[Đang viết] Tản mạn về Hạnh phúc #2

Ngắm nhìn sen nở – Rực rỡ và tươi sáng!

Cuốn sách này là món quà đặc biệt tôi dành tặng những người gần gủi bên cạnh tôi nhất: vợ, con gái và mẹ – những người đã luôn sát cánh trong cuộc sống của tôi, chăm lo chu đáo cho tôi mỗi ngày.

Tôi đang trong giai đoạn hoàn thành bản thảo cho cuốn sách thứ hai của tôi với tựa đề “Tản mạn về Hạnh phúc #2”, tiếp nối cuốn Tản mạn về Hạnh phúc được phát hành vào cuối năm 2019. Có lẽ cũng phải vài tháng nữa thì cuốn sách mới lên kệ được. Và tôi sẽ tiếp tục với việc chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Anh. Dưới đây, tôi trích dẫn một vài đoạn từ cuốn sách để chia sẻ đến các bạn độc giả. #beHATT!

Lời mở đầu

Tôi sẽ bắt đầu với một sự kiện mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc đời của tôi. Câu chuyện xảy ra hơn 10 năm về trước, khi ba tôi qua đời ở tuổi 83. Sự kiện đột ngột đó khiến tôi thấy cần phải tìm hiểu một cách thật sâu sắc về sự sống và cái chết, mà đích đến cuối cùng chính là một chân hạnh phúc cho bản thân. Tôi nghĩ cuối cùng thì ai cũng chỉ muốn tìm đến với hạnh phúc mà thôi, với một sự thực rằng cuối cùng rồi ai cũng phải rời khỏi cuộc đời này. Đó là điều tất yếu. Và tôi mong có được một cái chết yên bình mà ba tôi đã có được: một khuôn mặt yên bình, một cơ thể mềm mại, đang từ từ trở về với cát bụi.

Tôi là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị em. Khoảng cách về tuổi tác giữa tôi và ba tôi khá lớn. Tôi sinh ra khi ông đã hơn 50 tuổi, sau chiến tranh Việt Nam. Ba tôi ra đi vào một buổi sáng cuối tháng 7 âm lịch, nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ bình thường. Tôi kịp về nhà vào buổi chiều và làm thủ tục tẩm liệm, tận tay trực tiếp đưa xác ba tôi vào quan tài. Ông nằm đó, bình an, thư giãn, như chìm vào một giấc ngủ sâu. Tôi đã vô cùng hạnh phúc khi thấy được hình ảnh này. Mặc dù, tôi vốn dĩ rất sợ những gì liên quan đến cái chết, xác chết, quan tài và bệnh viện. Và cuối cùng thì tôi cũng phải trực tiếp trải nghiệm một đám tang trong gia đình, của chính người cha ruột của mình. 

Vào thời điểm đó, tôi thực sự bối rối. Tôi hoàn toàn không có bất cứ một chuẩn bị nào cho sự kiện tâm linh quá lớn này. May mắn thay, gia đình nhà vợ tôi biết việc, đã giúp chuẩn bị và lo lắng hết mọi thứ cho tang lễ, bao gồm các nghi thức tang lễ Phật giáo.

Trong quá trình tang lễ, kỳ diệu thay, sau mỗi một nghi thức tụng niệm mà các Chư Tăng, Ni thực hiện, lòng tôi lại càng cảm thấy nhẹ nhàng, mát mẻ, an định, và thanh thản hơn. Trực giác đã mách bảo cho tôi rằng, mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp. Và trải nghiệm này đã chuyển thành một sự thôi thúc trong tôi cho hành trình tìm hiểu chuyên sâu hơn về Phật pháp.

Trước đó, tôi đã có ý định tìm hiểu một cách nghiêm túc về Phật giáo, mặc dù gia đình tôi vốn vô thần, không theo một tôn giáo nào cả. Nhưng từ sâu thẳm trong thân và tâm, tôi biết bản thân cần phải làm điều đó, mà thú thật là tôi cũng không thể thực sự giải thích được vì sao tôi lại có niềm tin đó, niềm tin vào Phật pháp. Tuy nhiên, công việc và cuộc sống mưu sinh đã luôn chiếm phần ưu tiên cao hơn. Nên tôi rốt cuộc thì tôi cũng đã chưa sắp xếp được để đầu tư thời gian và tìm hiểu về Phật pháp.  

Sự ra đi bất ngờ của ba tôi, khuôn mặt bình yên của ông cũng như các trải nghiệm yên bình trong suốt đám tang đã khiến tôi phải dừng lại, suy nghĩ và đặt cho bản thân câu hỏi về sự sống và cái chết. Một câu hỏi lớn và rất khó để có thể được giải đáp chỉ bằng một câu trả lời đơn giản.

