Sợi tơ nhân quả

Trong một lần gặp gỡ ngắn với Thầy của tôi vào đầu Xuân Canh Tý 2020, tôi lại tiếp tục may mắn nghe được những lời chỉ dạy thật sâu sắc của Thầy, một hành trang quí báu cho năm mới. Tôi sẽ theo trí nhớ cũng như cách hiểu của tôi để chia sẻ lại với các bạn ở đây các ý tứ còn đọng lại trong tôi. Cầu mong mọi bình yên đến với các bạn. #beHATT.

Sợi tơ nhân quả

Nhân quả, định luật nghiệp là một định luật vô cùng phức tạp mà khó ai có thể giải thích được chi tiết cho những gì đang xảy đến với cuộc sống của chúng ta. Tuy là vậy, nguyên lý của nhân – quả thì lại không khó để nắm. Gieo nhân gì thì ắt phải gặt quả đó. Ví như gieo hạt cam thì sẽ mong có được cây cam mọc lên và nếu thuận lợi, chúng ta sẽ thu hoạch được cam. Chứ dứt khoát không thể mong thu hoạch được xoài. Điểm mấu chốt là chúng ta cần trải nghiệm thực tế thông qua cuộc sống của chính chúng ta để từ từ nhận ra “dấu vết” của các “nhân” và các “quả” liên tục xảy đến với chúng ta.

Điểm đặc biệt Thầy tôi chia sẻ trong câu chuyện chính là có những việc rất nhỏ, có vẻ như không liên quan, nhưng lại có ảnh hưởng đến “nghiệp”, đến “quả” mà chúng ta nhận được một cách không ngờ tới nhất, thầm lặng. Ví dụ như việc ăn uống hàng ngày. Chỉ cần ăn thêm một chén cơm, nhưng ảnh hưởng của nó là vô lường, và có thể là không bao giờ bạn có thể nghĩ rằng có tác hại đến thế. Trong câu chuyện với Thầy, tôi chia sẻ rằng mỗi bữa ăn, tôi chú ý ăn thức ăn và rau trước một lúc. Và kết thúc bằng một chén cơm để bụng đủ no. Tôi duy trì chỉ ăn tối đa một chén cơm trong một bữa ăn. Và Thầy đã khen tôi ăn đúng cách. Rồi Thầy dạy rằng, chỉ cần thêm một chén cơm thôi, điều đó cũng đủ làm cho tâm trí của bản thân bị ảnh hưởng. Chỉ cần một chút “mờ” đi do chén cơm đó mỗi ngày, mà chất lượng các suy nghĩ, các quyết định trong cuộc sống của chúng ta cũng “mờ” đi. Và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc, đến những gì bạn nhận được từ cuộc sống này, mà không may sẽ “xấu” đi. Chỉ vì thêm một chén cơm nhỏ, và dường như chẳng liên quan gì mấy đến cuộc sống của chúng ta.

Một ví dụ khác mà Thầy chia sẻ là câu chuyện về một cuộc tranh cãi bất đồng với một người mà chúng ta không thích, có thể đã xảy ra từ 1-2 năm trước. Và trong thời điểm hiện tại, khi đang làm việc để ký kết một hợp đồng kinh doanh với một đối tác, mặc dù chúng ta không còn nhớ gì đến vụ tranh cãi trong quá khứ, nhưng do vị đối tác có nét hao hao giống với cá tính của người mà chúng ta có xích mích, trong tâm của chúng ta cứ thế tự động có cảm nhận tiêu cực về con người trước mặt của chúng ta. Tự động một cách hết sức vô lý. Và điều đáng nói là chúng ta không hề nhận biết được rằng đó chính là kết quả của một sự việc trong quá khứ, có vẻ như chẳng liên quan gì đến sự việc hiện tại, con người hiện tại. Và kết quả là sự hợp tác của bản thân với đối tác kinh doanh mới không suôn sẻ, không thành công.

“Sợi tơ nhân quả” – hai chữ sợi tơ đã gieo vào tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc. Chỉ một sợi tơ mỏng manh của những gì chúng ta làm (suy nghĩ, hành động, hoặc lời nói) trong quá khứ và trong hiện tại cũng có thể làm hại chúng ta một cách nguy hiểm nhất. Hãy cẩn thận, hãy quan sát cẩn thận.

