Luật hấp dẫn?

Đây là trích đoạn từ bản thảo tôi đang viết cho cuốn sách đầu tiên của tôi “Hành trình hạnh phúc 1.0“.

Vào đầu năm 2018, tôi bắt đầu thông báo với những cộng sự thân cận và sau đó là toàn bộ nhân viên rằng, tôi sẽ rút lui khỏi vị trí Tổng giám đốc tại công ty KMS để theo đuổi con đường hạnh phúc, con đường phát triển nội tâm và tâm linh cho chính bản thân mình. Có lẽ nhiều người khá sốc trước thông tin này. Con đường mà tôi đã chọn cho cuộc sống của riêng tôi chắc chắn rằng rất khác so với hầu hết mọi người. Khi mà mọi công việc kinh doanh đều đang ở thời điểm thuận lợi, cũng là lúc tôi cảm thấy cần phải dừng lại, để đi theo lối rẽ riêng cho chính cuộc đời của tôi. Tôi không hề có ý nói rằng con đường tôi đang đi sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng tôi hy vọng rằng, bằng cách chia sẻ câu chuyện của tôi, điều đó có thể truyền nhiều cảm hứng đến mọi người. Chắc chắn rằng ai cũng chỉ có một mong muốn tận cùng là hạnh phúc. Và tôi nghĩ rằng, câu chuyện của tôi, cách suy nghĩ của tôi có thể chuyển thành một số lời đề nghị, một số ý tưởng để mọi người có thể áp dụng trong cuộc sống của riêng mình.

Một vài tháng sau khi tôi chính thức rời khỏi vị trí Tổng giám đốc công ty, tôi bắt đầu nhận được một số phản hồi và câu hỏi từ các đồng nghiệp cũng như bạn bè xung quanh. Một số người cũng đang mong muốn có một lối rẽ như tôi. Họ thậm chí muốn điều đó xảy ra ngay lập tức. Đa phần là do họ đang cảm thấy áp lực và bế tắc trong công việc. 

Tôi nghĩ rằng, đó là một bức xúc hợp lệ. Tuy nhiên, điều mà các bạn cần chính là thời gian và sự chuẩn bị. Mọi việc không thể xảy đến ngay lập tức như một phép màu trong truyện cổ tích. Tôi nghĩ rằng phép màu là có thật. Nhưng để phép màu có thể xảy ra thì bạn cần một số điều kiện tiên quyết: (1) một mong muốn cụ thể và niềm tin rằng ước mơ của bạn sẽ thành hiện thực, (2) sự chuẩn bị và (3) thời gian để ước mơ của bạn thành hình, ra hoa và kết trái. 

Mọi thứ đều bắt đầu từ một suy nghĩ. Ví như, nếu bạn muốn sở hữu một căn nhà cho chính bản thân mình, thì trước hết, bạn cần có mong muốn đó. Tất nhiên là như vậy. Và thậm chí, bạn còn tưởng tượng ngay được căn nhà trông sẽ như thế nào. Và tất nhiên là một suy nghĩ thiện, mong muốn thiện tính thì sẽ có kết quả tốt đẹp và lâu dài hơn. 

Khi công ty KMS khoảng chừng 5 năm tuổi, tôi đã thoáng cảm nhận được rằng tôi không thực sự phù hợp với công việc kinh doanh. Điều đó không có nghĩa là tôi không thể làm tốt công việc kinh doanh, hoặc là tôi không thể đóng góp vào sự thành công của công việc kinh doanh tại KMS. Thực tế thì tôi vẫn làm tốt công việc của mình và không ngừng đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của KMS. Tuy nhiên, với chỉ một cảm nhận ban đầu và mơ hồ đó đã cho tôi biết rằng, cuộc sống của tôi về lâu dài không phải “nằm” ở KMS. 