Sau tang lễ, với phương tiện chủ yếu là đọc, tôi đã máy móc, tìm kiếm sách vở về Phật giáo để đọc cũng như nghe từ kho sách nói trực tuyến rất phong phú, vốn dĩ miễn phí và sẳn sàng trên mạng Internet vào thời đại kỹ thuật số ngày nay. Và tôi đã đọc khá nhiều cuốn sách của các tác giả nổi tiếng về Phật pháp. Tôi cũng đọc thêm một vài cuốn sách về nghiên cứu cận tử, sự sống sau cái chết của các học giả phương Tây. Tôi nhận thấy một điểm chung của các cuốn sách về Phật pháp mà tôi đã đọc là việc nhất quán đề cập đến pháp môn thiền tập, như là một phương tiện để những ai thực hành Phật pháp có thể thực sự trải nghiệm, chứng thực giáo lý và tìm được chân hạnh phúc trong cuộc sống này.

“Khi học trò đã sẳn sàng thì vị thầy sẽ xuất hiện.” Đó là một câu ngạn ngữ cổ xưa. Và quả đúng là như vậy. Giờ đây, khi ngồi xem lại và kết nối những sự kiện đã xảy ra trong hơn 10 năm qua, những gì tôi đã mong muốn tìm kiếm và học hỏi, thì bằng một cách nào đó, tôi đều có thể tìm thấy câu trả lời qua những lời dạy trong một cuốn sách tôi đọc được hoặc có duyên lành trực tiếp gặp gỡ được các bậc thầy để tìm được lời giải đáp. Bạn có tin vào điều đó không?

Và thế là tôi đã đến với Phật pháp và thiền. Càng chuyên chú thực hành, tôi càng thấy được những điều tưởng chừng như rất nghịch lý, nhưng lại xảy ra hàng ngày trong cuộc sống này như là một chân lý. Chính từ những góc nhìn này đã giúp tôi đối trị được với rất nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống này một cách hợp lý nhất, một cách nhẹ nhàng nhất, một cách con người nhất. Và đó chính là khởi nguồn của hạnh phúc, khi tôi có thể giữ được một tâm bình an và tĩnh lặng giữa muôn vàn điều không như ý muốn trong cuộc sống này.

Trong cuốn sách này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã trải nghiệm, những suy nghĩ, những đề nghị và những bài học tôi rút ra được trong quá trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Tôi tin rằng, bạn cũng như tôi, chúng ta đều cùng chia sẻ một mong muốn tột cùng là việc tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Qua việc chia sẻ câu chuyện cá nhân, tôi hy vọng điều đó sẽ truyền được cảm hứng (thật nhiều cảm hứng) đến các bạn, những người đang cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, với một mong muốn cuối cùng là bạn ngày càng an nhiên hơn, tự tin hơn và viên mãn hơn khi đối diện với những khó khăn, thử thách không tránh khỏi trong cuộc sống này. 

Sau khi cuốn sách đầu tiên của tôi, Tản mạn về Hạnh phúc, được xuất bản vào cuối năm 2019 (cả tiếng Việt và tiếng Anh trên nền tảng KDP của Amazon), đây là cuốn thứ hai tiếp nối mạch viết của cuốn thứ nhất. Một số nội dung được tôi viết từ trước đó, nhưng chưa từng chia sẻ với ai. Phần còn lại là các bài viết trên trang web cá nhân mà tôi đã viết xuống trong một năm vừa rồi, sau khi xuất bản cuốn sách đầu tay.

Tôi luôn ghi nhớ một câu chuyện ngắn đầy ý nghĩa của Ngài Mahatma Gandhi đại loại như sau: khi một phóng viên đề nghị Ngài gửi lại một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, Ngài đã bảo rằng, Ngài chẳng có gì để nhắn nhủ cả. Bởi vì, tất cả những gì Ngài muốn nói đã nằm ở chính ngay trong hành động mỗi ngày của Ngài. Thật sâu sắc. 

Tôi rất thích phương châm sống này. Tôi không thấy mình có trách nhiệm phải gồng mình nhắn nhủ, thuyết phục, “tuyên truyền” cho ai về một điều gì cả. Và thực ra, thật là khó, nếu như không nói là không thể, để thuyết phục hay thay đổi bất cứ một ai, nếu bản thân họ không muốn thay đổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không nhắn nhủ, không gửi thông điệp đến những người xung quanh bạn. Bạn không nên quay lưng lại với thế giới này như thế. Bởi vì điều đó sẽ khiến cuộc sống của bạn thật cô đơn. Cách nhắn nhủ tốt nhất, thuyết phục nhất đến những người xung quanh chính là qua từng suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn phát ra đều đặn mỗi ngày. Nếu đó là những suy nghĩ, hành động và lời nói đúng đắn, thiện tính thì chắn chắn rằng điều đó sẽ truyền thật nhiều cảm hứng đến những người xung quanh và tạo ra các ảnh hưởng tích cực, cho dù bạn chẳng đặt một mong muốn nào về sự ảnh hưởng của mình lên những người xung quanh.

