Sách hay: Cho đời bớt muộn phiền

Tôi tình cờ mua cuốn sách này gần đây, khi đang nhẩn nha trong tiệm sách, chờ con gái tôi mua một vài món văn phòng phẩm. Mặc dù tôi tự tin rằng tôi biết tất cả sách của Thầy Thánh Nghiêm, tôi không nhớ là đã đọc qua cuốn có tựa như trên. Về nhà, tôi đọc và liên tục chia sẻ các trích đoạn mà tôi tâm đắc. Và tôi chợt nhận ra rằng, tôi đã đọc cuốn này 7 năm trước, nhưng khi đó cuốn sách có tựa đề là “Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm”. Tôi thậm chí đã để lại review trên goodreads.com ở đây. Vào thời điểm đó, tôi đã đánh giá cuốn sách ở mức 4 sao.

7 năm sau, khi đọc lại cùng một nội dung, sau khi có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống, tôi thấm thía nhiều hơn các câu chữ và lời dạy của Hoà thượng. Tôi đã đổi lại rating của cuốn sách lên 5 sao. Một cuốn sách ngắn gọn, quí giá cho những ai đang phải đối mặt với muôn vàn căng thẳng tại công sở, nơi mà vấn đề lớn nhất thường không phải là vấn đề về công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn. Mà vấn đề lớn nhất ở bất cứ nơi đâu luôn là vấn đề về con người. Và cuốn sách nhỏ này có thể cho bạn rất nhiều lời khuyên, lời đề nghị vô giá để bạn có thể giải quyết các “rắc rối” liên quan đến con người và các mối quan hệ với con người. Hơn thế nữa, để giải quyết các vấn đề này, đa phần đều phải quay về lại với bản thân mình. Chìa khoá luôn nằm ở đó. Tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng “thuộc bài”.

Tôi đăng lại các trích dẫn mà tôi đã chia sẻ trên goodreads.com 7 năm trước ở đây để các bạn có thể tham khảo. Tôi đề nghị bạn mua cuốn sách này, nếu cảm thấy bản thân đang gặp thử thách trong công việc. Tôi tin rằng, bạn sẽ tìm được nhiều lời đề nghị vô giá cho bạn. Và việc áp dụng những nguyên tắc này không chỉ dừng lại ở nơi công sở, mà còn có thể áp dụng một cách hiệu quả cho cuộc đời của bạn. Chúc bạn mọi thuận lợi!

