 2 tiếng đồng hồ. Và tôi hoàn toàn bình phục vào buổi sáng ngày thứ ba. Cơn đau qua đi cứ như chưa bao giờ có mặt.

Trải nghiệm này thật đặt biệt đối với tôi, khi tôi có nhiều thời gian tự thư giãn, tự quan sát cơn đau, quan sát và cảm nhận các cảm giác và suy nghĩ của mình trong lúc đó, khi bắt buộc phải nằm yên một chỗ. Có vẻ như chúng ta chỉ có thể nghiêm túc nhất với chính bản thân mình khi khó khăn và bệnh tật ập đến, khi không còn cựa quậy được.

Một điều đặt biệt tôi quan sát được trong ba ngày bệnh này chính là nhịp tim của cơ thể. Trong ngày đầu tiên và ngày thứ hai, khi cơ thể kiệt sức, không có chất dinh dưỡng nào được nạp vào người thì lại là lúc cơ thể làm việc căng thẳng nhất. Mà bằng chứng cụ thể là nhịp tim luôn ở mức cao hơn 100. Căng thẳng làm việc suốt ngày, kể cả trong giấc ngủ, trong lúc cơ thể đang đuối sức toàn diện. Các tiến trình tự nhiên ở bên trong cứ được tự động kích hoạt để chống chọi lại với các con vi khuẩn đang tồn tại trong người. Một cách tự động, một cách hoàn hảo. Và với nhịp tim luôn ở mức cao như vậy, việc nghỉ ngơi thật là thử thách. Cơ thể luôn ở trong tình trạng báo động, nhức mỏi, căng, kiệt sức.

Và rồi khi đã “xử lý” được bọn vi khuẩn xong, cơ thể lại tự điều chỉnh nhịp điệu trở về nhịp sống thường ngày của người khoẻ mạnh. Nhịp tim xuống dần và ổn định trở lại vào ngày thứ ba, đánh dấu sự hồi phục hoàn toàn của cơ thể.

Điều tuyệt diệu của tự nhiên chính nằm ở chỗ tôi chỉ nhường phần việc của tự nhiên lại cho tự nhiên. Không cố gắng can thiệp vào tiến trình (không uống thuốc) và lắng nghe nhu cầu của cơ thể. Cơ thể của tôi rõ ràng đang không cần thêm thức ăn. Nên tôi chỉ có thể cố gắng ăn cho có mà thôi. Và liên tục tiếp nước vào cơ thể. Rồi cứ thế, tôi chỉ liên tục thư giãn, thả lỏng để tạo điều kiện cho tự nhiên làm công việc chữa lành của tự nhiên. Không can thiệp. Và đúng thế thật, mọi việc đều diễn ra hoàn hảo.

Bình thường, nhịp tim của tôi chỉ ở tầm 60-90 nhịp / phút. Trong giấc ngủ, nhịp tim của tôi thường dao động trên dưới 50. Nhưng khi bệnh tật, khi cơ thể cần phải chống chọi với bệnh tật và kích hoạt các tiến trình cần thiết để làm việc đó, trái tim của chúng ta cũng sẽ cần phải làm việc cật lực, quá tải. Đó là lý do chúng ta yếu đi, già đi, giảm bớt tuổi thọ mỗi khi có bệnh ghé thăm. Đơn giản chỉ là vì cơ thể và trái tim phải làm thêm nhiều việc để chống chọi và chữa lành.

Điều khó “đỡ” hơn nằm ở chỗ chúng ta chẳng có “quyền hành” nào đáng kể đối với trái tim của mình. Nó hoạt động theo tự nhiên bất chấp chúng ta mong muốn như thế nào. Và cũng nhờ thế, kể cả khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, trái tim của chúng ta vẫn đều đặn làm việc để duy trì cuộc sống của chúng ta. Liên tục, kiên trì và không ngừng nghỉ. Hơi thở của chúng ta cũng cùng một cơ chế như vậy… Chúng ta chẳng thể can thiệp nhiều vào tiến trình thở. Nếu ai nói rằng họ có thể điều khiển được hơi thở của họ thì thật là quá tự tin rồi.