Trong cuốn sách thứ hai này, tôi chọn tiếp tục chia sẻ các bài viết trên trang web của tôi cũng như một số bài viết khác mà tôi chưa chia sẻ cho ai bởi vì đó chính là câu chuyện về cuộc đời của tôi, những thay đổi, những bài học mà tôi đã đi qua và chiêm nghiệm. Con người chúng ta, bất chấp màu da, bất chấp chủng tộc, bất chấp đẹp xấu, bất chấp giàu nghèo, bất chấp địa vị đều có cùng một điểm chung. Đó là việc cùng chia sẻ các qui tắc vận hành thân và tâm đang xảy ra một cách tự động trong mỗi một giây phút ở bên trong mỗi chúng ta, theo đúng qui luật của tự nhiên. 

Do đó, tôi tin rằng, bạn có thể tìm thấy mình ở đâu đó trong các câu chuyện của … tôi. Và tôi hy vọng từ đó, bạn có thể tìm thấy được được sự đồng điệu, và trên hết thảy nguồn cảm hứng để các bạn có thể có một niềm tin mạnh mẽ vào việc hạnh phúc là có thật, là trong tầm với, trong muôn vàn những gì gọi là nghịch cảnh, là thử thách trong cuộc sống này, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch toàn cầu đang đặt quá nhiều âu lo, căng thẳng lên cuộc sống và gia đình của chúng ta.

Tôi cũng quyết định sẽ tiếp tục cuốn sách thứ hai như là một cuốn kế tiếp cho cuốn thứ nhất và không đặt tên mới cho cuốn sách này. Đây chỉ là sự tiếp nối của hành trình cuộc đời của tôi. Nó đã là một phần trong hành trình hạnh phúc của tôi. Và cũng như bất cứ thứ gì trên trái đất này, thân và tâm của tôi đã và vẫn đangthay đổi từng ngày. Tôi quá đỗi vui mừng khi cảm nhận được rằng tôi đang đi đúng hướng về phía hạnh phúc, trong từng bước chân nhỏ của cuộc hành trình lớn này. Chắc chắn sẽ còn tiếp các cuốn thứ ba, thứ tư, … cho đến lúc tôi tạm dừng cuộc hành trình này trong cuộc sống hiện tại, để tiếp tục con đường tâm linh của mình trong cuộc sống kế tiếp. Tôi hy vọng câu chuyện của tôi cũng sẽ trở thành câu chuyện của bạn, trong ngữ cảnh thực của cuộc sống của riêng bạn. Và những gì tôi đã trải qua có thể mang đến nhiều thật nhiều cảm hứng cũng như các đề nghị hữu ích cho chính cuộc sống của các bạn, về phía ý nghĩa hơn, về phía hạnh phúc hơn.

Sau cuối, tôi xin có vài lời tri ân đến các Bậc Thầy mà tôi đã tìm được trong hành trình hạnh phúc của tôi. Có những vị tôi chỉ có thể học qua sách vở, Internet. Có những vị tôi đã vô cùng may mắn được đảnh lễ và nhận lãnh trực tiếp sự dạy dỗ từ các Thầy, các Ngài. Con xin thành kính tri ân những Bậc Thầy đã đến với cuộc đời của con, bằng cách này hay cách khác. Con tự biết mình đã rất may mắn khi nhận được những lời dạy vô giá của các Thầy, các Ngài trên mỗi bước đi trong cuộc đời của con, hành trình hạnh phúc. Các Thầy và các Ngài đã đi trên con đường hạnh phúc này và đã truyền cho con một đức tin lớn lao rằng: ai cũng có quyền, cũng như đủ tiềm năng để đi trên con đường hạnh phúc này. Đó là hành trình tìm về hạnh phúc đích thực cho bản thân con cũng như cho những người thân và bạn bè xung quanh con. Các Thầy và các Ngài luôn là những vị thầy truyền cảm hứng cho mỗi một bước đi của con trên con đường này. Cuốn sách này chính là một trong những kết quả từ nguồn cảm hứng vô tận trên hành trình này, mà con đã và đang từng bước tự tin, quyết đoán và hạnh phúc tiến về phía trước.

Cũng như cuốn sách đầu tay của tôi, các bài viết trong cuốn này cũng như là những tách cà-phê tươi mới mỗi ngày mà các bạn có thể nhâm nhi, trong thư giãn, không vội vã. “Thư giãn” cũng chính là thông điệp mà tôi liên tục đề cập đến trong các chia sẻ của tôi. Đó là một từ khoá quyết định. Cầu mong mọi thuận lợi và sức khoẻ đến với các bạn. #beHATT.

