Sách hay: Vô úy tự do – Bí mật của hạnh phúc

01

Những bậc thầy về giác ngộ luôn có những lời dạy làm bản thân chúng ta phải ngỡ ngàng, ngạc nhiên, sửng sốt, phấn khích và biết ơn. Cuốn sách ngắn này là tập hợp các bài viết dịch ra tiếng Việt của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Chỉ là một cuốn sách ngắn nhưng vẫn hào hùng với những lời lẽ tỉnh thức để thức tỉnh mỗi một chúng ta cho một cuộc sống hướng thiện, tích cực, và lạc quan. Để sống hạnh phúc và vô lo, chúng ta cần phải “xử lý” sự sợ hãi, sân giận, ham muốn và sự thiếu hiểu biết của chính bản thân ta. Ở đây tôi cố gắng ghi lại một số trích dẫn mà tôi tâm đắc để mọi người tham khảo.

  • Nói như vậy, không có nghĩa tham muốn là xấu và sợ hãi là xấu, bởi vì đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Và cuộc sống cần phải được “trải nghiệm” một cách tự nhiên, không thao túng, nguỵ tạo. Nếu có vui thích hay sợ hãi xuất hiện, dù trong bất cứ hình thức nào, chỉ cần chúng không gây chướng ngại cho ta, thì hãy cứ sống với chúng. Tất nhiên, bạn sống với chúng theo cách khác, tức là phải luôn chính niệm, tỉnh giác, và sáng suốt.
  • Thậm chí, tôi không cho rằng những cảm xúc nói trên – cảm xúc tham muốn, sân giận hay ghen tỵ, là những độc tố mà bạn cần lẩn tránh hay thù ghét. Tôi nghĩ chúng là một phần của cuộc sống. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra. Bạn là người phải thích nghi với cuộc sống chứ cuộc sống sẽ không bao giờ thích nghi với bạn. Chúng ta luôn ngạo mạn, muốn thao túng, nguỵ tạo và kiểm soát cuộc sống, nhưng điều này là không thể. Chính vì thế, cuộc sống phải được tôn trọng. Vậy bạn phải trân trọng cuộc sống như thế nào? Bằng cách nào bạn có thể tỉnh giác để đối mặt với cuộc sống? Đây là một câu hỏi đầy ý vị và nếu là người sáng suốt, bạn hãy suy ngẫm tường tận về câu hỏi này.
  • Sống trong thực tại là vô cùng quan trọng, thay vì đổ lỗi cho mọi thứ. Chẳng hạn, bạn đổ lỗi cho thời đại, đổ lỗi cho bạn bè hoặc người nào đó đã làm bạn sân giận, thoái chí, bực bội, nhưng rốt cuộc bạn đã làm gì? Bạn chẳng hề có giải pháp đúng đắn. Giải pháp của bạn là tiếp tục tranh đấu theo bản năng và làm cho đời sống của mình, của cả gia đình và xã hội thêm hỗn loạn. Có lẽ điều này sẽ tạo ra ngày càng nhiều khổ não trong đời sống, bạn có thể thấy nó một cách rõ ràng. Giải pháp đúng đắn cho bạn là đối mặt với thực tế, không đổ lỗi cho bất kỳ ai.
  • Đổ lỗi không phải là cách tồn tại chân thực trong thế giới này, nó chỉ bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, cảm giác bất an và sự thiếu ý thức về tự do. Chính vì lẽ đó mà chúng ta luôn rất phụ thuộc vào mọi người, vào những sự vật bên ngoài và hoàn toàn bám chấp vào những thứ đó.
  • Hạnh phúc mà chúng ta cảm nhận sẽ hoàn toàn khác khi trong ta không còn sợ hãi, khi ta đã suy xét, quán chiếu tận tường cái Tôi đang làm gì và cái Tôi là gì. Dù cho bạn ở trong hoàn cảnh hỗn loạn hay trong trạng thái được gọi là hạnh phúc, dù cho bạn có bị xáo trộn trong công việc hay do hoàn cảnh bên ngoài thì ở bên trong, tâm bạn vẫn bình ổn, bạn có thể nương tựa vào đó. Ngay khi đó, chắc chắn bạn không cần nương tựa vào người khác bởi bạn đã độc lập “ở bên trong”.