Thu thúc lục căn

Chìa khoá để giải quyết “bài toán” này một cách thấu đáo lại không nằm ngoài những lời dạy đơn giản của Đức Phật. Thầy chia sẻ rằng, những lời dạy của Đức Phật thật đơn giản, nhưng thật sâu sắc và trí tuệ. Càng thực hành chánh niệm, Thầy mới càng “thấm thía” sự sâu sắc trong những lời dạy đơn giản này. Càng quan sát, càng chánh niệm, Thầy càng “giật mình” kinh ngạc khi theo dấu được về quá khứ và thấy được sự liền lạc của những “nhân” nhỏ xíu, tưởng như không liên quan gì lắm đến cuộc sống thường nhật và ảnh hưởng mãnh liệt của nó đến hiện tại của chúng ta ngày hôm nay.

Đức Phật dạy thu thúc lục căn, ít nghe lại, ít nói lại, ít suy nghĩ lại, … Tiết chế và bớt lại những gì không quan trọng, không cần thiết. Bởi nếu không làm thế, những gì chúng ta hưởng được trong hiện tại và tương lai có thể vô cùng rủi ro. Chỉ ăn thêm một chén cơm do ngon miệng, do thèm ăn cũng có thể “xô ngã” cả cuộc đời của chúng ta trong vài năm tới. Hãy cẩn thận. Những buổi gặp gỡ vô ích, những câu chuyện vô ích, những thông tin vô ích, … Tất cả những thứ đó chính là những gì chúng ta cần thách thức bản thân mỗi ngày, để tự hỏi mình: “Liệu câu chuyện này, liệu cuộc gặp này có cần thiết không? Có quan trọng không? Có ích lợi để tăng trưởng trí tuệ cho bản thân không?”

Cần quan sát liên tục, cần nhắc nhở liên tục, cần tiết chế, thu thúc liên tục. Bởi vì đó là cách chúng ta tạo dựng tương lai được tốt nhất. Và chính lối sống chánh niệm, thực hành chánh niệm, công cụ chánh niệm là phương tiện giúp chúng ta khởi đầu cũng như duy trì việc tiết chế và thu thúc lục căn.

Cần chú ý đến nhân, gieo nhân

Như vậy, cuộc sống chúng ta là một chuỗi các hiện tượng nhân-quả xảy ra theo các vận hành tự nhiên, cho dù chúng ta muốn hay không cũng không thể đi ngược lại với sự thật, với tự nhiên. Có điều, con người hiện đại chúng ta thường quá chú tâm đến quả, mà ít chú tâm đến nhân.

“Quả” là những gì chúng ta đang lãnh nhận trong hiện tại, do những nhân đã gây ra trong quá khứ. Và thường mọi người tập trung để giải quyết “quả” hiện tại, mà quên mất rằng trong khi chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra, chúng ta cần tinh tế và nhạy bén để không tiếp tục gieo “nhân” xấu cho tương lai kế tiếp, trong khi đang bối rối hoặc kỳ vọng giải quyết được quả hiện nay. Ví dụ, chúng ta thường mất ngủ và chúng ta tìm đến với các liệu pháp y tế như massage, uống trà tim sen, … hay thậm chí cả thuốc an thần hoặc thuốc ngủ. Chúng ta loay hoay để làm sao có thể bắt cơ thể chúng ta ngủ được một cách “nhanh” nhất có thể. Nhưng chúng ta lại có thể không hiểu thấu đáo rằng thực ra, nguồn gốc sâu xa của việc không ngủ được, hay không có được một giấc ngủ sâu, lại khởi nguồn từ các lo lắng, các căng thẳng trong công việc. Hoặc chỉ đơn giản là do chúng ta huân tập thói quen làm nhiều việc một lúc. Và do tâm trí chúng ta phải huy động năng lượng nhiều hơn để chúng ta mới có thể “ba đầu, sáu tay”, điều đó kích hoạt sự căng thẳng thường trực trong cơ thể và tâm trí chúng ta. Và dần dần, sau khi “ủ bệnh” đủ dài, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nhịp thở, đến thần kinh tim, …, làm lệch lạc các chức năng trong lục phủ ngũ tạng của chúng ta… Và cuối cùng, kể cả khi đêm về, chúng ta không thể nghỉ ngơi được một cách trọn vẹn và tự nhiên. Như vậy, nếu chúng ta biết “nhân” của việc mất ngủ là đây thì trong khi chúng ta vẫn cần phải có những biện pháp “khẩn cấp”, chúng ta cần phải thay đổi “nhân” chúng ta gieo xuống, để từ từ có thể có được một giấc ngủ trọn vẹn trong tương lai. Giải quyết từ gốc rễ, bằng cách gieo xuống các “hạt mầm” mới.

