Hãy cho phép họ ra đi

Nhân dịp bàn đến một trường hợp thương tâm, bệnh nặng, còn trẻ và vợ thì đang có thai em bé đầu lòng vào buổi sáng với một đồng nghiệp, … tối đến đọc được câu chuyện này. Lên đây chia sẻ để mọi người tham khảo.

Sự dính mắc luôn luôn là gánh nặng vô hình chúng ta đang mang trên người mỗi ngày mà chúng ta có khi không hề hay biết. Như một lời dạy của Sư Ajahn Brahm, hạnh phúc chính là sự buông xả đến tận cùng. Nhưng trước hết, chúng ta cần biết chúng ta đang dính mắc cái gì để còn có thể buông xả, buông xả đến tận cùng.

HÃY CHO PHÉP HỌ RA ĐI
Bạn có thanh thản khi nghĩ đến cái chết sắp đến không?
Đó là câu mà tôi thường hỏi những người đang cận kề cái chết, tôi trấn an họ rằng chết là lẽ thuường tình trong cuộc sống và họ có thể ra đi trong sự bình an và nhân phẩm cao quý.
Nhiều người trong số họ cho tôi biết họ hoàn toàn thanh thản trước cái chết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ người thân và bạn bè của họ không để họ ra đi. Họ hết sức đau khổ khi cứ phải nghe người thân than khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con ra đi!”
Steve là một Phật tử trẻ khoảng 30 tuổi. Anh có một công ty du lịch chuyên đưa khách du ngoạn bằng bè đến những nơi đẹp nhất trên thế giới. Nhưng bất hạnh thay, anh đang chết dần vì căn bệnh ung thư.
Tôi đã đến thăm Steve và Jenny là vợ anh ấy nhiều lần, và thật lòng mà nói, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh vẫn chưa qua đời và cứ phải chịu đựng căn bệnh. Tại sao anh ta cứ vương vấn như vậy?
Tôi bèn quay sang Jenny và hỏi cô ấy: “Cô có cho phép Steve ra đi chưa?”
Không trả lời, Jenny bò lên giường, dịu dàng choàng tay quanh người chồng tiều tuỵ, hốc hác và nói với người đàn ông mà cô yêu thương. “Steve, em cho phép anh ra đi. Em không sao đâu, anh hãy ra đi.” Nói rồi, họ ôm nhau khóc.
Hai ngày sau đó, Steve đã qua đời.
Tôi vẫn thường hay bảo người thân và bạn bè của một người sắp qua đời hãy tặng cho họ một món quà lớn nhất, đó chính là cho phép họ ra đi. Bạn có thể làm điều đó tuỳ theo cách riêng của mình, nhưng đó chính là món quà giúp cho người mà bạn yêu quý được tự do.

Một câu chuyện xúc động và đáng để suy ngẫm của Sư Ajahn Brahm trong cuốn Buông bỏ buồn buông.

Câu chuyện trên mới nói đến chuyện người gần chết đã sẳn sàng, nhưng bị sự dính mắc của người thân kéo lại. Và ngược lại, người bệnh cũng sợ chết, lắm lắm. Cũng chính vì sự dính mắc mà thôi. Một vòng đau đớn. Vấn đề là khi vào trạng thái sức khoẻ và tinh thần xuống cấp rồi thì đâu còn minh mẫn nữa. Nên cứ vậy mà tâm trí lại càng luẩn quẩn.

Nên mới thật sự cần rèn luyện tinh thần khi còn khoẻ mạnh, để có thể buông bỏ sự dính mắc trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống, như việc sắp chết. Thực tế thì cuối cùng ai cũng phải đối diện với sự việc này. Đối diện với nó trong sự cô đơn tột cùng, khó ai khác có thể can thiệp được một cách trực tiếp vào tiến trình này, ngoại trừ bản thân. Nếu ra đi trong bình an, thanh thản thì chắc chắn luôn tốt hơn việc ra đi trong đau khổ và dày vò về tâm hồn.

Chỉ có thể chuẩn bị và rèn luyện tâm trí, khi còn khoẻ, còn có thể.

One thought on “Hãy cho phép họ ra đi

  1. “Bao nhiêu năm làm kiếp con người…..Cho trăm năm vào chết một ngày”.
    Ngay cả khi họ đã ra đi rồi, hãy tiếp tục cúng dường đến họ bằng trái tim sáng, nhẹ, an lành.

Leave a Reply to Hiền PhạmCancel reply