  • Là một người bình thường, bạn cũng có thể cảm nhận được thế giới này luôn có những người bạn mong muốn được chung sống và chia sẻ. Cho dù họ không phải là những người vĩ đại thì những phẩm hạnh như bao dung, kiên nhẫn, tình bạn chân thật không vị kỷ của họ cũng toả ra một từ trường và không gian an lành tới những người xung quanh, bởi phẩm hạnh đó vốn ở bên trong họ. Song nhiều người lại hành động theo phương cách ngược lại, mặc dù bề ngoài có vẻ hoàn toàn tốt đẹp nhưng nếu bạn ngồi với họ chỉ trong vài phút, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và tồi tệ. Tần số dao động của bầu không khí này hoàn toàn khác vì nội tâm họ lầm lạc, chẳng có chút tình thương nào hiện diện ở đó. Tâm của họ tràn đầy sợ hãi. Dù không cố ý, họ đang biến môi trường bên ngoài trở nên tiêu cực, bất ổn.
  • Nếu còn sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ chịu bố thí và nếu có chia sẻ thì cũng kèm theo điều kiện. Như vậy bạn sẽ tạo nên rắc rối cho người nhận và cho chính bản thân bạn. Bạn sẽ không hoan hỷ, bởi bạn không biết chắc có nên cho hay không và vì thế bạn sẽ rất đau tiếc.
  • Bạn không nên đổ lỗi cho thời đại, cho bất kỳ ai khác, kể cả cho chính mình. Chẳng hạn, khi bạn làm điều gì xấu, không nên đổ lỗi hay tự trách mình. Vì như vậy, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Tôi không nói là bạn chưa từng đổ lỗi, nhưng thực sự đó là một tình huống rất khó. Việc hối hận đổ lỗi cho chính mình là hoàn toàn vô ích. Thay vì vậy bạn nên đổ lỗi cho sự ngộ nhận sai lầm về cái Tôi. Bạn nên nói rằng: “Vì tôi ngộ nhận sai lầm nên đã làm điều sai trái này, nhận thức của tôi trở nên không được sáng suốt. Tôi đã ngộ nhận.”
  • Điều này có nghĩa là những hành động xấu xa, tội lỗi, những nghiệp bất thiện mà bạn đã tạo có thể là một bài học rất hữu ích để bạn nhận ra cội nguồn chân hạnh phúc, chính là sự độc lập, tự do thay cho niềm ân hận: “Tôi đã làm điều tồi tệ đó, tôi thật vô dụng, tôi thấy xấu hổ với chính mình.” Sự hối tiếc này là một kiểu sân giận, bạn đang ngày càng trở nên sân giận với chính mình. Khi đó, bạn đang thúc đẩy một hình thức sân giận khác tức là sự sân giận với chính mình. Tôi không cho rằng sự ân hận hay sân giận với chính mình là tốt và lành mạnh, nhưng tất nhiên còn tuỳ thuộc vào sự đánh giá và nhìn nhận của bạn.
  • Khi sợ hãi điều gì, chúng ta nên chuyển nỗi sợ hãi đó thành bài học. Nó sẽ trở thành trải nghiệm tuyệt vời và là nhân dẫn đến giải thoát.
  • Bởi vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợ hãi, hãy trân trọng sự sợ hãi như một phần của cuộc sống và hãy tận dụng, chuyển hoá nó hơn là mặc kệ nó hoặc bám chấp vào nó và tăng trưởng lòng sân giận nơi mình. Sân giận cũng là một hình thức khác của sợ hãi, nó sẽ thúc đẩy chúng ta đến hành động bất thiện. Khi sợ hãi xuất hiện chúng ta cần tỉnh thức để quán chiếu xem sợ hãi từ đâu đến, do những nghiệp gì tạo nên, rồi cố gắng tìm ra giải pháp để chuyển hoá và tận dụng nó. 
  • Bạn nên cố gắng trực diện và chuyển hoá nổi sợ hãi hơn là né tránh hoặc chạy trốn. Nỗi sợ hãi cũng là một phần của thực tại mà chúng ta cần phải học cách chế ngự. Nếu bạn chạy trốn tức là bạn trốn khỏi thực tại, điều này thực sự không tốt. Trí tuệ không là gì khác ngoài việc biết sống tỉnh thức trong thực tại và tìm cách chuyển hoá những nghịch cảnh xung quanh mình!
  • Nói một cách thực tiễn, thì tốt hơn hết bạn hãy tìm ra nguyên nhân và cội rễ của hành động đổ lỗi, khi đó bạn sẽ có hiểu biết đúng đắn và sẽ có thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu để trở nên bình đẳng, hoà hợp và tự chủ với mọi người. Nếu bạn cứ tiếp tục đổ lỗi cho người khác thì hành động này một lần nữa tạo ra những hỗn loạn cho bạn và thế giới xung quanh. Thế giới này hiện đã có quá nhiều mâu thuẫn, chiến tranh, xung đột và tất cả những thứ tương tự, … Nguyên nhân căn bản của những xung đột này là vì mọi người không thấu hiểu lẫn nhau nên không có cách để tìm ra giải pháp đúng đắn. Trái lại, giải pháp của họ cứ luôn bị chi phối bởi xu hướng nhị nguyên, tức là có sự phân biệt và chấp tủ vào “bản ngã” và “đối tượng”, “ta” và “người”,…