Cảm nhận và sự mách báo của trực giác đó đã thúc đẩy tôi suy nghĩ thêm về việc tôi mong muốn cuộc sống tôi trong tương lai, khi về già sẽ như thế nào. Vào thời điểm đó, tôi không có một câu trả lời chắc thực cho bản thân. Và tôi đã dành nhiều thời gian hơn để đọc và thực hành Phật pháp (mà chủ yếu là hành thiền). Càng đọc và càng thực hành, tôi càng thấy rõ ràng hơn về con đường rèn luyện tâm trí cho bản thân. 

Những kết quả thu được ban đầu thật đáng khích lệ. Tôi đã tìm thấy những giải đáp hợp lý cho hạnh phúc từ sách vở, từ các câu chuyện của các vị thầy, của các vị thiền sư. Tôi có được những khoảnh khắc bình an trong tâm trí, những khoảnh khắc vô giá, sau mỗi một thời tĩnh lặng mà tôi thực hành đều đặn hàng ngày. Đó là những hoa thơm, quả ngọt ban đầu mà qua đó, tôi càng ngày càng tin hơn rằng có một con đường khác với con đường mà tôi đang đi. Con đường mà tôi đang đi (công việc và thành công trong kinh doanh) thì lại có vẻ như rất phù hợp với mong muốn và trải nghiệm của số đông mọi người. Tuy nhiên, điều đó không dứt khoát cũng là đúng và phù hợp cho bản thân tôi. Và tôi cũng đã ý thức được rằng tôi cần phải tìm kiếm cho bản thân mình một vị Thầy. 

Với niềm tin ngày càng mạnh mẽ hơn về việc có một lối đi riêng cho mình, tôi đã liên tục học hỏi và góp nhặt những kiến thức cần có về Phật pháp. Tranh thủ tất cả những thời gian có thể có (thời gian ngồi trên xe đi làm cũng như trên đường về, buổi trưa lúc ngồi chờ cơm, buổi tối trước khi đi ngủ, …), tôi nghe sách nói, tôi nghe các bài pháp thoại sẳn có miễn phí trên mạng Internet cũng như tôi đọc khá nhiều các cuốn sách về Phật pháp mà tôi có thể tuyển chọn được từ các nhà sách. Và từ từ, tôi cũng đã có đủ cơ duyên gặp những con người phù hợp với những gì tôi đang tìm kiếm. Đó là các đồng nghiệp và bạn bè xung quanh tôi, những người chia sẻ chung một mong muốn tìm về với hạnh phúc đích thực. Đó là các vị Thầy của tôi (cả trên Internet lẫn ngoài đời), những người có đủ năng lực và phẩm chất để dạy dỗ và truyền cảm hứng cho tôi về con đường tiếp theo tôi cần phải đi.

Một điều quan trọng khác mà tôi phải suy nghĩ đến là làm sao để có thể đảm bảo được tài chính cho bản thân và gia đình, nếu tôi không còn đảm nhận vị trí trọng yếu với mức thu nhập ổn định hiện tại.

Hạnh phúc chắc hẳn bao hàm hai chữ độc lập và tự do. Và một trong những điều kiện tiên quyết của độc lập và tự do chính là sự độc lập về tài chính, sự tự do về tài chính. Đây cũng chính là một trong những điểm trọng yếu để chuẩn bị cho hành trình đi tìm tự do của bạn. 

Cần lưu ý rằng, nhu cầu về tài chính cũng như nhu cầu trong cuộc sống của mỗi một chúng ta rất khác nhau. Nên mấy chữ “tự do tài chính” cũng sẽ rất khác nhau đối với mỗi một chúng ta. Có người thì phải có được 1 tỉ đô-la trong tài khoản thì mới gọi là đảm bảo tự do về tài chính cho bản thân. Trong khi, có người lại chẳng cảm thấy có nhu cầu cần sở hữu tiền bạc. Họ chỉ cần có thức ăn khiêm tốn hàng ngày, áo quần đủ mặc (dù hơi cũ), một phòng ở nho nhỏ với tiện nghi tối giản, và được chăm sóc ý tế đúng mực khi đau ốm. Đó là nhu cầu tứ vật dụng tối giản mà Phật pháp nói đến. Trong cuộc sống, chúng ta chỉ cần những nhu cầu tối thiểu này mà thôi. Chúng ta không thể ăn 100 bữa mỗi ngày. Chúng ta không thể mặc 100 bộ quần áo cùng lúc. Chúng ta không thể ngủ ở hai cái giường khác nhau trong cùng một thời điểm. Chúng ta không cần nhiều đến như vậy. Nhưng chúng ta đâu có dừng tham muốn của chúng ta ở đó. Chính các tham muốn vượt quá với nhu cầu cần thiết mới gây ra các rắc rối cho cuộc sống của chúng ta. 

Tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân và mức độ trưởng thành về mặt tâm linh và nội tâm của bản thân mà nhu cầu tài chính (để đảm bảo cuộc sống) này của mỗi một người chúng ta sẽ rất khác nhau. Sự tự do về tài chính của chúng ta sẽ được qui định bởi “sự cần, sự đủ, hoặc sự muốn” này trong mỗi chúng ta. Do đó, 1 triệu đô-la có vẻ như quá ít so với người mong muốn 1 tỉ đô-la, nhưng lại quá nhiều so với những con người tối giản chỉ với 4 nhu cầu: ăn, mặc, nơi ở và y tế. Và cũng như vậy, tự do về tài chính sẽ có vẻ như rất dễ đối với người này (những con người tối giản), lại có thể trở nên là không thể đối với người khác (nếu họ mang trong mình giấc mơ 1 tỉ đô-la). Cho dù thế nào đi nữa, muốn tự do về tài chính thì bạn cần phải biết và xác định rõ ràng nhu cầu của bản thân để có thể chuẩn bị và sắp xếp cho bản thân.

Để bắt đầu hành trình đến với tự do và hạnh phúc, bạn chắc chắn cần phải giải quyết bài toán tài chính, bài toán của sự tồn tại trước. Và việc giải quyết được hay không phụ thuộc trước tiên vào “đề bài” bạn đặt ra, phụ thuộc vào nhu cầu tài chính mà bạn cần cho cuộc sống của bạn.

Tuỳ theo phước báu và trí tuệ có được mà mỗi chúng ta cần tìm cho mình một cỗ máy tài chính thích hợp với nhu cầu chúng ta cần. Nếu bạn cần phải có một công việc đều đặn để đảm bảo nhu cầu này, bạn cần phải tìm cho mình một công việc phù hợp và tận tâm làm việc, cống hiến. Nếu may mắn hơn, bạn có thể tìm cách dành dụm hoặc chuẩn bị được một nguồn lực tài chính đủ dồi dào để đáp ứng nhu cầu của bạn mà không đòi hỏi bạn phải tất bật dành hầu hết thời gian để làm việc.

Bạn sẽ cần thời gian để chuẩn bị, để có thể xây dựng và thiết lập cho bản thân những công việc, những nguồn thu nhập cần có, trước khi có thể nghỉ ngơi và làm những gì mà bạn thích. Tôi đề nghị bạn thử tìm hiểu thêm về nguyên lý 80/20, luật Pareto. Bạn có thể tìm sách hoặc tìm trên Internet các bài viết về chủ đề này để tham khảo. Có nhiều cách áp dụng, diễn giải luật 80/20 tuỳ theo ngữ cảnh. Ví dụ như, theo luật này thì 80% tài sản của bạn kiếm được có thể được tạo bởi từ chỉ 20% thời gian bạn làm việc. Nếu vậy thì bạn chỉ nên và cần tập trung làm thật tốt ở 20% này, thay vì phải dàn trải công sức lên toàn bộ 100% thời gian của bạn. Sẽ là một sự phung phí và không hiệu quả nếu bạn làm như thế.

