Trí tuệ và phước báu

Đây là trích đoạn từ bản thảo tôi đang viết cho cuốn sách đầu tiên của tôi “Hành trình hạnh phúc 1.0“.

Bản thân là dân học từ lớp chuyên toán (mà tôi chỉ xem đó là một cách dán nhãn cho các thành phần học sinh ưu tú một cách không cần thiết), vài chục năm sau khi ra trường, sau khi lặn, ngụp trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng, tỉ lệ cá nhân thành công trong các lớp chuyên này không cao, thậm chí còn có thể thấp hơn so với các lớp thường. Một điều đặc biệt khác tôi thường thấy là những người thành công trong cuộc sống sau khi ra rời khỏi trường lớp, đa phần lại không phải là những người đạt được thành tích học tập ưu tú. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải quá quan tâm đến việc lớp chuyên, lớp chọn? Việc quan trọng là chúng ta cần phải chuẩn bị cho lớp trẻ những gì chúng cần để có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc sống sau này, chứ chắc chắn không phải là điểm số, thành tích, các cuộc thi này nọ. Chắc chắn là chúng đang thiếu một thứ gì đó mà giáo dục chưa đưa ra được câu trả lời.

Có một nghịch lý là thường thì những con người có chỉ số IQ, trí thông minh cao, lại gặp khó khăn trong việc hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Các bạn có quan sát thấy điều đó không? Ví như một anh bạn dân chuyên toán mà tôi biết, suốt mười mấy năm đi làm, không lên được chức quản lý, và tất nhiên là phải làm việc dưới quyền một người quản lý trong công ty. Vấn đề nằm ở chỗ, anh bạn chuyên toán này không bao giờ cảm thấy người sếp của mình xứng đáng là sếp. Bằng một cách nào đó, anh ấy vẫn cảm thấy mình thông minh hơn, giỏi giang hơn? Thế thì tại sao cuộc sống, công việc lại không công nhận cái thông minh hơn, giỏi giang hơn ấy nhỉ? Nếu chỉ trong vòng vài năm mà anh bạn này không may mắn như thế thì cũng còn có thể đổ lỗi là do không may mắn. Nhưng việc này xảy ra trên mười năm thì tôi không cho rằng vận may có phần quyết định trong kết quả này nữa. Mà vấn đề chỉ còn lại ở chính cách suy nghĩ của anh bạn đó mà thôi.

Chính sự thông minh đã bóp chết và làm méo mó con người này, tôi nghĩ thế. Cuộc sống luôn luôn mang đến cho chúng ta các bài học, liên tục, liên tục. Và anh bạn này đã chưa học xong một bài học cơ bản rằng, để thành công, trí thông minh thôi thì không đủ. Tôi nghĩ rằng, những người tốt nghiệp từ nền tảng công nghệ, kỹ thuật, hay các chuyên ngành khoa học – tự nhiên thường hay bị nô lệ bởi chính sự thông minh của mình, mà đánh mất đi việc cảm nhận thực tế, đánh mất sự linh hoạt và mềm dẻo, và quan trọng nhất là đánh mất sự cởi mở cần phải có để thành có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc sống này. Sự đóng kín này chủ yếu nằm ở chỗ họ quá thông minh và quá tin tưởng vào trí thông minh của mình để có thể có sự cởi mở trong tâm trí, trong suy nghĩ. Để có thể tiếp nhận phản hồi từ những người xung quanh, từ những khó khăn và thử thách trong cuộc sống mà họ gặp phải hàng ngày. Họ có xu hướng chắc chắn rằng họ đã biết mọi thứ. Cho dù, kết quả xảy đến với họ không được như mong muốn, hay thậm chí tệ hơn nhiều so với những gì mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng.

