30, 40, 50

Vào khoảng cuối năm 2018, tôi có dịp tham dự một hội thảo về nhân sự với vai trò là diễn giả , trong đó tôi có dịp trình bày các quan điểm của tôi về hạnh phúc. Hội thảo diễn ra ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Saigon và Hà Nội. Trong buổi sáng sớm ở Hà Nội, khi tôi và một vị diễn giả khác đang đứng bên lề sân khấu, sẳn sàng cho bài nói của mình, vị diễn giả người Trung Quốc kia chia sẻ với tôi rằng: “Anh ước gì được gặp em sớm hơn, vào 8 năm trước.” Tôi tròn mắt nhìn sang. “Anh năm nay 48 tuổi…”

Anh ấy đã nghe tôi chia sẻ vào hôm trước, trong hội thảo ở Saigon. Tôi kết thúc bài trình bày của tôi bằng một trích đoạn đọc được từ cuốn Tuyết giữa mùa hè: “Người ta nói cuộc sống chỉ bắt đầu ở tuổi 40. Điều đó đúng với tôi. Về mặt này, tôi còn rất trẻ, rất nhiệt tình. Tôi bắt đầu nhìn nhận cho chính mình, bằng đôi mắt của chính mình. Tôi bắt đầu cảm nhận được con đường riêng của bản thân mình.” 

Vào thời gian cuối năm 2018, tôi đang tiến hành tái bản lại cuốn sách sâu sắc này của Thiền sư Sayadaw U Jotika, Ngài chính là vị Thầy, và là sư ông của tôi. Trong quá trình tái bản, một trong những việc tôi cần làm là dò lại chính tả cũng như tất cả mọi thứ trên bản thảo, trước khi in ấn. Và tôi đã vô cùng xúc động khi đọc lại những dòng trên. Nó đúng với cuộc đời của Ngài như Ngài chia sẻ. Và kỳ diệu thay, nó đúng, rất đúng với cuộc sống của tôi cho đến thời điểm đó. Tôi quyết định rút lui khỏi công việc kinh doanh vào đúng khoảng thời gian tôi 40 tuổi. Tôi tự tin và quyết đoán chọn cho mình con đường của riêng mình, để đến với hạnh phúc, để tôi có thể sống ý nghĩa hơn cho chính bản thân mình.

Cuộc sống mới chỉ bắt đầu ở tuổi 40… Vâng, điều đó là hoàn toàn đúng đắn đối với tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không sống khi chưa đến tuổi 40. Có những cột mốc quan trọng của đời người mà tôi thấy cần chia sẻ với các bạn. 30, 40 và 50.

Khi còn trẻ, dưới 30, tôi tràn trề năng lượng, hoài bão và ước mong. Tôi, cũng như các bạn trẻ khác cùng trang lứa, có một trái tim thật nóng và nồng ấm cũng như nhiều niềm hứng khởi để bước vào cuộc sống, sau khi tốt nghiệp một trong những trường kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam. Cũng như đa phần mọi người khác trong lứa tuổi đó, tôi mong muốn được thành công càng sớm càng tốt. Có được một công việc ngon lành. Có được một vị trí cao trong xã hội. Có được một căn nhà trong mơ ước và một cuộc sống tiện nghi. Với sức trẻ và quyết tâm, tôi lăn xả vào làm việc và cống hiến. Tôi chưa kịp nhận ra một sự thật rằng, gắn liền với hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ là sự ngạo mạn, lầm tưởng về một cái tôi tài giỏi có thể làm được mọi thứ, có thể giải quyết được mọi thử thách, có thể hiểu biết được mọi thứ trên cuộc đời này. Và chính sự ngạo mạn này tạo ra một cái tôi vừa hung hăng, vừa đóng kín.

Thường thì chúng ta đặt nhiều kế hoạch với nhiều tham vọng và chúng ta nghĩ rằng khi hoàn thành mục tiêu đặt ra thì điều đó cũng đồng nghĩa với hạnh phúc sẽ đến. Thực tế không hề như vậy đối với tôi. Vào những năm gần 30 tuổi, tôi có mọi thứ mà thoạt nhìn mọi người sẽ cho rằng là ổn. Tôi là “xếp” của một bộ phận dịch vụ có chừng hơn 200 nhân viên của một công ty phần mềm. Tôi sở hữu một căn hộ chung cư trong một khu cao cấp bậc nhất Saigon, từ bàn tay trắng. Tuy không phải là giàu có và quyền cao chức trọng gì. Nhưng đó là niềm mơ ước của nhiều người ở lứa tuổi của tôi. Trớ trêu thay, tôi lại luôn cảm thấy thiếu vắng sự bình yên trong tâm mình, một sự bối rối, một sự sợ hãi mơ hồ như luôn sẳn sàng túc trực ở đó, ở chính trong tâm hồn của tôi. Và chính vì sự bối rối này, tôi mới chợt nhận ra những gì tôi đạt được chưa đem lại cho tôi hạnh phúc. Vậy thì điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho tôi?