Trở lại với sự bức xúc của người bạn ở đoạn trước, bức xúc để có thể tự do thoát khỏi ngay công việc đang làm trong một công ty danh tiếng – do bị những áp lực công việc và tinh thần đè nặng. Bức xúc của bạn là hợp lệ, tuy nhiên bạn sẽ cần một mong muốn (sự phát tâm), sự chuẩn bị và thời gian để chuẩn bị. Có thể mất 5 năm để chuẩn bị, như trường hợp của tôi. Hoặc có thể mất nhiều thời gian hơn, 10 năm chẳng hạn. Hoặc là có thể điều này sẽ không bao giờ xảy ra, sau khi bạn dành nhiều thời gian hơn để “sống” với mong muốn của bạn. Và đột nhiên một  ngày, bạn cảm thấy mong muốn đó của bạn không còn thực tế và phù hợp với cuộc sống của bạn nữa. Tôi biết có câu chuyện về những con người trẻ tuổi, về hưu sớm, tầm 30 tuổi, với khối lượng tài sản đủ để họ sống đến trọn đời. Tuy nhiên, sau khi họ dừng làm việc, chỉ 1-2 năm sau đó, họ đã phải quay lại đi làm. Vì họ không cảm thấy phù hợp với lựa chọn “ngồi không”. Khả năng này có thể xảy ra, và tôi hy vọng rằng thông qua trải nghiệm thực tế đó, bạn có thể rút ra được nhiều bài học quí giá cho bản thân. Và từ đó bạn có thể điều chỉnh bản thân để hướng về với hạnh phúc một cách phù hợp hơn, thực tế hơn cho bạn.

Hoặc giả như cho dù bạn không đạt được giấc mơ của mình đã đặt ra, thì chính sự cố gắng và nỗ lực của bạn chắc chắn đã giúp bạn vươn tới gần hơn với giấc mơ đó, thay vì chẳng thể nào chỉ với bước một bước là đã có thể đạt được giấc mơ này. Chỉ mỗi việc tiến đến gần hơn đến với ước mơ của mình đã là một sự gặt hái đáng kể.

Tôi luôn khuyến khích những người tôi biết trả lời một câu hỏi cơ bản về cuộc đời cho chính bản thân họ: “Điều gì sẽ khiến bạn hạnh phúc?” Và một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là: “Bạn muốn bạn sẽ như thế nào vào lúc bạn 80 tuổi?” Hãy trả lời thật nghiêm túc các câu hỏi này và sau đó hãy hành động để đến được gần hơn những gì bạn nghĩ sẽ làm bạn hạnh phúc. Câu trả lời sẽ giúp bạn định hình ước muốn về hạnh phúc, về cuộc đời của bạn. Và bắt đầu từ ước muốn, từ niềm tin cháy bỏng rằng bạn sẽ đạt được giấc mơ của bạn vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn sẽ thấy rằng bạn có xu hướng để ý và lượm lặt được các kiến thức liên quan đến ước muốn đó (đôi khi chỉ cần nghe nói thoáng qua là bạn đã bắt được và ghi nhớ những thông tin phù hợp). Bạn sẽ gặp được những con người liên quan đến giấc mơ của bạn, và họ sẽ hỗ trợ bạn trong tiến trình đưa bạn đến gần hơn với giấc mơ của mình. Ví như nếu bạn mong muốn có sức khoẻ tốt khi về già, bạn thấy bạn sẽ có xu hướng tìm hiểu nhiều hơn về sức khoẻ, bắt gặp nhiều đề nghị để xây dựng và duy trì sức khoẻ bản thân tốt hơn. Hoặc là bạn có xu hướng kết bạn với những con người khoẻ mạnh, có lối sống khoẻ mạnh. Và bạn có thể học hỏi và được “lây nhiễm” các tính cách, lối sống tốt cho sức khoẻ từ họ. Và bạn sẽ từ từ trở nên khoẻ mạnh hơn.

Chắc chắn bạn sẽ cần thời gian để có thể chuẩn bị, để thu nhặt được những kiến thức cần có, để gặp được những con người cần gặp, để hành động và hiện thực giấc mơ của bản thân. Đó chính là nền tảng của cái mà người ta thường gọi là Luật hấp dẫn. Luật hấp dẫn là như vậy. Chắc chắn sẽ cần thời gian để giấc mơ đơm hoa, kết trái. Chứ không phải mỗi khi bạn gặp hoàn cảnh tận cùng của khổ đau, bạn phát tâm mong muốn kết thúc khổ đau và hy vọng rằng, chỉ cần ngủ một giấc, sáng sớm mai ước mơ sẽ thành hiện thực. Đó không phải là Luật hấp dẫn. Đó chỉ là sự tham ái mù quáng.

