Thử thách Yên Tử và các bài học

Tôi viết bài chia sẻ này bằng tiếng Anh, viết một mạch sau khi hoàn thành cuộc đi bộ leo núi 4 tiếng đồng hồ, một mình lên đỉnh núi Yên Tử vào tháng 5 năm 2014. Đến giờ phút này, hơn 4 năm sau đó, khi đọc lại những dòng chia sẻ của bài viết, cảm xúc vẫn dâng trào như những giây phút trải nghiệm vào năm ấy. Tôi dịch Việt bài này để có thể chia sẻ rộng rãi hơn đến mọi người những bài học và ý tứ mà tôi tâm đắc. Và hy vọng nó hữu ích đối với mọi người.

Độ cao 1068 mét, 6km đường rừng với hàng ngàn bậc thang cắt ngang núi, 4 tiếng đồng hồ để đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh núi, và một vài bài học tuyệt vời cũng như các nghiền ngẫm trong lúc đổ mồ hôi chinh phục thử thách Yên Tử. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã học được qua trải nghiệm khó quên này.

01
Trên đỉnh phù vân (Đỉnh núi Yên Tử)

Nhưng trước khi đi vào phần chia sẻ, bạn có thể dành chút ít thời gian để nhìn xem gương mặt của tôi bên dưới, sau cuộc đi bộ leo núi 4 tiếng đồng hồ. Kiệt sức? Không … không thể giải thích được đó là cái gì. Cảm giác và trải nghiệm này thật tuyệt vời, vượt quá sự mô tả của từ ngữ. Toàn bộ cơ thể và áo quần của tôi đều ướt sũng mồ hôi pha lẫn nước mưa.

01
Cơ thể mệt mỏi, nhưng cảm xúc thì lại tuyệt vời, sau khi hoàn thành cuộc đi bộ leo núi

Trong chuyến đi công tác tại Hà Nội để nhận danh hiệu Sao Khuê dành cho công ty KMS Technology Vietnam, tôi đã quyết định làm một điều gì đó khác đi (sau bao lần ra Hà Nội). Tôi đã nghe nói về núi Yên Tử, nơi có nhiều chùa và đền thờ cổ được xây dựng từ thời Đức vua Trần Nhân Tông (Đức vua còn được mệnh danh là Đức Phật hoàng của Việt Nam) vào thế kỉ thứ 12. Và tôi nghĩ rằng đó có lẽ là một sự khám phá thú vị. Đỉnh núi ở độ cao 1068 mét với ngôi chùa Đồng, 6km đường rừng với hàng ngàn bậc thang cắt ngang núi.

01
Bản đồ Google núi Yên Tử

Tôi bay từ Saigon ra Hà Nội trong một đêm muộn vào thứ sáu. Chuyến bay trễ giờ. Tôi kịp đi ngủ vào lúc 1:30 sáng và dậy sớm vào lúc 5:30. Ăn sáng vào lúc 6:00 với một cốc sữa tươi nhỏ, một dĩa trái cây nhỏ, và một ly nước táo nhỏ. 6:20, sẳn sàng xuất phát. 9:30, tôi đã đến chân núi Yên Tử. Tốt rồi… hãy bắt đầu…

Tôi 37 tuổi vào thời điểm đó, trong tình trạng sức khoẻ tốt với chỉ số BMI là 24 (được phân loại cân nặng ổn ;-)). Tôi mang theo 2 chai nước dắt vào bao lưng như trong hình và thêm một cái máy chụp hình DSLR Canon Rebel T2i. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi leo núi kiểu như vậy (và thời gian dự kiến là tầm 4-6 tiếng tổng cộng cho cuộc leo núi này, theo những gì tôi tìm được trên Internet).

01
Những thứ tôi chuẩn bị mang theo cho chuyến đi bộ leo núi

Nhanh hay chậm?