Nhưng trước hết, hạnh phúc là gì?

Câu hỏi cơ bản và ngắn này không phải là một câu hỏi dễ để có được câu trả lời. Câu hỏi này đã theo tôi khá lâu, trước khi tôi có thể tìm được cho bản thân một kết luận ngắn gọn và mang tính định hướng cho con đường dẫn đến hạnh phúc của tôi.

Khi còn nhỏ, tôi và có lẽ cũng như hầu hết các bé trai khác đều có những suy nghĩ đơn giản về hạnh phúc với mong muốn và ước mơ rằng khi lớn lên sẽ được làm nghề nghiệp mà bản thân ngưỡng mộ (mà thông thường là phi công, cảnh sát, anh hùng, …) Hay mơ về một ngày có thể có được một chiếc xe môtô phân khối lớn, để tóc dài, rong ruổi trên các nẻo đường như một chàng cao bồi viễn Tây của nước Mỹ, nơi chân trời luôn mở rộng bao la và ngút ngàn với những cảnh quan tuyệt vời của thiên nhiên. 

Rồi đến lúc tôi hoàn thành trung học, cần phải chọn cho bản thân một nghề nghiệp để theo học đại học. Tôi không rõ là nghề chọn tôi hay tôi chọn nghề nữa. Rồi tôi cũng ra trường, bắt đầu đi làm, với mong muốn có một công việc ổn định, gia đình đầm ấm. Những giấc mơ và suy nghĩ về hạnh phúc đã không còn như thuở ấu thơ. 

Và cuộc sống như lâu nay vẫn thế, luôn đầy đủ màu sắc và hương vị của: được và mất, vui và buồn, thành công và thất bại, hạnh phúc và đau khổ. Trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình, ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với những trải nghiệm, những thăng trầm này. Chẳng có ai là ngoại lệ cả. 

Không ít lần, trong những lúc bối rối, căng thẳng với công việc và cuộc sống, tôi tự thấy dường như tôi đang bị cuộc sống này cuốn đi, mà bản thân không có một sự chủ động nào. Tôi cảm giác như đang đánh mất chính mình trong những gì xảy ra hàng ngày. Tôi bị cuốn vào công việc mà không thấy rõ được thực sự mình có hạnh phúc hay không? Có những lúc, tôi cảm thấy quá yếu ớt trước cuộc sống với nhịp điệu cuồn cuộn xung quanh mình. Tôi cảm thấy sợ hãi, bất an, thiếu tự tin. Thiếu tự tin vì lắm lúc tôi cũng không hiểu mình đang thực sự mong muốn hoặc theo đuổi gì ở cuộc sống này? 

Tôi vẫn có thể làm tốt công việc mà tôi làm. Mọi người đánh giá cao kết quả công việc tôi làm, mà cụ thể là tôi được thăng chức khá nhanh, cũng như luôn được ưu ái trong những kỳ tăng lương. Tuy nhiên, một cách nào đó, sâu thẳm trong tâm hồn, tôi không cảm thấy thoải mái, tự tin. Mà phần lớn hơn chiếm cứ trong tâm hồn tôi vẫn là một sự bất an, sợ hãi, hoài nghi. Rồi từ từ, chính phần ẩn chìm này đã dẫn dắt tôi đến với những suy nghĩ tiêu cực, những sự nóng giận. Kết quả trong tôi là một tâm hồn đóng kín, đầy ắp những sợ hãi, nhưng lại luôn có một “mặt nạ” ở ngoài có vẻ như bình thường chẳng có gì nghiêm trọng đang xảy ra.

Điều may mắn tôi có được chính là những người xung quanh tôi, gia đình tôi, ba, mẹ tôi, vợ tôi, bạn bè của tôi. Một cách nào đó, họ vẫn luôn là những con người đi bên cạnh tôi, và không để tôi bị lôi đi quá xa vào vòng xoáy của tiêu cực. Tuy nhiên, tôi không thể có được cho mình một sự tự tin trọn vẹn, nếu chỉ trông cậy vào những người xung quanh. Tôi vẫn còn thiếu một cái gì đó. Tôi cần phải tự tìm ra mảnh ghép mấu chốt còn thiếu đó, mảnh ghép quan trọng của cuộc đời tôi.

Vào một sáng sớm tháng 9, trong khi đang mắt nhắm mắt mở đánh răng, tôi nghe một tiếng “cộp” dữ dội nhói lên từ cột sống thắt lưng. Lưng tôi đau nhói và tôi đã phải nằm nghỉ trên giường vài ngày. Tôi bị thoái hoá đĩa đệm ở các đốt sống thắt lưng. Và buổi sáng hôm đó, tôi bị viêm cấp ở vùng cột sống thắt lưng, làm cho các cơ xung quanh vùng cột sống thắt lưng co lại, gây ra việc thoát vị cấp. Đó chính là nguồn gốc của cơn đau. 