  • Khi biết mình đang sợ hãi, bạn phải coi trọng, tận dụng cơ hội này như một phần trong đời sống, hơn là bỏ mặc hay phát triển và biến nó thành thù hận.
  • Tôi luôn thấy nhiều người trong chúng ta sợ hãi không dám nhìn vào chính mình như soi một tấm gương, thế nhưng chúng ta lại luôn soi xét người khác qua lăng kính phóng đại. Thậm chí đôi lúc, chúng ta còn có thể nhìn thấy cả hạt bụi bám trên da họ, để rồi phàn nàn rằng họ bẩn quá. Cứ như vậy, chúng ta khiến mình trở nên thảm hại, tiêu cực, bạc nhược. Trước tiên, chúng ta cần có can đảm nhìn vào gương và thấy mình trong đó thật rõ ràng. Biết được những điểm yếu của mình cũng là một cách để sống Vô Uý, vì chỉ khi nào biết rõ và chấp nhận các yếu điểm của mình, bạn mới có thể yên tâm nói “Được rồi, giờ mình cần phải thay đổi để hoàn thiện bản thân.”
  • Để bắt đầu quy y, chúng ta nên có chính kiến, một thái độ đúng đắn. Để quy y, chúng ta cần phải có trí tuệ xả ly từ bên trong. Trí tuệ hiểu biết về bản chất của luân hồi, của khổ đau, hạnh phúc và của đời sống thường nhật là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không hiểu gì về những điều này, thì cho dù bạn có thọ tam qui và giới nguyện hay tự gọi mình là hành giả tâm linh, thiền giả hay Phật tử, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì bạn không làm gì cả. Trí tuệ (chính kiến) rất quan trọng cho tất cả mọi việc, và đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn muốn bước vào con đường tâm linh, bởi vì một người phải hiểu rõ toàn bộ những gì đang xảy ra trong cuộc đời mình. Nếu bạn hiểu rõ về cuộc sống của mình, thì bạn sẽ nhậm vận hướng theo con đường tâm linh. Không có vấn đề gì dù bạn hiểu hay không hiểu về sự khác biệt giữa các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo,… bạn sẽ thực sự cảm thấy những sự thay đổi bên trong tâm của bạn.
  • Nếu bạn không thể phá bỏ được những xúc tình tiêu cực ấy, không thể kiểm soát được tâm sân giận của mình, có thể rốt cuộc bạn sẽ giết hại kẻ thù của mình. Gia đình họ hàng quyến thuộc của kẻ thù sẽ truy đuổi bạn và kết quả là bạn có thêm nhiều kẻ thù hơn. Nếu giết hại 100 kẻ thù, bạn sẽ có thêm 5000 kẻ thù khác. Bạn sẽ chỉ làm tăng thêm chứ không làm giảm đi những quả báo bất thiện. Vì vậy nên bạn đừng nghĩ tới chuyện loại bỏ kẻ thù bên ngoài của bạn. Thay vì thế, bạn cần phá huỷ tâm sân giận bởi đó chính là kẻ thù bên trong của bạn.
  • Xét từ góc độ từ bi nhân ái, từ góc độ tâm linh hay thậm chí từ góc độ xã hội, sân giận là một điều vô cùng xấu xa. Mọi người có thể sẽ không chê bai trước mặt bạn, nhưng khi vắng mặt họ sẽ nói với nhau: “Không nên gần gũi người đó”. Vì vậy chúng ta cần phải kiểm soát được tâm mình.

2 thoughts on “Sách hay: Vô úy tự do – Bí mật của hạnh phúc

  1. Chào anh !

    Em đang tìm kiếm một nội dung về cách sống thực hành những lời Phật dạy nên biết đến bài viết này. Cảm ơn anh đã chia sẻ cuốn sách và những thứ anh tâm đắc trong cuốn sách này- nó đã giúp em hiểu hơn cách sống ” trải nghiệm một cách tự nhiên”.

  2. Theo những gì H biết thì cách để sống và thực hành những lời Phật dạy một cách đơn giản, nhưng sâu sắc và hiệu quả nhất chính là việc hành thiền. Bạn có thể đọc thêm các chia sẻ về thiền ở đây: http://www.saigonmeditationproject.com. Đó là dự án mà H đang tiến hành trong vai trò admin. Cầu mong mọi an lành và sức khoẻ đến với bạn và gia đình trong mùa Giáng sinh 2016 và năm mới.

Leave a Reply