Tôi hăm hở bắt đầu. Những bước đi nhanh lên cao. Đó là một cảm giác tuyệt vời, khi bắt đầu thử thách, luôn là như vậy. Nhưng chỉ kéo dài được 30 phút, trước khi tôi cảm giác như không thể nhấc chân lên nổi nữa. Vâng, chỉ mới 30 phút. Và tôi biết vẫn còn 3-4 tiếng đồng hồ trước mặt, để có thể đến được đích là đỉnh núi Yên Tử. Tôi bắt đầu đếm: “1, 2, 3, dừng.” Đổi chân để bắt đầu đếm 1, 2, 3, lại đổi chân, 1, 2, 3 và … dừng. Nghỉ một chút, và lại bắt đầu lại tiến trình 1, 2, 3. Chậm như thế thôi.

01
Nơi bắt đầu dưới chân núi Yên Tử (theo tôi nhớ là cầu qua suối Giải oan, nơi có quá nhiều cung phi gieo mình tự vẫn sau khi Đức vua Trần Nhân Tông quyết định xuất gia)

Nhanh hay chậm? Điều nào tốt hơn? Không có điều nào cả. Phù hợp là điều tốt nhất.

Tôi nhận ra rằng tốc độ bước chân tôi chọn để bắt đầu không phù hợp với cuộc đi bộ leo núi này. Bởi vì sự phấn khích và việc không hình dung được về cuộc leo núi, tôi đã bắt đầu với tốc độ bước chân nhanh và đã kiệt sức nhanh chóng chỉ sau 30 phút khởi hành. Bài học này rất đúng cho chính trong cuộc sống này. Nhanh hay chậm? Điều nào tốt hơn? Không có điều nào cả. Phù hợp là điều tốt nhất. Đơn giản thế thôi, đúng không? Nhiều lúc cần phải thật nhanh, những lúc khác lại phải chậm. Và nhiều nhiều lúc khác nữa thì lại ở giữa nhanh và chậm. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn muốn làm gì, ngữ cảnh, tình huống và điều kiện hiện tại của bạn. Và vào ngày hôm đó, để có thể leo lên đỉnh Yên Tử, tôi phải đổi tốc độ bước chân của mình cho phù hợp với thực tế sau khi học được bài học này khi đang trên đường lên núi, nếu tôi thực sự muốn hoàn thành công việc này.

Bạn nghĩ là bạn khoẻ mạnh? Suy nghĩ lại một lần nữa nhé 😉

Sau khi thay đổi chiến thuật, tôi tiếp tục đi chậm hơn một chút. Một lúc sau, có một nhóm các vị có vẻ lớn tuổi bắt kịp tôi trên đường. Họ nhanh chóng qua mặt tôi về phía trước. Tôi thấy trong nhóm có một cụ bà khá lớn tuổi. Tò mò, tôi cố gắng nghe lỏm xem họ nói gì. “Bà bao nhiêu tuổi rồi?”, cụ bà nhận được câu hỏi từ một người đi hướng ngược lại, xuống núi. “74”… Ha ha… Đó thực sự là một liều thuốc, sốc tinh thần tôi lên lại. Tôi không thể tưởng tượng được tôi trông sẽ như thế nào ở tuổi 74 và nếu tôi có thể có được sức khoẻ như bà cụ, có thể đi nhanh như thế ở tuổi 74.

Tôi thực sự cần suy nghĩ thấu đáo về việc này. Trong khi tôi không thể thay đổi được một sự thật rằng cơ thể của tôi đang ngày một già đi, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng tôi sẽ ở trong một tình trạng sức khoẻ tốt hơn khi tuổi già đến, nếu như tôi quan tâm đến sức khoẻ của bản thân ngay từ hôm nay. Vâng, ngay từ bây giờ. Bạn chỉ có thể thay đổi tương lai từ những gì bạn làm vào ngay trong thời điểm hiện tại, ngay ngày hôm nay. Hãy suy nghĩ về điều đó. Và nếu bạn không hành động ngay tại thời điểm này, làm sao bạn có thể hy vọng bạn sẽ có một sức khoẻ tốt hoặc một tương lai tốt đẹp vào ngày mai?

Tôi quá hạnh phúc cho bà cụ…

Bạn chỉ có thể thay đổi tương lai từ những gì bạn làm vào ngay trong thời điểm hiện tại, ngay ngày hôm nay. Hãy làm đi.