Đối với những ai tập trung đến “quả” nhiều hơn, bạn sẽ mất nhiều hơn được. Mong muốn một kết quả theo đúng kỳ vọng của bản thân sẽ thiêu đốt cuộc sống của bạn. Bạn sẽ “mất ăn, mất ngủ”, lo lắng, cố gắng làm mọi cách để đạt được mong muốn của mình, để gặt được quả. Và suốt cả quá trình, bạn thật vất vả, chắc chắn là như vậy. Điều không may là đến khi gặt hái được thành quả, nhiều lúc điều bạn nhận được chẳng như bạn nghĩ, chẳng xứng đáng với những gì bạn đã hy sinh. Hoặc lắm khi, niềm vui gặt hái thành quả chỉ tồn tại ngắn ngủi, rồi bạn lại “căng thẳng” với những kỳ vọng mới. Cuộc sống của bạn sẽ có xu hướng có nhiều căng thẳng liên tục và kéo dài. Và thời gian mà bạn tận hưởng thật quá ít ỏi, mà theo tôi sẽ chẳng đủ để bạn có thể bù lại những năng lượng, công sức mà bạn đã bị tiêu hao để chuẩn bị cho hành trình mới. Kết quả chỉ là một sự kiệt sức trong tâm trí, trong cơ thể.

Ngược lại, người trí tuệ thì lại chú ý hơn vào việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ, và liên tục gieo nhân tốt vào cuộc sống của bản thân thông qua các hành động, suy nghĩ và lời nói đúng đắn. Họ chú tâm hơn vào toàn bộ tiến trình nhân-quả, thay vì chỉ quan tâm đến phần sau cuối là “quả”. Đôi khi họ cũng chẳng quan tâm đến việc sẽ gặt được quả gì. Nhưng bằng việc chú ý gieo nhân tốt, họ tận hưởng cả quá trình, họ vui vẻ trong mỗi phút giây họ sống và làm việc. Và chắc chắn rằng, những gì họ nhận được, xứng đáng được hưởng sẽ không có gì khác hơn ngoài những gì mà người ta thường gọi là “may mắn” và “thuận lợi”, cho dù trong tâm ý, họ cũng chẳng quan tâm quá nhiều đến hai chữ đó. Vì sao như vậy? Vì họ tập trung gieo những hạt mầm đúng đắn, dựa trên hiểu biết của luật nhân-quả. Khi họ liên tục, liên tục gieo hạt cam xuống đất, liên tục chăm sóc, liên tục nỗ lực, thì cơ may và xác suất họ thu hoạch được cam là rất lớn. Thay vì, hạt gì cũng gieo nhưng lại chỉ mong thu hoạch được cam mà thôi.

Hạnh phúc là tận hưởng cả tiến trình, không chỉ giới hạn ở thời điểm thu hoạch. Chỉ cần chú ý gieo nhân một cách đúng đắn và liên tục.

Quấn khăn bông, đứng ban công

Câu chuyện cuối trước khi chia tay Thầy là câu chuyện về anh bạn của tôi, cũng là học trò của Thầy. Anh chia sẻ rằng, hồi nhỏ, ảnh có ước mơ sau này luôn được ở khách sạn năm sao, quấn khăn bông, đứng ban công ngắm cảnh và tận hưởng. Và quả thật như thế, giờ đây, ở tuổi 50, anh ấy ở khách sạn còn nhiều hơn ở nhà. Đúng là “quấn khăn bông, đứng ban công”. Câu chuyện mang “hơi hướng” của luật hấp dẫn. Thầy đã bật cười và nhận xét: “Đúng là phải thật cẩn thận với cả giấc mơ”. Bởi cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng (tốt hay xấu) bởi chính từ giấc mơ của mình.

Như Đức Phật đã dạy, việc gần gủi bậc thiện tri thức là một trong những việc quan trọng mà chúng ta cần làm. Chắc chắn là như thế. Chỉ với một buổi nói chuyện ngắn ngủi, tôi, vợ tôi, và anh bạn của tôi lại có thể học hỏi được quá nhiều điều trí tuệ từ Thầy. Con xin thành tâm, cung kính đảnh lễ tạ ơn Thầy! Con cầu mong mọi bình an và sức khoẻ đến với Thầy!

Ghi chép đầu Xuân Canh Tý 2020

2 thoughts on “Sợi tơ nhân quả

Leave a Reply