Vậy chúng ta cần làm gì khi chúng ta không thể can thiệp nhịp thở và “con tim” của mình? Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ. Và nhờ sự quan sát mà chúng ta có thể hỗ trợ được các tiến trình của tự nhiên này tốt nhất. Rõ ràng là chúng ta không muốn trái tim của mình quá tải, khi phải làm việc quá sức. Bệnh tật là một trong những dịp cơ thể phải làm việc quá tải để chống chọi và chữa lành. Nhưng nếu tinh tế, các bạn có thể thấy cảm xúc (vui cũng như buồn) chi phối nhịp tim của chúng ta đáng kể. Hãy thử ghi nhận nhịp tim khi giận dữ, lo lắng, hay sợ hãi kéo đến? Hay thậm chí cả khi quá vui mừng? Những lúc đó, trái tim mình sẽ phải làm việc hơn mức cần thiết so với bình thường. Rồi mỗi khi bạn uống bia, rượu vào người, hãy quan sát xem nhịp tim của bạn lúc đó như thế nào? Bạn chắc chắn sẽ thấy rằng trái tim của chúng ta đang phải “gồng” mình làm việc thêm một cách không cần thiết.

Có vẻ như “năng lượng” của trái tim chúng ta là hữu hạn. Như vậy, nếu chúng ta xài “hao”, do “bắt” nó làm việc một cách không cần thiết thì hệ quả là nó sẽ kiệt sức nhanh hơn. Đồng nghĩa với việc chúng ta già nhanh hơn, chết sớm hơn, và bệnh tật nhiều hơn. Do đó, để hỗ trợ “con tim” mình, cần nhất là chúng ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng một thân và tâm khoẻ mạnh, thông qua sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đúng đắn, tập thể dục đều đặn, luôn tưới tẩm tâm hồn mình với các hạt mầm của trí tuệ.

Tôi còn nhớ, khi đi khám sức khoẻ định kì hàng năm, lúc bác sĩ đo nhịp tim của tôi, cô ấy dừng lại và hỏi rằng: “Anh có chơi thể thao không?”. Tôi thực sự không phải là dân thể thao, và tôi thành thật với cô ấy về điều đó. “Vậy anh có tập thiền không?”, đó là câu hỏi kế tiếp tôi nhận được. Vâng, tôi có tập thiền. Và cô bác sĩ đã mỉm cười. “À, như vậy thì không sao. Thiền sinh thường có nhịp tim thấp và điều đó là bình thường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ.” Tôi cũng biết được rằng, các vị thiền sư thường có nhịp tim rất thấp, nhưng lạ thay, điều đó lại không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của các Ngài. Các vị thiền sư cũng thường có thân nhiệt khá thấp, có thể ở mức 35.5 độ C. Kiểu như mát lạnh. Và cơ thể của các Ngài rất bình thường và khoẻ mạnh. Đa phần, các Ngài đều sống thọ, khoẻ mạnh và minh mẫn. Và bây giờ thì tôi có thể cảm nhận được phần nào câu trả lời. Khi các Ngài có thể duy trì một nhịp tim thấp mà sức khoẻ vẫn ổn, chứng tỏ rằng các Ngài đã tiết kiệm năng lượng cho trái tim của các Ngài đáng kể. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc các tiến trình vật lý, trao đổi chất trong cơ thể cũng được tối ưu hoá mà không lãng phí “năng lượng” của trái tim cũng như mọi thứ trong cơ thể. Đó chính là lý do sức khoẻ của các Ngài được tốt hơn. Và đó là một trong những hệ quả kỳ diệu mà thiền tập hay thực hành chánh niệm có thể mang lại. Khi chúng ta có thể quan sát để sống thuận với tự nhiên nhất, không can thiệp vào công việc của tự nhiên, để tự nhiên tự “xử lý” những gì nó cần làm. Hãy trả mọi thứ về với tự nhiên. Hãy để hơi thở bạn được tự nhiên nhất. Đừng can thiệp.

Không ai khác mà chính chúng ta mới có thể tự cứu lấy “con tim” của mình, để không bắt nó phải làm những việc không cần thiết, quá sức, và lãng phí. Hãy sống thuận tự nhiên, hãy bớt lại những gì là không cần thiết, hãy quan sát, hãy tự cứu lấy “con tim” của chính mình.

Leave a Reply