Khi tôi gần lên đến đỉnh Yên Tử (còn cách khoảng 100 mét), tôi lại gặp một nhóm lữ khách khác, trong đó có một cụ bà với nụ cười rạng rỡ (xem hình trên) đang ngồi nghỉ ngơi trên một tảng đá lớn. Từ câu chuyện của cụ, tôi biết được rằng cụ bắt đầu đi bộ lên núi vào lúc 9:00 sáng (tôi bắt đầu sau nhóm của cụ 30 phút). Lúc này đã là 12:30 chiều. Như vậy là mất 4.5 tiếng để nhóm của cụ leo lên đến đây. Và đây là lần thứ 2 cụ tự leo lên đỉnh Yên Tử như vậy. Cụ sống ở Hà Nội. “Bà bao nhiêu tuổi rồi?”, tôi hỏi. “Gần 80. Năm nay bà 79 rồi.”, bà trả lời.

Tôi cười trong hạnh phúc khi biết tuổi của cụ và xin phép cụ chụp một bức hình của cụ để tôi có thể cho những người trẻ tuổi hơn (như tôi chẳng hạn) xem và truyền cảm hứng để họ leo núi như thế này. Nên tôi có được bức hình của cụ bà như trên.

Nếu bạn nghĩ là bạn khoẻ mạnh, hãy suy nghĩ lại một lần nữa nhé và tự thách thức bản thân bạn có thể được như cụ bà hạnh phúc này. Không phải là điều gì khó, nhưng điều này đòi hỏi kỷ luật của bạn – tập thể dục đều đặn. 3 lần một tuần, 30 phút mỗi lần, và cần phải ra mồ hôi. Chọn cho bản thân bất cứ môn thể thao nào: bóng đá, cầu lông, tennis, bơi, … Hoặc một thứ gì đó dễ hơn như mang giày vào và… chạy. Đơn giản mà, phải không? Hãy làm ngay từ bây giờ, trước khi trở nên quá trễ.

Đội nhóm vs. Cá nhân?

Tiếp tục với cuộc leo núi của tôi, khi tôi tiếp tục đi bộ lên núi một cách chậm rãi, một nhóm các bạn trẻ đi sau bắt kịp tôi trên đường lên núi. Tôi thầm lặng theo sau “gia nhập” họ và cảm thấy tuyệt vời. Bởi vì tôi không còn cảm thấy tôi cô đơn leo núi một mình. Kế đó, tôi được khích lệ bởi năng lượng của đám đông. Và đồng thời, tôi cũng phải gò ép bản thân để bước mạnh hơn, nhanh hơn để có thể kịp nhịp điệu của nhóm mà không bị bỏ lại đằng sau. Sau một hồi như vậy, tôi đã tự hỏi bản thân mình. Tôi có cần phải làm điều này không? Đó là một bài tập tốt để có thể khiến bản thân làm việc căng thẳng và nỗ lực hơn :). Tuy nhiên, liệu điều đó có đúng không? Và đó có phải là cách duy nhất để “nhấn ga” khả năng của tôi? Tôi không có được câu trả lời vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi chắc chắn được một điều rằng tôi đã bước đi bởi vì tôi không muốn bị bỏ lại đằng sau. Tôi cố gắng bước tới và cố gắng theo kịp tốc độ của nhóm bởi vì tôi không muốn mất thể diện với những người mới gặp (mà thậm chí còn chưa làm quen, nói chuyện). Và tôi nghĩ rằng đó chính là lý do tại sao tôi cảm thấy có một cái gì đó không đúng và tôi bắt đầu tự vấn bản thân mình.