Tôi nằm trên giường mỗi buổi sáng trong những ngày kế tiếp, không cử động được nhiều, cũng như không quá tập trung được để suy nghĩ về bất cứ việc gì. Thật là khó khăn khi thấy vợ và con khoẻ mạnh thức dậy, đi làm, và đi học vào mỗi buổi sáng. Trong khi tôi cần phải nằm hầu như bất động trên giường, đối diện với trần nhà, không nhúc nhích được vì đau đớn. Và cũng chính nhờ vào trải nghiệm khó khăn này, tôi lờ mờ hiểu ra được một vài điều. 

Một trong những điều quan trọng tôi có dịp nghiền ngẫm thật nghiêm túc chính là những suy nghĩ về hạnh phúc cho bản thân. Làm sao để có thể sống một cách có ý nghĩa nhất cho bản thân và cho mọi người xung quanh, khi mà bất hạnh có thể ập đến bất cứ khi nào, chẳng cần báo trước? 

Thật thấm thía, khi đọc lại những dòng này trong cuốn Tuyết giữa mùa hè của Ngài Sayadaw U Jotika: “Nếu bạn có thể chánh niệm được trong lúc ốm đau, bệnh tật, bạn sẽ học hỏi được những điều vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Bạn sẽ thấy mình cô đơn đến như thế nào và mọi thứ trên đời này mới vô nghĩa làm sao. Khi một việc tồi tệ nhất trong các việc tồi tệ xảy đến, chúng ta thật sự sẽ chỉ có một mình.

Trong cuộc sống hiện đại, mọi người thường đánh giá cao và cổ xuý những tấm gương thành công. Đó là những con người giỏi giang với khối lượng tài sản khổng lồ, đang đảm nhận những vị trí trọng yếu của những công ty hàng tỉ đôla hay những vị trí trọng yếu trong chính phủ. Nói tóm lại, thước đo của sự thành công thông thường đi cùng với các sở hữu về mặt vật chất hay danh vọng và quyền lực mà một người có được. Đó là một thước đo thông thường. Tuy nhiên, tôi nhận thấy hầu như những con người đó lại không có trong họ sự hạnh phúc mà tôi mong muốn tìm kiếm. Tôi không thấy được điều đó trong ánh mắt của họ. Một triệu chứng phổ biến là những con người này thường có một lịch làm việc quá dày đặc, mà thời gian họ có thể dành cho bản thân họ và gia đình của họ trở thành một thứ xa xỉ. Thời gian của họ bị “tước đoạt” hết bởi do trách nhiệm, do tham vọng và do những gì họ đang theo đuổi. Một kết quả tất yếu của việc này chính là sự tan vỡ trong gia đình, các hư hại nghiêm trọng đến trái tim và lục phủ ngũ tạng của những con người thành công này.

Liệu đó có phải là những gì tôi đang tìm kiếm? Chắc chắn là không rồi. Tôi không chắc là mọi người sẽ cùng đồng ý với tôi về điểm này. Nhưng điều đó không phải là quá quan trọng. Bởi vì chúng ta đều khác nhau, thậm chí rất khác nhau. Tôi không có ý bôi nhọ những con người thành công này. Nhưng rõ ràng là tôi không thấy ở họ một cuộc sống cân bằng và những ánh mắt tràn ngập hạnh phúc từ họ. Thế giới này cần nhiều hơn những con người thành công và hạnh phúc, chứ không chỉ thành công mà thôi.

Hãy thành thật và nghiêm túc để trả lời câu hỏi này cho chính bạn: Điều gì thực sự sẽ làm bạn hạnh phúc? Bạn phải tự mình tìm câu trả lời cho chính bạn. Không ai có thể làm thay việc đó giúp bạn được.

Câu trả lời về hạnh phúc sẽ khác nhau đối với mỗi một chúng ta, dựa trên những giá trị mà chúng ta chọn để cam kết, thực hành và theo đuổi. Sẽ không có một câu trả lời chung, một định nghĩa chung về hạnh phúc cho tất cả mọi người, tôi nghĩ thế. Tuy nhiên, có một vài điểm chung mà tôi có thể thấy được từ những con người hạnh phúc mà tôi quan sát được:

    • Họ có một nội tâm viên mãn, sâu sắc. Dường như rất khó để thấy họ nổi giận, mất bình tĩnh. Họ có thể xử lý được mọi khó khăn, thử thách đến với cuộc đời họ một cách nhẹ nhàng, linh hoạt.
    • Họ là những con người đơn giản, không cầu kỳ, đạo đức và hướng thiện. Họ chân thật với mọi người và với chính bản thân họ. Họ như vậy, bất chấp các tiêu cực và thử thách của cuộc đời này.
    • Họ là những con người cởi mở. Cởi mở với những ý kiến khác với ý kiến của mình. Cởi mở và chấp nhận những gì họ không mong muốn. Cởi mở để khám phá, học hỏi và vươn lên trên con đường phát triển tâm linh của họ.
    • Họ là những con người có một sức thu hút kỳ lạ. Không phải vì thân tướng của họ đẹp, mà chính từ phong thái và tinh thần hướng thiện, tích cực, cách sống có ý nghĩa của họ, mà những người xung quanh bị cuốn hút. Tâm hồn họ tràn ngập tình yêu thương, lòng trắc ẩn.
    • Họ là những con người rất độc lập, không phụ thuộc vào người khác để có được sự bình an ở bên trong của họ. Họ là những con người có cách nhìn rất thực tế đối với những gì đang diễn ra với họ, khó khăn cũng như thuận lợi.

Thật khó để kiếm được một con người như vậy. Và có lẽ còn khó hơn để trở thành một con người như vậy. Nhưng ít ra, từ sự quan sát này, tôi đã có thể thấy và chọn cho mình một phương cách để hướng tới những điều trên. 

Tôi chọn cho bản thân một tiêu chí rất ngắn gọn về hạnh phúc. Đối với tôi, đó là sự bình an trong tâm trí, bình an nội tâm. Và để đạt được điều đó, tôi sẽ cần cam kết và thực hành đạo đức, sự hướng thiện (không làm hại ai, kể cả chính bản thân mình), sự cởi mở. Sự bình an nội tâm chỉ có thể đến được từ việc hành thiện, tôi nghĩ thế. Và tôi đã tìm thấy thiền như là một phương tiện giúp tôi từ từ đạt đến sự bình an nội tâm này. Một hệ quả của cách nhìn nhận này là tôi từ bỏ được nhiều ham muốn, dính mắc về thành công cá nhân, khi đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm sự bình an nội tâm này. Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc đích thực không chứa đựng những thành công về mặt vật chất và danh xưng mà chúng ta thường cố gắng trong cuộc đời này.

Còn bạn thì sao? Bạn đã suy nghĩ về hạnh phúc của chính bạn chưa? Điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc? Đó là một câu hỏi quan trọng xuyên suốt trong cả cuộc đời của bạn.

 

Tôi sẽ như thế nào khi tôi chết?

Chúng ta thường tự hỏi: “Tôi sẽ như thế nào khi tôi chết?” Câu trả lời là, như cái tâm trạng mà hiện thời ta đang là, loại người mà ta đang là. Ta sẽ như thế ấy khi ta chết, nếu ta không thay đổi. Đấy là lý do tại sao thực quan trọng để sử dụng cuộc đời hiện tại của mình để thanh lọc luồng tâm thức, và do đó thanh lọc con người và tính tình ta, trong khi ta còn có thể làm việc ấy

Sogyal Rinpoche trong cuốn Cánh cửa cuộc đời

Sogyal Rinpoche là tác giả của một trong những cuốn sách Phật giáo đầu tiên mà tôi đọc, cuốn Tạng thư sống chết. Trong truyền thống Mật tông của Tây tạng, có một cuốn sách bí truyền tên là Tử thư hay Cuốn sách Tây tạng về cái chết. Nhận thấy rằng sẽ có khả năng thất truyền các kiến thức quí báu này, nếu cứ tiếp tục duy trì truyền thông bí truyền để truyền các kiến thức trong Tử thư đến các thế hệ kế tiếp, Sogyal Rinpoche đã quyết định xuất bản các kiến thức này rộng rãi đến công chúng. Với một hy vọng rằng, chỉ cần còn có người đọc, hiểu và thực tập thì kiến thức này không thể thất truyền. Và thay vì chỉ viết về cái chết, ông đã thêm vào phần sống. Nếu biết chúng ta sẽ kết thúc ở cái chết như thế, chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào ngay từ bây giờ để chúng ta có một cái chết bình an, trọn vẹn và ý nghĩa nhất? Thật là một cuốn sách tuyệt vời. Và cũng hàm chứa rất nhiều kiến thức thâm sâu mà không phải ai cũng có thể trọn vẹn thẩm thấu.