Tôi đã không có câu trả lời vào thời điểm đó. Nhưng ít ra, tôi đã biết được rằng tôi đang gặp phải vấn đề lớn trong cuộc đời của tôi. Và tôi đã nghe lời khuyên của một người đàn anh để bắt đầu theo học một trong những chương trình MBA hàng đầu Việt Nam. Đó là chương trình EMBA của Đại học Hawaii tại chi nhánh của trường ở Saigon. Thật quí giá. Các buổi học, các vị giáo sư, các bạn đồng môn chính là những người đã mở mang tâm trí cho tôi. Họ đã cho tôi biết rằng tôi quá nhỏ bé trong thế giới này, quá nhỏ bé trong kho kiến thức vô cùng tận này, quá nhỏ bé trong các trải nghiệm thực tế ở cuộc sống này, … Đó là lúc tâm trí tôi bắt đầu vỡ ra, bớt đóng kín. Tôi trở nên cởi mở hơn và từ đó học hỏi được nhiều, nhiều hơn từ chương trình học, từ các bạn học và những người xung quanh, từ chính những gì đang xảy ra trong cuộc sống chung quanh tôi. 

Tôi tin rằng chúng ta không thể học hỏi được thêm từ cuộc sống này, nếu chúng ta cứ giữ cho bản thân một sự đóng kín trong tâm trí. Chỉ có một tâm trí cởi mở mới là chìa khoá cho sự học hỏi và vươn lên. Và từ đó, bắt đầu ở những năm mới bước sang tuổi 30, tôi nhận ra rằng để có được hạnh phúc đích thực, còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa từ cuộc sống này. Vấn đề là cần phải va chạm, trải nghiệm và học hỏi để tự rút ra cho bản thân rằng điều gì làm cho tôi hạnh phúc. 

Và đó cũng chính là thời điểm tôi và các cộng sự của tôi bắt đầu thành lập công ty của chính chúng tôi, công ty KMS Technology, một hành trình tuyệt vời hơn 10 năm qua. Với thực tế trải nghiệm mà chúng tôi đã có được trước đó, chúng tôi có một niềm tin và biết rõ các chân giá trị đích thực để có thể xây dựng nên một công ty vững mạnh. Tựu trung lại chỉ nằm ở hai chữ “con người”. 10 năm trôi qua, chúng tôi đã đạt đến cột mốc 1000 người. Niềm tự hào của tôi không dừng lại ở qui mô mà tự hào hơn chính là môi trường làm việc tích cực mà chúng tôi đã tạo dựng được, những mối quan hệ tuyệt vời giữa con người và con người mà chúng tôi có được giữa các đồng nghiệp.

10 năm xây dựng công ty cũng là 10 năm tôi tự mình trải nghiệm và tự mình phải trả lời câu hỏi về hạnh phúc cho chính bản thân. Trong khi tôi hoàn toàn có thể đóng góp vào việc xây dựng một công ty vững mạnh, tôi tự nhận thấy mình không hề phù hợp với công việc kinh doanh. Từ sâu thẳm trong con người tôi, luôn có một sự bối rối và bất an. Và điều đó cho tôi biết một dấu hiệu của sự thật rằng tôi đang không thực sự bình yên. Một sự thật khó xử. Có thể cách suy nghĩ và quan điểm của tôi về hạnh phúc hơi khác so với mọi người. Nhưng ít ra, tôi có thể biết rằng tôi không phù hợp với công việc kinh doanh mà tôi đang làm tốt. Bởi vì tôi đang không có được một trạng thái tâm trí thoải mái. Tôi hiểu ra rằng, tôi muốn có một cuộc sống mà tôi có thể sống thực với bản chất của mình, sống cho chính bản thân mình, chứ không muốn một cuộc sống  thành công theo tiêu chí của mọi người chung quanh tôi bao gồm cả gánh nặng trách nhiệm mà tôi đang phải mang vác trên vai mỗi ngày. Thế mạnh của tôi chính là việc xây dựng niềm tin, gắn kết các mối quan hệ giữa con người và con người. Điều đó giúp tôi hoàn thành tốt công việc ở vị trí Tổng giám đốc của công ty tại Việt Nam. Nhưng một cái tôi khác ở bên trong luôn nhắc nhở rằng, tôi không nhìn thấy mình hạnh phúc với các chức danh, vị trí, và trách nhiệm mà tôi đang đảm trách và thành công.

