Sách hay: Thiền tập về thương yêu

39799277.jpgMột cuốn sách đáng để tham khảo bởi các thiền sinh. Tôi hiện không thực hiện thiền tâm từ, nên phần đề nghị thực hành không phải là phần tôi chú trọng. Nhưng những chia sẻ khác xung quanh các khía cạnh của Phật pháp rất đáng được quan tâm bởi các thiền sinh Phật giáo như tôi. Xin chia sẻ một số đoạn mà tôi tâm đắc.

  • Có lần, người ta thí nghiệm giao cho những ông bà cụ sống trong một viện dưỡng lão, mỗi người một chậu hoa nhỏ. Phân nửa được bảo rằng, họ cần phải chăm sóc lo cho những chậu hoa ấy, như là tưới nước, đem ra nắng, và phải chú ý đến những nhu cầu nhỏ nhặt của chúng. Phân nửa kia thì được bảo rằng, những chậu hoa ấy là để cho họ thưởng ngắm, họ không cần làm gì hết, các y tá trong bệnh viện sẽ lo việc chăm sóc cho chúng. Cuối năm, những người làm thí nghiệm này trở lại và so sánh hai nhóm các cụ này với nhau. Họ khám phá ra rằng, những cụ nào được nhờ chăm sóc cho những chậu hoa của họ, sống lâu hơn bình thường, khoẻ mạnh hơn và yêu đời hơn. Còn những cụ trong nhóm được giao cho những chậu hoa, nhưng không đòi hỏi cần phải săn sóc chúng, thì chỉ bình thường như những người cùng tuổi về các khía cạnh như tuổi thọ, sức khoẻ, sự tỉnh táo và tính yêu đời.
  • Nơi nào tình thương trị vì, sẽ không có sự tham muốn quyền lực. Và nơi nào quyền lực thống trị, sẽ không có mặt của tình thương. Cái này là bóng tối của cái kia – Jung
  • Đức Phật dạy: “Tham ái đưa đến sự bất an và sợ hãi.” Thật ra, tham ái và sợ hãi là hai vòng tròn mà lúc nào cũng quấn chặt lấy nhau. Sợ hãi thường khơi dậy trong ta một sự dính mắc mãnh liệt. Khi ta sợ mất đi một vật gì, ta sẽ cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ nó. Và ngược lại, tham ái sẽ đem đến sự sợ hãi, vì ta không thể tìm được một hạnh phúc vững bền trong một thế giới bấp bênh, luôn biến đổi này. Chúng ta như một người đang bị lún sâu trong một vũng lầy, lại còn tự làm khổ mình vì cứ than thân trách phận. Ta trách mình sao không tìm được một sự an ổn nào trong cuộc đeo đuổi điên rồ và đầy những hão huyền trong cuộc sống này.
  • Tham ái, trong đạo Phật, được gọi là nguồn gốc của khổ đau vì hai đặc tính của nó: tìm kiếm và bảo vệ. Sự tìm kiếm thì vô tận, nó sẽ không bao giờ ngừng nghỉ, sẽ không bao giờ chấm dứt. Còn bảo vệ có nghĩa là ta cố gắng giữ cho nó không thay đổi, không hư hoại. Nhưng điều đó chỉ tạo nên sự sợ hãi và bất an mà thôi, vì bất cứ những gì ta có thể nhận thức quan thân và tâm này đều là vô thường.
  • Tâm từ không hề bị lệ thuộc vào vấn đề mua chuộc hay là đổi chác. Tham ái thì nói rằng: “Tôi thương anh, tôi sẽ chăm sóc cho anh, tôi sẳn sàng cho anh tất cả, nhưng với điều kiện là anh phải làm đúng theo kỳ vọng của tôi và thoả mãn những nhu cầu của tôi.” Tình thương đó thì rất bị giới hạn, vì nó chỉ dành riêng cho những ai có thể đáp ứng lại những gì mình muốn mà thôi. Ta thương một người nào, và nếu họ làm ta thất vọng, ta sẽ không còn thương họ được nữa. Thứ tình thương hạn hẹp ấy được đặt trên nền tảng của sự tham ái và dính mắc. Nhiều khi ta tưởng rằng mình đang có tâm từ đối với một người nào, nhưng thật ra là ta đang có lòng tham ái và dính mắc với người ấy.