Có một điều thú vị rằng sau khi hiện thực được giấc mơ của mình, đạt được mục tiêu bạn mơ ước, thì một cách tự nhiên bạn sẽ tự đánh giá và cảm nhận xem liệu điều bạn vừa đạt được có thực sự mang lại hạnh phúc lâu dài cho bạn hay không? Hay đó chỉ là những phút giây vui mừng ngắn ngủi. Đa phần câu trả lời sẽ là: “Niềm hạnh phúc đó thật ngắn ngủi”. Hoặc thậm chí, bạn có thể cảm nhận được rằng những gì bạn mới vừa đạt được không thực sự mang lại hạnh phúc mà bạn nghĩ là bạn sẽ có được. Ví như có người đã hi sinh tất cả (sức khoẻ, thời gian, gia đình, các mối quan hệ,…) để có thể nổi tiếng, hoặc đạt được đến đỉnh cao của danh vọng, và để rồi sau đó quá thất vọng và vỡ mộng, mà thường là phải đánh đổi sự thành công của họ với các hậu quả là sức khoẻ cạn kiệt, mất hết thời gian mà đáng lẽ họ có thể sử dụng để làm những việc ích lợi hơn, gia đình tan vỡ, và các mối quan hệ rời rạc,… Và khi nhận ra sự thật phũ phàng như vậy, bạn sẽ lại phải tiếp tục điều chỉnh một cách nghiêm túc câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc?” Cứ mỗi một lần thay đổi câu trả lời như vậy chính là một lần bạn trưởng thành hơn trên con đường phát triển nội tâm và tâm linh cho bản thân. Đó là một cuộc hành trình diệu kỳ của hạnh phúc và trưởng thành.

9 thoughts on “Luật hấp dẫn?

  1. Cảm ơn anh Hùng, đây là một bài viết em cảm thấy rất tâm đắc, và làm em nhớ đến giáo lý Duyên khởi của nhà Phật. Chỉ khi đạt đến một ngưỡng đau nào đó, thì an yên hạnh phúc mới trở nên quý giá vô ngần. Câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh kinh cũng là một câu chuyện ẩn dụ về ý nghĩa của cuộc sống. Mong được trên tay cuốn sách của anh một ngày không xa!

    1. Thanks, Tri. Đúng là vạn vật tuỳ duyên. Và một trong những điều quan trọng cần hiểu rằng, chính chúng ta cần phải liên tục gieo duyên lành cho tương lai … Khi đó mới hi vọng có được tương lai tốt đẹp chờ đợi.

  2. Cảm ơn anh Hùng, anh là tấm gương đáng mơ ước của em về tất cả mọi việc, từ tu tập đến công việc. Em xin tùy hỷ công đức anh. Em mong được đọc nhiều bài viết của anh hướng dẫn mọi người cách sống cuộc sống an lành và vẫn làm việc tốt, đảm bảo đời sống xã hội và đạt được con đường tâm linh mình chọn!

  3. Pingback: 500 – Viet Hung
  4. Bài viết quá hay anh ạ. E có duyên biết đến anh thông qua podcast và rất tâm đắc với hành trình của anh cùng những điều mà a chia sẻ.
    Em hiện đã sinh sống và làm v iệc ở Sydney gần 10 năm và không ngày nào em ko khao khát được trở về nhà, thoát ly khỏi những gánh nặng “lập cư” xứ người nhưng để giải thích cho gia đình “sự cần” của mình nó thật sự rất khó.
    Giá như mẹ em chịu hiểu cho sự “buông” của em.

    Hy vọng được đọc nhiều bài viết hay nữa từ anh.

    1. Thực ra, đến một mức độ trưởng thành nhất định rồi thì em sẽ dần bớt “yêu cầu” người khác chịu hiểu cho mình em ạ. Gud luck, em!

Leave a Reply