Đó là lúc tôi bắt đầu tìm đến nhiều hơn với tâm linh và việc rèn luyện tâm linh. Với trực giác mách bảo, tôi đã kiên trì tìm hiểu về thiền tập và cuối cùng cũng có đủ duyên lành để gặp được vị thầy của mình. Từ đó, những giải đáp về con đường hạnh phúc cho tôi bắt đầu hình thành và sáng rõ. Và đó cũng là thời điểm tôi biết mình cần phải chuẩn bị để rút lui khỏi công việc kinh doanh mà tôi đang gánh vác trách nhiệm trên vai. Mọi thứ đều cần phải có thời gian để chuẩn bị, chắc chắn là như thế. Và đến tầm 40 tuổi, tôi bắt đầu làm việc với các cộng sự của tôi để tôi có thể hoàn thành ý nguyện của bản thân, rút hẳn hoàn toàn khỏi trách nhiệm của một vị Tổng giám đốc.

40 tuổi, tôi đã học hỏi được những gì tôi cần có cho cuộc sống của tôi trong tương lai và bắt đầu hành trình sống cuộc sống cho chính bản thân tôi mà tôi hy vọng sẽ kéo dài cho đến hết cuộc đời của tôi (thậm chí ảnh hưởng tích cực luôn cả sang cuộc sống kế tiếp nữa). Được là chính bản thân mình, được tự do, được sống một cuộc sống cho riêng mình mà không bị áp lực và yêu cầu bởi gia đình, xã hội, văn hoá, truyền thống, … chính là nền tảng của hạnh phúc đích thực. Tất nhiên, tự do phải đi kèm với trách nhiệm. Càng tự do, trách nhiệm đối với bản thân lại càng lớn. Trách nhiệm ở đây bao hàm sự hành thiện, không làm hại ai, kể cả chính bản thân mình.

Tôi chọn cho mình một lối đi riêng và muốn trải nghiệm cuộc sống này cho đến năm 50 tuổi. Khi đó, phiên bản 2.0 của cuốn sách này có lẽ cũng sẽ được hoàn thành, kể lại các trải nghiệm của tôi trong khoảng thời gian từ 40 đến 50.

30, 40, 50. Bạn có thể lấy các cột mốc này trong cuộc đời để xem xét và đánh giá cuộc đời của chính các bạn. Tuổi trẻ thì luôn luôn hăng hái, bồng bột, với nhiều ngã mạn. Tuy nhiên, đó cũng chính là lúc bạn có thể tự mình trải nghiệm được những gì gọi là điên rồ nhất, để có thể tự trang bị cho mình các bài học (thậm chí là đắt giá). Để có thể từ đó mới nhận ra rằng, những mong muốn ở thưở ban đầu, khi đạt được rồi vẫn không mang lại hạnh phúc cho bạn. Để bạn có thể tự rút kinh nghiệm và trải nghiệm nhiều hơn trong giai đoạn từ 30 đến 40 tuổi, nhằm có thể trưởng thành hơn và bắt đầu học được cách sống cho chính bản thân mình, được là chính mình và đó chính là con đường tìm về với hạnh phúc. Rồi từ sự trưởng thành và nền tảng đó, sau 40 tuổi, bạn có thể tự tin bắt đầu sống một cuộc sống hướng tới tự do và hạnh phúc cho đến hết cuộc đời của bạn. Vì sao có cột mốc 50? Bởi vì nếu sau 50 mà bạn vẫn chưa tìm ra được một cuộc sống cho chính bản thân mình thì e rằng những gì bạn huân tập bấy lâu sẽ tạo nên một quán tính, một rãnh sâu trong cuộc sống và cứ thế sẽ cuốn bạn đi cho đến khi kết thúc cuộc đời theo một hướng tiêu cực, cho dù bạn muốn hay không. 30 – 50 là khung cửa sổ cởi mở của tâm trí, là cơ hội tốt để bạn chỉnh sửa chính bản thân mình. Trước 30 thì tâm trí có thể còn quá cố chấp và ngạo mạn để có thể tu tâm sửa tính. Sau 50 thì một lần nữa tâm trí có thể bị đóng kín bởi do chính quán tính của những gì bạn huân tập trước đó.

Không có gì là tuyệt đối cả. 30, 40, 50 chỉ là khung tham khảo mà tôi nhận thấy xảy ra chính xác cho bản thân tôi. Có những người nhận ra được chân lý ngay từ những độ tuổi rất sớm. Có những người khác thì đến 60, 70 tâm trí vẫn còn đủ cởi mở để thay đổi và chỉnh sửa bản thân. Trở về với câu chuyện của anh diễn giả người Trung Quốc… Sẽ không có gì là trễ cả. Nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc thì sớm hay muộn không phải là vấn đề. Mà mấu chốt là bạn nhìn ra và thực sự bắt đầu thay đổi bản thân cho một cuộc sống tốt hơn, dù chỉ là một giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng sẽ có giá trị của nó. Và tâm trí cởi mở chính là chìa khoá cho sự vươn lên.

7 thoughts on “30, 40, 50

  1. Mong chờ ngày được cầm trên tay cuốn sách ” Hành trình hạnh phúc 1.0″. Cảm ơn những chia sẽ của Anh.

  2. Pingback: 500 – Viet Hung

Leave a Reply