  • Căn nguyên phiền não trong công việc đa phần là do tính không cam chịu bản thân mình, không cam chịu người khác, và không bằng lòng với nhũng thứ được – mất, thành – bại. Một khi con người ta mất đi lòng bao dung, không những đồng nghiệp cũng trở thành kẻ thù mà thậm chí họ còn hận thù chính cả bản thân mình. Nếu có thể dung hoà cái tôi cá nhân nhỏ bé vào tập thể to lớn bằng sự tình nguyện và bằng thiền tâm, mở rộng cái nhìn hẹp hòi của cá nhân thì mới có thể khiến bản thân trưởng thành cùng với sự trưởng thành của tập thể.
  • Chúng ta nên giao lưu kết bạn với mọi người xung quanh bằng sự chân thành, hoà mình vào cùng tập thể, coi đó là một chỉnh thể thống nhất, trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của tập thể đó. Dù công việc bận rộn đến đâu, ta luôn cần giữ cho tâm trạng được vui vẻ thoải mái và một cuộc sống đầy ý nghĩa.
  • Chỉ cần tiêu trừ cái tôi cá nhân là có thể bao dung tất cả mọi người, trong lòng không còn thành kiến về người khác nữa. Bằng không, chỉ cần nghe thấy tên của họ, trong lòng bạn như có ngọn lửa đang hừng hực bốc cháy…
  • Trên đường đi làm hoặc tan ca nếu có gặp đồng sự, tuyệt đối không nên nghĩ bình thường không làm việc cùng nhau nên không nhất thiết phải chào hỏi. Đây là cách nghĩ lệch lạc, sai lầm, bởi bình thường chúng ta có rất ít cơ hội tiếp xúc cho nên càng phải chào hỏi nhiều hơn. Mới tiếp xúc có thể bạn thấy như thế không tự nhiên, cho rằng mình đang giả vờ, giả tạo. Thực ra, chúng ta không nên nghĩ như vậy, dù là làm ra vẻ cũng không sao, chỉ cần khi nói mà trong lòng không nghĩ điều đó là “giả tạo” là được rồi. Luyện tập nhiều lần sẽ trở nên tự nhiên hơn, không còn cảm giác miễn cưỡng nữa.
  • “Sư phụ không có sở trường đặc biệt nào khác, điều duy nhất sư phụ có là chữ ‘chuyên'”
  • Toàn tâm toàn ý phục vụ, cống hiến cho tập thể, dù công việc bận rộn đến đâu đều cảm thấy vui vẻ, có mệt cũng cảm thấy thích thú, bởi đó là việc mình tình nguyện làm. Làm việc bằng thái độ đó không những khiến bạn cảm thấy vui vẻ mà chất lượng công việc sẽ tốt hơn rất nhiều.
  • Quản lý ngày nay khác với “thống ngự thuật” – nghệ thuật thống trị trong quân đội ngày xưa. Quan niệm quản lý ngày nay là lấy phục vụ thay thế quản lý, lấy giáo dục để đạt được mục đích quản lý, lấy việc quan tâm chăm sóc để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, đồng thời còn hay nhắc đến khái niệm “tổ chức”, “hiệu quả công việc”, và “chỉnh thể hoá”.
  • Với lập trường cá nhân, chúng ta thường yêu cầu tập thể phải hợp tác với mình, liệu làm như vậy có đúng không? Tôi tin rằng chẳng có ai cho điều đó là đúng, nhưng những gì chúng ta thể hiện ra lại là như vậy.
  • Làm sao xây dựng mối quan hệ hài hoà trong tập thể? (1) Giữ vững nguyên tắc (cá nhân và tập thể) (2) Cần phải biết cách giao việc (3) Cần tôn trọng người khác (4) Cần quan tâm đến người khác (5) Chủ động giao tiếp (6) Luôn kiểm điểm bản thân.
  • Muốn người khác hiểu mình, tiếp nhận mình thì mình phải hiểu và tiếp nhận họ trước. Trước khi người khác tiếp nhận mình ta cần phải hiểu bản thân mình trước, nếu mình không hiểu được mình thì người khác sao có thể hiểu được.
  • Sự tiền thỉnh thị, sự hậu báo cáo / Xin ý kiến cấp trên trước khi thực hiện và báo cáo lại sự việc sau khi đã hoàn thành là thái độ tu dưỡng và trách nhiệm của người làm cấp dưới nên có.