Tôi đã bước đi không cho chính tôi, mà bởi do áp lực từ người khác. Điều này bật ra một mối quan tâm lớn hơn. Trong cuộc sống này, nhiều lần, chúng ta đã không thực sự sống cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sống cuộc đời cho một ai đó. Đó có phải là cách tốt nhất? Nói một cách khác, chúng ta chỉ theo sau quán tính của những gì được yêu cầu bởi những người xung quanh, chứ không phải được yêu cầu bởi chính bản thân chúng ta. Đó có phải là sống? Hoặc trong nhiều lần khác, chúng ta chỉ cố gắng làm sao cho tốt bằng những người xung quanh, giàu có bằng những người xung quanh, nổi tiếng bằng những người xung quanh, nếu chúng ta không thể hơn họ… Rất nhiều thứ “bởi vì những người xung quanh” này, chứ không phải bởi vì chính bản thân chúng ta.

Tôi đề nghị bạn suy nghĩ thêm về điều này. Bạn muốn sống cuộc sống của người khác hay bạn muốn sống cuộc sống của chính bạn? Nếu bạn muốn sống cuộc sống của chính bạn, hãy dừng lại và suy nghĩ nhiều hơn về điều đó. Đừng để quán tính hay những yêu cầu của những người xung quanh làm cho bạn bối rối.  Bạn là độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Và bạn cần tìm lại chính bản thân mình, nếu bạn đã đánh mất nó hoặc nếu bạn đang đánh mất nó bởi vì bạn đang sống cuộc sống của người khác.

Phải hay trái? Hãy lựa chọn một bên. Bạn không thể chọn cả hai.

Tại bất cứ một thời điểm nào, người duy nhất tôi cần phải đương đầu chính là TÔI. Chấm hết. Và một mình có thể giúp tôi nghiền ngẫm tốt hơn về sự thật đó.

Sau khi có cảm nhận này, tôi quyết định tách rời khỏi nhóm ở ngã 3 kế tiếp. Tôi đã không biết, vào lúc đó, rằng nếu quyết định này là tốt hay xấu. Ở thời điểm đó, sương mù khắp nơi. Tôi không thể nhìn thấy gì quá 10 mét. Và vào ngày hôm đó, có khá ít người leo núi trên đường. Nên nếu tôi tách nhóm, tôi sẽ phải đi một mình. Và thực tế là như vậy. Một mình thì luôn luôn có cảm giác sợ hãi, đúng không? Đặc biệt là vào một ngày mưa gió, ở giữa núi và rừng. Đó chính là thử thách. Và đó là lúc tôi cảm nhận được điều gì là tuyệt vời khi có đồng bọn, để cảm thấy an toàn hơn.

Tuy nhiên, càng suy nghĩ về việc này, tôi học ra được một điều. Trong khi chúng ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt nếu được bao bọc xung quanh bởi bạn bè và người thân, hầu hết thời gian trong ngày của chúng ta lại thực sự là một mình với … chính bản thân mình. Hãy suy nghĩ cẩn thận nhé. Bạn nói với chính bản thân bạn là chủ yếu, bạn lắng nghe bạn là chủ yếu và bạn dành hầu hết thời gian với chính bản thân bạn. Như vậy, sẽ là không bất thường chút nào, nếu bạn phải một mình ở ngoài kia. Ngữ cảnh đội nhóm, đồng nghiệp, bạn bè có thể làm cho bạn nhầm rằng bạn dành ít thời gian cho bản thân. Nhưng tôi không tin điều này. Tại bất cứ một thời điểm nào, người duy nhất bạn phải đương đầu và dành thời gian với chính là bạn. Chấm hết. Và một mình có thể giúp bạn nghiền ngẫm tốt hơn về sự thật này. TÔI chính là thử thách lớn nhất của tôi. Điều tốt nhất là tôi có thể kiểm soát được cái TÔI to lớn bên trong cơ thể này. Rõ ràng là việc đó không hề dễ dàng gì. Tôi giận dữ. Tôi chán nản. Tôi mệt mỏi… cho dù tôi muốn hay không. Tôi có thể làm được gì với sự thật này? Đó là một câu hỏi lớn mà tôi không có ý định trả lời trong khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên, tôi phải học để đương đầu với sự thật này mỗi ngày.