Sau lần đầu tiên đọc cuốn sách, điều để lại sâu sắc nhất trong tôi là nếu tôi có thể giữ được thiện tính trong suy nghĩ, hành động, và lời nói của tôi thì mọi thứ sẽ thuận lợi rất nhiều trong cuộc sống này, kể cả cái chết của tôi khi nó đến. Đây là thời điểm ba tôi mới mất. Và ông chính là một tấm gương sáng rõ cho chân lý này. Là một chức sắc lớn trong tỉnh, ông đã sống một cuộc sống đạo đức, chính trực, phạm hạnh, không bị ô nhiễm bởi lòng tham và bởi quyền lực mà ông đang có trong tay. Ông về hưu từ năm 65 tuổi và sống khoẻ mạnh cho đến tuổi 83. Ông ra đi vào một buổi sáng cuối tháng 7 (âm lịch), nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ bình thường. Tôi kịp về nhà vào buổi chiều và làm thủ tục tẩm liệm, đưa xác ba vào quan tài. Ba tôi nằm đó, bình an, thư giãn, như chìm vào một giấc ngủ sâu. Tôi đã vô cùng hạnh phúc khi thấy được hình ảnh này. Và giờ tôi đã hiểu ra rằng vì sao ba tôi đã có thể ra đi nhẹ nhàng đến vậy. Ba tôi đã không để lại một gia tài vật chất nào cho tôi. Điều lớn nhất và quí giá nhất ba đã để lại cho tôi chính là tính chính trực, sự trong sáng và tấm gương đạo đức của ông.

Hành thiền sẽ giúp bạn nhận biết được rõ ràng những hành động, suy nghĩ và lời nói của bạn là thiện hay bất thiện. Và từ đó, bạn có thể chỉnh sửa lại bản thân để hướng thiện. Vì sao cần phải làm như vậy? Vì rằng bạn sẽ còn nhiều cuộc sống để đi. Vì rằng hành trình tâm linh là một con đường kéo dài qua muôn vàn kiếp sống. Vì rằng cái chết có thể đến với bạn rất bất ngờ và không cần phải báo trước cho bạn hay. Và như thế, nếu bạn bất ngờ ra đi khi đang sống thiện lành và trọn vẹn trong giây phút hiện tại thì bạn đã gieo một nhân thiện lành và hạnh phúc cho hành trình kế tiếp, mà vốn dĩ chúng ta còn rất mù mờ sau khi chết đi và tạm thời rời khỏi cuộc sống này. Vì rằng chết là đóng một cánh cửa và mở ra cánh cửa kế tiếp. Bạn nên chuẩn bị tốt nhất cho hành trình mới, kể cả nếu như nó đến nhanh và bất ngờ.

Sống trọn vẹn từng phút giây thay vì mong đợi

Từ lúc còn nhỏ cho đến tận bây giờ, không biết bằng một cách nào đó, trong tôi luôn có một niềm tin rằng, mọi việc trong cuộc sống này tuy hoàn cảnh và bên ngoài có thể rất khác nhau, nhưng bản chất và các nguyên lý vận hành thì chắc chắn có những điểm chung. Tôi thường hay gọi những nguyên lý chung đó là những nguyên lý cơ bản. Và công việc của tôi là cần phải nhìn ra được những nguyên lý đó trong cuộc sống và phải nhìn ra được sự thể hiện của các nguyên lý cơ bản ấy trong cuộc sống và sự việc xung quanh. Chỉ có như thế, tôi mới có thể xoay xở được và có được cách suy nghĩ hiệu quả nhất để xử lý những gì đang xảy đến với tôi.

“Không mong đợi” là một trong những nguyên lý cho hành động và suy nghĩ mà tôi liệt kê vào danh sách các nguyên lý cơ bản. Điều này nghe có vẻ rất ngược với những suy nghĩ và hành động thông thường của chúng ta. Và tôi cũng đã đề cập đôi chút về điều này trong phần trước. Tuy có vẻ ngược đời như vậy, nhưng điều này lại vô cùng thực tế. 

Vì một cách thực tế, hầu hết những gì chúng ta mong đợi đều không xảy ra giống như chúng ta mong đợi. Chúng ta mong muốn chúng ta trẻ mãi, không già?Chúng ta mong muốn chúng ta khoẻ mãi mà không bệnh tật? Chúng ta mong muốn mọi việc thật ổn định mà không thay đổi? Chúng ta mong muốn ngày một thành công hơn trong công việc, được thăng chức không nhanh chóng thì ít ra cũng không kém những người xung quanh? Hay những điều nhỏ hơn như chúng ta muốn một giấc ngủ ngon, nhưng lại không ngủ được với những suy nghĩ trong đầu? Chúng ta muốn được nghỉ ngơi xả hơi vào cuối tuần, nhưng không biết bằng một cách nào đó hết người này đến việc kia lại đến đúng vào dịp cuối tuần? Và một mong đợi đáng sợ hơn. Chúng ta mong chúng ta sống mãi, không chết. Mặc dù điều này là thậm vô lý. Nhưng chúng ta đều không muốn trực tiếp đối mặt và chấp nhận sự thật này. Hay bằng một cách nào đó, chúng ta thấy những người xung quanh ta chết đi, nhưng dường như chúng ta không thấy điều đó cũng đang xảy ra với chính bản thân mình. Thực ra, sự thật tuyệt đối rằng ai trong chúng ta cũng sẽ phải chết thì còn dễ chấp nhận hơn một sự thật khác. Rằng điều khó đoán và đáng sợ hơn là chúng ta không biết cái chết sẽ xảy đến với ta khi nào? Có ai chắc chắn rằng sẽ sống được đến quá 70 tuổi? Có ai có thể chắc chắn rằng chúng ta còn sống đến ngày mai? Vâng, bạn có chắc thực rằng bạn sẽ còn sống vào sáng sớm mai? Suy nghĩ về điều này có thể làm bạn lo âu và sợ hãi. Nhưng đó vẫn là một thực tế cho dù bạn có chấp nhận hay không. Những ai có thể chấp nhận thực tế không chối cãi này thì lại có thể hành động một cách thực tế và trí tuệ hơn nhiều. Nếu biết rằng cái chết sẽ đến không hề báo trước và bất ngờ, hành động tốt nhất mà chúng ta có thể làm là hãy quý trọng từng giây phút chúng ta có được, thay vì phải sợ hãi lo lắng rằng cái chết sẽ đến.