  • Giả sử bạn có thể làm “hoà” được, bạn sẽ vui vẻ, hanh phúc, bạn không “hoà” được với người khác thì bạn cũng sẽ không “hoà” được với chính bản thân mình, bởi bạn đang mâu thuẫn với người khác thì bạn cũng không cân bằng được lòng mình. Nếu như đã không cân bằng được thì sẽ không thể có vui vẻ. Chính vì vậy, muốn làm việc thật vui vẻ hoan lạc, bắt buộc phải chung sống hoà hợp với người khác.
  • Kỳ vọng của tôi đối với những nhân viên lâu năm là đừng có chìm đắm vào những năm tháng đã qua, cảm thấy những thành tựu trong quá khứ thật là tươi đẹp, rất đáng để tưởng nhớ. Sinh mệnh của con người không hề ngừng lại ở quá khứ, nên tiến về phía trước, hấp thụ những kiến thức chuyên ngành và những quan niệm mới, phương pháp mới, như vậy mới có thể khiến bản thân cùng với tập thể không ngừng trưởng thành hơn.
  • Gặp phải muôn vàn trường hợp khác nhau trong công việc, ta phải biết cách dùng phương pháp vượt lên chính mình, để cho thể xác và tinh thần an định lại, coi tất cả những thách thức phía trước là cơ hội giúp bản thân thăng tiến.
  • Cho nên nghèo không có nghĩa là khổ, giàu không có nghĩa là vui sướng, bất luận điều kiện cuộc sống của chúng ta như thế nào, chỉ cần chúng ta xác định được tâm thái và quan niệm đúng đắn, dũng cảm đối diện với cuộc sống, biết chấp nhận nó, yêu thích nó thì bạn dễ dàng đạt được sự hài lòng và vui vẻ.
  • Trong kinh Phật thường dạy chúng ta rằng phải “biết hài lòng với những gì mình đang có”. Cái gọi là biết vừa lòng chính là nhiều cũng là vừa, ít cũng là vừa, có cũng là đủ, mà không có cũng là đủ.
  • Sinh mệnh tôi khi mới bắt đầu, trên thực tế, là vô cùng bé nhỏ, có thể từng bước đi ra khỏi con đường này là vi tôi chưa bao giờ lùi bước trước bất cứ trở ngại, khó khăn nào, tuyệt đối chưa bao giờ bi ai phẫn nộ hoặc cúi đầu trước số mệnh. Tôi không có hoài bão lớn lao, chỉ có duy nhất một điều đó chính là lòng bền chí. Ngoài ra, tôi thấy rằng mỗi chúng ta nên có con đường đi riêng, trong hoàn cảnh nào tôi cũng không bao giờ oán hận người khác, dù trong lòng không thoải mái hoặc thất vọng về bản thân, tuyệt đối không bao giờ hận thù tha nhân. Cuộc đời tôi luôn giữ thái độ đó, đi một bước tiến một bước, dù gặp khó khăn nào tôi đều cho rằng đó là điều bình thường bởi tất cả đều do nhân duyên hoà hợp, không thể biết chắc khi nào sẽ xảy ra chuyện gì, chỉ cần dũng cảm đối mặt, xử lí và biết cách bỏ qua thì có thể nhìn nhận sự việc một cách bình tĩnh yên ổn hơn. Vì thế cho nên đối với thị phi, ưu khuyết điểm hay được mất cũng không nên tính toán so bì, chỉ cần ổn định vững vàng, có cái nhìn thực tiễn thì cũng coi đó là sự thành công.
  • Tinh thần cá nhân thể hiện rõ ở lòng tự tin, một người tràn đầy tự tin sẽ có trạng thái tinh thần ổn định, đối đãi hoà nhã thân thiện với mọi người; còn ngược lại, ắt là kẻ nhát như thỏ đế, sợ đầu sợ đuôi sẽ là kẻ hay lo trước, lo sau và hay suy tính thiệt hơn. Vậy lòng tự tin là gì? Đó chính là cái mà người ta hay gọi “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, đó mới chính là biết”, cũng có nghĩa là bản thân mình biết mình là ai, tường minh thân phận mình.
  • Chỉ cần dũng cảm đối diện với khuyết điểm, thiết sót của mình và không ngừng vươn lên học hỏi thì không có gì phải sợ sệt cả.
  • Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận thức được rằng bao dung và tha thứ cho người khác khiến tôi vui vẻ chan hoà hơn với mọi người.