Trở lại với câu chuyện leo núi, sau một vài giây do dự, lo lắng, tôi đã quyết định tiến về phía trước, tách ra khỏi nhóm. Thật tình là có nhiều lần khi đi một mình trong ngày hôm đó, tôi đã thoáng có ý nghĩ bỏ cuộc (sẽ không ai biết việc này, ngoài trừ cái TÔI ở bên trong của tôi biết việc tôi bỏ cuộc). Hai chân của tôi và cơ thể của tôi đã quá mệt. Và sau đó, tôi đã tự vấn bản thân tại sao tôi quyết định leo núi Yên Tử lúc ban đầu: Chắc chắn là để leo lên đến đỉnh núi. Một cách nhanh chóng, tôi cương quyết thách thức bản thân để hoàn thành mục tiêu. Cố gắng lên “bé”, tiếp tục đi thôi.

Hãy tập trung vào một vài bước kế tiếp mà thôi, chỉ cần đúng hướng là được

Bạn không cần phải nhìn được quá xa. Và nhiều lúc, điều đó là không thể.

Nhiều lần trên đường lên núi, tôi nghe những người đi lên hỏi những người đi xuống: “Còn bao lâu nữa thì tới đỉnh vậy anh/chị?”, “Còn bao lâu nữa thì đến chùa Đồng?” Tôi sử dụng chức năng theo dấu của Google trên điện thoại của tôi. Và một vài lần, trong khi tôi không cần hỏi những câu hỏi như trên, tôi đã mở điện thoại lên và cố gắng nhìn xem tôi đang ở đâu và còn bao lâu. Cũng là những câu hỏi tương tự mà thôi… chỉ sử dụng phương tiện khác để trả lời. Có lẽ đó là điều làm cho tôi yêu công nghệ. Tuy nhiên, khi tôi nghĩ sâu hơn về việc này, tôi học được một điều. Có thực sự hữu ích khi nhìn quanh và mãi hỏi những câu hỏi như vậy? Điều đó có thực sự giúp bạn cải thiện điều gì không? Mọi người có thể trả lời “Gần tới rồi…”, tuy nhiên sự thật thì có thể còn xa. Người ta nói vậy để động viên bạn. Hoặc có những người khác thì có thể nói sự thật là “còn xa”. Và một số câu trả lời, thậm chí chúng ta không thể kiểm chứng để biết được câu trả lời là đúng hay sai ;-). Như vậy thì tại sao chúng ta phải quan tâm đến nó? Cho dù câu trả lời như thế nào đi nữa thì tôi vẫn cứ phải bước tiếp đi lên núi. Điều này không thay đổi lắm. Tuy nhiên, nếu tôi mất tập trung và cứ tìm kiếm những thông tin như vậy, điều đó có thể lấy đi của tôi một chút sức.

Bài học tôi nhận ra từ việc này rằng nếu bạn tin và quyết định làm một việc gì đó, chỉ cần tập trung làm một vài bước kế tiếp, trong khi đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng. Chỉ cần như thế thôi. Và bạn sẽ hành động dễ dàng hơn cũng như hiệu quả hơn nhiều. Đừng phí sức bằng cách nhìn ngó xung quanh và tìm kiếm những câu trả lời không cần thiết. Điều này có thể áp dụng được vào mọi việc, bao gồm việc kinh doanh.

Chẳng thể nào diễn tả được, bạn cần phải tự trải nghiệm lấy

Nếu bạn muốn chia sẻ với ai một điều gì đó tuyệt vời, đừng chỉ kể lại câu chuyện của bạn, mà hãy khuyến khích họ làm điều đó. Tôi tin rằng trải nghiệm tuyệt vời nhất là thông qua hành động, không phải chỉ lắng nghe câu chuyện.

Và đây là điều cuối cùng tôi chia sẻ trong bài viết này. Cảm xúc của tôi dâng trào khi lên tới đỉnh núi Yên Tử. Mặc dù tôi không thể nhìn xa quá 10 mét vào ngày hôm đó, thật là đẹp khi lên đến đỉnh núi. Tôi đã chụp thật nhiều hình sử dụng cả chiếc máy ảnh Canon và điện thoại của tôi. Và tôi chợt nhận ra rằng tất cả những hình ảnh tôi ghi lại đều không thể nào đẹp bằng những gì thực tế tôi thấy được. Làm sao mà máy ảnh có thể trọn vẹn ghi lại được mọi thứ nhỉ? Nó chỉ có thể ghi lại được khá nhiều thông tin như màu sắc, hình dáng, … Tuy nhiên, nó thất bại trong việc ghi lại nhiều thứ. Và sẽ không thực tế chút nào khi mong đợi một chiếc máy ảnh có thể trọn vẹn ghi lại hết tất cả mọi thứ, cho dù người chụp có tài giỏi đến đâu.