  • Một người bạn đồng sự của tôi, cũng giống như tôi, khi đi hướng dẫn những khoá tu, anh ta vẫn giữ nghi thức đảnh lễ trước bàn Phật khi bước vào thiền đường, trước mỗi buổi ngồi thiền. Anh kể, có lần sau giờ ngồi thiền, anh nhận được hai tờ giấy từ những thiền sinh có mặt trong buổi hôm ấy. Một tờ viết: “Tôi thấy ông quỳ lạy tượng Phật và tôi cảm thấy đó là một điều sỉ nhục. Tôi nghĩ đó là một hành động rất mê tín và mù quáng, và ta không cho phép nó có mặt ở nơi này. Tôi yêu cầu ông đừng nên quỳ lạy như vậy nữa!” Và tờ giấy kia viết: “Tôi thấy ông quỳ lạy trước bàn Phật, và tôi muốn được chia sẻ rằng đó là một việc làm tôi xúc động nhất trong khoá tu này. Nó khiến cho những ngày tu học của tôi ở đây trở nên kỳ diệu hẳn lên. Tôi thành thật cảm tạ và biết ơn hành động ấy của ông!”
  • Đức Phật dạy: “Ta không bao giờ tránh được sự chê trách của cuộc đời này. Nếu ta nói nhiều, sẽ có một số người chê bai ta. Nếu ta nói ít, sẽ có một số người chê bai ta. Và nếu như ta không nói gì hết, cũng sẽ có một số người chê trách ta.” Bản chất của cuộc đời này là như vậy. Không ai trên đời này chỉ có hạnh phúc mà không khổ đau, được mãi mà không thua. Hiểu được sự thật này, ta thấy mình không cần phải trốn tránh hoặc bám giữ vào bất cứ một sự việc nào hết. Thay vì cố gắng kiểm soát những gì ngoài khả năng của mình, ta có thể tìm được an ổn trong khi đối diện với những gì đang thật sự có mặt. Thay vì phê phán, chúng ta hãy nuôi dưỡng một tâm thức quân bình, có thể tiếp nhận bất cứ một việc gì xảy ra, không kỳ thị. Và thái độ chấp nhận ấy là nguồn gốc của sự tự tin và an vui của ta.
  • Chúng ta biết rằng, hễ mình trồng cây nào thì sẽ có quả ấy. Trồng táo thì có trái táo. Trồng ớt thì sẽ có trái ớt. Luật tự nhiên là vậy. Giả sử như ta trồng táo, và rồi cầu nguyện, than khóc, van xin cho nó đừng sinh ra táo mà sinh ra xoài, có được không? Nếu ta muốn có xoài để ăn, thì chỉ có một cách duy nhất là ta hãy gieo trồng hạt giống xoài mà thôi. Cũng y như vậy, tác ý hay động lực đứng phía sau, thúc đẩy lời nói và hành động của ta, chúng là những hạt giống mà ta đang gieo trồng. Tác ý nào chắc chắn sẽ mang lại quả trái ấy, thích hợp với nó. Đó cũng là định luật muôn đời của vũ trụ. Những tác ý thiện, như là từ bi, thành thật, giúp đỡ, nếu được biểu lộ ra thành hành động, lời nói, thì chắc chắn một ngày nó sẽ kết thành quả trái an lạc và hạnh phúc. Những tác ý bất thiện, như là tham lam, sợ hãi, sân hận, nếu ta nói và làm theo chúng thì một ngày ta sẽ gặt quả trái khổ đau. Không có một hành động nào mà lại không có một hậu quả.
  • Gieo nhân nào ta sẽ gặt quả ấy. Thế cho nên, nghiệp quả cũng là nguồn gốc của mọi hiện tượng, và mọi việc xảy đến cho ta là do mình tạo nên. Vì vậy, tác ý nào sai sử, thúc đẩy hành động ta, sẽ quyết định cho hạnh phúc và khổ đau của mình, chứ không phải vì sự mong cầu của ta hay của bất cứ một người nào khác. Luật nghiệp quả giúp ta thấy rõ trách nhiệm cá nhân của mình, cũng như tính chất cần thiết của sự buông xả.
  • Đức rộng lượng phải là điểm khởi đầu của con đường tu tập.
  • Khi ta thật sự biết thương mình, ta sẽ không dám làm hại một ai khác, vì tất cả chúng ta đều có liên hệ mật thiết với nhau. Bảo vệ kẻ khác cũng là bảo vệ chính ta.
  • Ta không thể nào ban ngày hành động bất chấp hậu quả, rồi buổi tối ngồi kiết già trên toạ cụ, và muốn kinh nghiệm được sự giải thoát. Mỗi phần trong sự sống của ta đều phải ăn khớp với tất cả những phần khác. Ta không thể nào bỏ phần này và chỉ giữ phần kia.
  • William Butler Yeats viết: “Chúng ta có thể làm tâm mình trở thành một mặt hồ tĩnh lặng để người khác quây quần chung quanh, và họ sẽ thấy được hình bóng của chính họ. Vì vậy, hãy sống một cuộc đời trong sáng hơn, và có lẽ mãnh liệt hơn, với sự tĩnh lặng của mình”

 

One thought on “Sách hay: Thiền tập về thương yêu

Leave a Reply