  • Tôi làm bất cứ việc gì đều dựa vào nghị lực, sự tự tin và biết mình không thông minh, không có phúc báo nên cố gắng hết sức giúp đỡ mọi người, đồng tình với họ, bao dung họ, không tranh cãi hơn thiệt, không oán trách họ. Khi gặp phải khúc mắc hay thất bại, trước tiên tôi có thể tự thức tỉnh mình, không cho rằng đó là việc mà người khác đang tìm cách chống đối, đày đoạ mình; đồng thời tôi cũng biết ơn đối phương đã tạo điều kiện và cơ hội cho tôi trưởng thành hơn và luôn coi họ là Bồ-tát cứu khổ của mình.
  • Chúng ta cần phải thường xuyên thức tỉnh bản thân rằng, người khác gặp rắc rối hay xảy ra chuyện không hay, nhất định là có nguyên nhân, tuyệt đối không nên phiền lòng về những cử chỉ hành động bề ngoài của họ. Do vậy mà ta cần có cách đối đãi khoan dung rộng lượng, hoà nhã với những người xung quanh, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào đều nên khiến cho bản thân và những người sống quanh ta cảm thấy vui vẻ, gắn kết với nhau bằng những mối lương duyên mà không hề hối tiếc. Nếu có thể duy trì thái độ này mãi thì dù bạn có nơi đâu, nhất định bạn sẽ có một cuộc sống vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười.
  • Nếu tâm linh trong sáng lành mạnh thì dù thân thể có hơi mệt mỏi một chút hoặc chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc không như mong muốn thì họ vẫn có cuộc sống vui vẻ tràn ngập tiếng cười, đây mới chính là một con người khỏe mạnh, và có lối sống lành mạnh. Cái gọi là “khoẻ mạnh” ở đây chủ yếu nhấn mạnh rõ sự lành mạnh về tâm lý hơn là sự khoẻ mạnh về thể chất cường tráng.
  • Món ăn an lạc của tâm mà Phật giáo thường nhắc đến chính là chỉ hai đức tính từ bi và trí tuệ của chúng ta trong môi trường làm việc và trong cuộc sống thường nhật, tức chỉ việc dùng tấm lòng từ bi để bao dung chúng sinh, dùng tầm lòng mềm mỏng để chịu đựng tất cả, dùng trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề và rủ bỏ hoài nghi trong lòng.
  • Sau khi trở về Đài Loan, do không hài lòng với tình hình của giới Phật giáo thời đó, nên tôi thường cho ra các bài viết phê phán, đặc biệt là có đưa ra một số phê bình kín đáo với một vài trưởng lão, cho đến khi Đại lão Hoà thượng Nam Đình nói với tôi rằng: “Không nên đổ hết trách nhiệm lên đầu người khác! Tất cả trách nhiệm đều phải tự thân gánh chịu, ngài nhận thấy năng lực của những Đại lão Hoà thượng này không tốt thì ngài hãy gánh vác trách nhiệm này đi. Ngài cần phải biết rằng những người già đó cũng đi trên con đường tu hành này giống ngài vậy, nếu ngài nhận thấy mình có năng lực thì tự ngài đứng lên gánh vác đi!” Sau khi nghe lời răn dạy của vị lão Hoà thượng này, tôi cảm thấy thật hổ thẹn, và từ đó trở đi hễ có việc gì cần người giúp đỡ tôi liền tự nhủ rằng “việc đó hãy để tôi làm”.
  • Mỗi khi gặp khó khăn, ta chỉ cần đối mặt, tiếp nhận, xử lý và bỏ qua nó. Tất cả chúng ta đều biết trốn tránh không giải quyết được vấn đề, ta bắt buộc phải đối diện với nó và chấp nhận sự thực.

Các bạn có thể mua sách tại TIKI theo đường dẫn ở đây: https://tiki.vn/cho-doi-bot-muon-phien-p2739289.html.

3 thoughts on “Sách hay: Cho đời bớt muộn phiền

  1. Cảm ơn anh đã share thông tin thật hữu ích. Em nghĩ mình thật không phải khi đọc được những điều hay ho mà không nói lời cảm ơn. Thật sự cảm ơn anh nhiều nhiều lắm.

Leave a Reply