Trong một ví dụ khác, tôi có biết một anh bạn. Anh bạn này đã không học quá lớp 6. Tuy nhiên, sau mấy chục năm lăn lộn với cuộc đời, anh ấy đã tích luỹ được một khối lượng tài sản lớn hơn hầu hết các bạn đồng lứa. Công ty của riêng anh ấy trải dài Bắc, Trung, Nam, làm ăn phát đạt. Và tôi đã có dịp nghe được câu chuyện của anh ấy tâm sự. Rằng bản thân anh bạn này biết mình không học hành được nhanh nhẹn như người khác. Nhưng anh ấy không bỏ cuộc. Anh ấy đã kiên trì liên tục học hỏi từ cuộc sống, sách vở, từ những người xung quanh sau khi rời bỏ trường học. Anh ấy đã nói rằng, vì biết rằng mình học chậm, nên 10 điều thì chỉ hi vọng học được ngay 1-2 điều. Bù lại, với sự kiên trì và tích luỹ mỗi ngày, anh ấy đã trưởng thành “đều đặn” và có thể làm được những việc mà những người có học, hay có nhiều bằng cấp khác không làm được: một công việc kinh doanh, khởi nghiệp thành công, một gia đình hạnh phúc.

Con người ta chỉ xứng đáng với mức độ trí tuệ và phước báu mà người đó có được. Và sẽ vô cùng vất vả và đau khổ, nếu người ta cứ mong muốn hưởng được nhiều hơn so với mức trí tuệ và phước báu mà họ đang có. 

Theo tôi hiểu nôm na, phước báu là kết quả có được do những việc chúng ta đã làm trong quá khứ, những “hạt” giống mà chúng ta đã gieo trồng trong quá khứ. Ví dụ như việc bạn luôn chăm chỉ làm việc, luôn nỗ lực vươn lên, thì kết quả là bạn sẽ được thăng chức, được tăng lương. Việc thăng chức chính là kết quả của những gì bạn đã cố gắng trong quá khứ. Chắc chắn là như vậy. Trong Phật giáo thì còn có thêm một loại quá khứ khác. Đó là những cuộc sống trước của bạn. Tuỳ vào những “hạt” mà bạn “gieo” từ trong những cuộc sống trước thì cuộc sống này, bạn sẽ có những thừa hưởng, kế thừa nhất định. Ví như con người ta có thể sinh ra trong một hình tướng đẹp đẽ hay ngược lại, thông minh hoặc chậm chạp, hiền lành hay hung dữ. Tóm lại, phước báu là kết quả của quá khứ. Cũng đồng nghĩa với việc là chúng ta không thay đổi được cái quả đã có này, nó đã trổ sinh thành (kết) quả rồi. Nó cũng cho thấy một sự thật rằng, mỗi một chúng ta, từ khi sinh ra, đã có những lợi thế khác nhau, tuỳ theo cái quả đã trổ ra do các hạt gieo xuống trong quá khứ. 

Trong khi phước báu thì có thể không thay đổi được trong hiện tại, chúng ta luôn có thể cải thiện những gì chúng ta xứng đáng được hưởng bằng việc tăng trưởng trí tuệ của chúng ta. Tăng trưởng được trí tuệ hay không là trực tiếp do những gì chúng ta đang làm, đang gieo trong hiện tại, ngay ở đây, tại giây phút này. Trí tuệ là nhân tố có thể thay đổi được, tôi tin là như thế. Tuy nhiên, việc tăng trưởng trí tuệ hơn hay cùn lụt trí tuệ đi thì lại là lựa chọn của cá nhân bạn, trong mỗi một giây phút hiện tại, tuỳ theo hành động, suy nghĩ và lời nói mà bạn chọn để thực hành. Không ai có thể làm thay cho bạn được. Và cũng tuỳ theo lựa chọn của lời nói, hành động và suy nghĩ của bạn mà bạn hoặc là có thể tăng trưởng trí tuệ thêm hay ngược lại. Đó là trách nhiệm cá nhân cũng như là sự tự do của chính bạn.

Nếu chúng ta sinh ra trên cuộc đời này không được thuận lợi, do phước báu từ quá khứ để lại không tốt, chúng ta vẫn nên luôn tự tin rằng chúng ta vẫn còn có thể cải thiện những gì chúng ta xứng đáng được hưởng bằng cách không ngừng tăng trưởng trí tuệ của chúng ta, thay vì làm cùn lụt trí tuệ của chúng ta. Chìa khoá cuộc đời của chúng ta nằm trong bàn tay của chúng ta chính là ở điểm này.