Thật tuyệt vời khi đứng trên đỉnh Yên Tử. Không từ ngữ nào, không phương tiện nào có thể diễn tả cảm xúc và cái đẹp này đến bất cứ ai, ngoại trừ chính bản thân họ phải lên tới đó và cảm nhận, trải nghiệm nó trực tiếp. Chấm hết. Đó là điều tôi học được khi xem lại những hình ảnh tôi đã chụp, sau khi lên đến đỉnh núi Yên Tử.

Nếu bạn muốn chia sẻ với ai một điều gì đó tuyệt vời, đừng chỉ kể lại câu chuyện của bạn, mà hãy khuyến khích họ làm điều đó. Tôi tin rằng trải nghiệm tuyệt vời nhất là thông qua hành động, không phải chỉ lắng nghe câu chuyện.

Tôi nghĩ rằng đây là blog dài nhất mà tôi đã từng viết. Và nó sắp kết thúc. Độ cao 1068 mét, 6km đường rừng với hàng ngàn bậc thang cắt ngang núi, 4 tiếng leo lên và một vài bài học tuyệt vời cũng như các nghiền ngẫm cho bản thân tôi khi đang chảy mồ hôi leo núi. Tôi đề nghị bạn, vâng BẠN (tôi đang nói chuyện với bạn ;-)), cũng dành thời gian và làm một chuyến leo núi Yên Tử như tôi đã làm vào ngày hôm đó. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thích thú, cho dù bạn đi một mình hay với một nhóm bạn.

6 thoughts on “Thử thách Yên Tử và các bài học

  1. Thanks anh Hùng,

    Hay quá, như duyên lành đến khi tuần tới em lại quay trở lại Yên Tử. Đi lần thứ 4 mà vẫn cứ còn thích đi nữa

    Đoan

    Được gửi từ iPhone của tôi

    Vào ngày 5 thg 12, 2018, lúc 00:45, Viet Hung Nguyen đã viết:

    > >

  2. Cảm ơn anh Hùng vì bài viết rất tuyệt vời! Làm em nhớ lại về đợt em đi trekking Tà Năng Phan Dũng một mình – sau chuyến đi đó về cảm xúc cũng tuôn trào và quả thực đó là một cơ hội để mình trò chuyện với chính mình chất lượng và sâu sắc. Em đang đọc cuốn sách “Tản mạn về hạnh phúc” 🥰

  3. Một bài viết quá hay ạ. Anh thật là giỏi khi đưa rất nhiều bài học ý nghĩa vào một câu truyện trong một chuyến đi.

    1. Đó là những cảm nhận chân thực nhất mà anh có thể ghi xuống trực tiếp mà không kịp suy nghĩ em ạ. Bài gốc anh ghi xuống là tiếng Anh. Ghi một mạch. Ko sợ mất mạch cảm nhận á. Bài dịch Việt phải 4 năm sau anh mới dịch lại.

  4. Em biết KMS, từng xem online talk show của anh về career management, hiện tại em đang đọc sách anh viết. Em cảm thấy chân thực hơn hẳn. Thực sự biết ơn anh rất nhiều.
    Hi vọng một ngày nào đó có duyên gặp a trên đường chạy, một ngọn núi nào đó, hay một quán cf chẳng hạn.
    Chúc anh sức khoẻ và đến gần hơn với sứ mệnh của mình 💙

    1. Cảm ơn em đã chia sẻ cảm nhận của em ở đây. Hãy tin vào thiện pháp và tìm hiểu hành thiền chánh niệm. Mọi câu trả lời cho cuộc sống đều nằm ở đó nhé.

Leave a Reply