Như trong ví dụ của anh bạn chuyên toán ở trên, thực tế mà nói, anh ấy có được phước báu tốt. Đó là sự thông minh có được khi sinh ra trong cuộc đời này. Có người khi sinh ra, có thể không được may mắn như anh ấy, khi chỉ mỗi việc 1 cộng 1 thôi mà cũng đã phải rất khó khăn để có thể học được. Anh bạn chuyên toán này sinh ra đã được một tư chất nhanh nhẹn và thông minh. Đó là phần phước báu anh ấy đã có được. Và đó là một khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, người trí tuệ sẽ biết sử dụng phước báu này (trí thông minh) để phát triển, tăng trưởng trí tuệ của mình thêm và kết quả là xứng đáng được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ngược lại, nếu không biết sử dụng trí thông minh của mình để tăng trưởng trí tuệ của bản thân, mà không khéo còn làm việc ngược lại, cho mình là giỏi giang, đóng kín tâm trí (và không thể học hỏi từ thực tế) thì đó cũng chính là lúc trí tuệ càng bị cùn lụt, hạn chế. Kết quả là anh ấy cũng chỉ xứng đáng với những gì ngang bằng với mức hiểu biết và trí tuệ đang đi xuống mà anh ấy có mà thôi, thay vì có thể xứng đáng được nhiều hơn, với nền tảng phước báu (thông minh) sẳn có. Đây là một điều cốt lõi và quan trọng cho bất cứ ai. Trong ví dụ của anh bạn thứ hai thì do biết rèn luyện, do kiên trì học hỏi và lắng nghe từ cuộc sống, anh ấy đã không ngừng tăng trưởng trí tuệ của anh ấy đều đặn. Tăng trưởng trí tuệ cho đến lúc anh ấy đã có quyền tận hưởng những gì to lớn hơn các bạn đồng trang lứa, cùng điểm xuất phát nhiều. Tôi cho rằng, đó là điều kì diệu của cuộc sống. Điều kì diệu này vẫn xảy ra hàng ngày đối với những con người có trách nhiệm với bản thân, có một lòng tự trọng cao (tự trọng chứ không phải là tự ti).

Nói tóm lại, chúng ta chỉ xứng đáng ngang với mức độ trí tuệ và phước báu mà chúng ta đang có. Và chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta còn xứng đáng nhiều hơn nữa. Chỉ cần chúng ta kiên trì rèn luyện thân và tâm. Chỉ cần chúng ta không ngừng tăng trưởng trí tuệ của chúng ta hàng ngày. Và thực ra, chúng ta cũng không có lựa chọn nào khác. Bởi vì phước báu thì không thay đổi được trong hiện tại được nữa, chỉ có trí tuệ mới có thể thay đổi được mà thôi. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai tốt hơn bằng việc gieo trồng những mầm của trí tuệ, của thương yêu, của thiện lành trong mỗi một giây phút hiện tại. Hãy gieo trồng liên tục, liên tục.

6 thoughts on “Trí tuệ và phước báu

  1. Pingback: 500 – Viet Hung
  2. Anh nói rất đúng. Em đã nghiên cứu về đề tài về mối liên hệ giữa phước báu và trí thông minh từ rất lâu rồi và em thực sự tin rằng những người có trí thông minh thiên bẩm dù ở cấp độ nào thì cũng do kiếp trước họ cũng đã gieo nhân tốt về mặt trí tuệ nên mới bây giờ mới được thế. Trước giờ em chỉ nghe các thầy tu Phật giáo nói về điều đó, hôm nay mới tìm được bài blog của một dân chuyên Toán bằng xương bằng thịt có cùng quan điểm nên em thấy mừng lắm. Chúc anh sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

    1. Hi hi… thanks, Lâm! Những gì anh hiểu được cũng dựa trên nền tảng Phật pháp thôi. Nhưng cũng đúng là anh đã học chuyên toán. Chúc Lâm mọi thuận lợi và bình an.

  3. Câu chuyện về lối sống đối lập của hai người bạn thật là hay, giúp em soi chiếu về hoàn cảnh hiện giờ của mình.
    Em cũng luôn tin là mỗi người chúng ta đang hưởng đúng ở mức phước báu và trí tuệ mà chúng ta đang có. Mọi pháp đang vận hành đúng với trình độ tâm của mỗi người.
    Hiểu thêm rằng đọc sách và thân cận các bậc thiện hữu chính là một trong những con đường giúp tăng trưởng trí tuệ.
    Em cám ơn anh Hùng.

Leave a Reply