Nếu mỗi sớm mai bạn còn có thể thức dậy, còn đứng lên được, còn thèm một buổi ăn sáng, còn thèm một ly cà phê, bạn cần phải trân quí một sự thật rằng bạn còn sống trên cuộc đời này. Hãy tận dụng mọi thời gian có thể có để sống một cách có ý nghĩa. Hãy ưu tiên càng nhiều thời gian càng tốt cho những người mà bạn thương yêu. Đó chính là gia đình bạn, bố mẹ bạn, vợ chồng bạn, con cái của bạn, họ hàng của bạn, những người bạn của bạn. Sẽ không bao giờ là đủ thời gian dành cho họ. Bây giờ, khi bạn biết rằng nếu cái chết đến với bạn bất ngờ không thể báo trước, bạn hiểu hơn ai hết rằng bạn cần phải chú ý tận dụng tối đa thời gian bạn có được để sống và yêu thương. Bạn cũng không cần phải bận tâm lo lắng đến cái chết bất ngờ kia. Bởi không ai có thể biết chính xác được cái gì sẽ xảy đến. Nhưng chúng ta biết chính xác những gì chúng ta cần làm và đang làm.

Trong cuộc sống cũng như trong khi hành thiền, điều cần làm là buông bỏ mọi mong đợi, chỉ cần tập trung việc chúng ta cần làm, làm cho trọn vẹn. Và chỉ đơn giản như thế mà thôi. Và bạn sẽ tìm thấy được sự cân bằng, sự an bình, và kết quả là một hạnh phúc nội tâm viên mãn.

 

29 thoughts on “[Đang viết] Tản mạn về Hạnh phúc #2

  1. Cach viet va bo cuc rat de doc anh. Em rat muon doc tiep de xem Thien huu ich nhu the nao trong viec tri benh / danh cho cac benh nhan dang tri lieu (dang chua ung thu, dang dieu tri HIV…), nhung nguoi rat can nhung lieu phap tinh than ma em nghi Thien co the mang lai.
    Them nua, neu phan dau anh address nhung quan niem sai lam cua nguoi doc ve Thien (vd: Thien chi danh cho nguoi tu hanh, hoac nhung ai muon ra roi the tuc…) thi cuon sach se hap dan hon!!!

    Thanks anh! Great book! Chua bao gio em doc sach ve Thien nhung em se doc nho cuon sach dau tien cua anh, Chuc mung anh!

  2. Bài viết hay cảm ơn nhiều.

    ĐẠI ĐỒNG BÌNH ĐẲNG

    Chung một bầu Trời
    Chung cùng vũ trụ
    Biển liền với biển, đất liền với đất
    Trời kêu gọi con người mau tỉnh thức
    Ngồi với nhau nói chuyện với nhau
    Giang san chung một địa cầu
    Cũng dòng máu đỏ ai nào khác chi
    Ngũ hành Thiên Địa là gì
    Cho nên thiên hạ cũng thì nhiều da
    Da vàng, da trắng, da đen
    Da chàm, da đỏ cùng nền anh em
    Một chiếc nôi một Cội Nguồn
    Một ngôi nhà lớn một dòng Rồng Tiên
    Đã đến lúc chung thuyền đoàn kết
    Nắm tay nhau quên hết hận thù
    Địa cầu không có nhà tù
    Cũng không tranh chấp góp phần bình yên.
    *********
    Văn Hóa Cội Nguồn
    http://caoducthangqn.blogspot.com

  3. Bài viết hay quá anh ạ, chắc chắn em sẽ tìm bằng được cuốn sách này của anh. Em rất may mắn được gặp anh tại 1 buổi hội thảo tại Hà Nội vào những ngày đầu năm 2018. Đọc bài này của anh em thấy hình ảnh của em trong đó hiện hình rất rõ, có lẽ đâu đó mỗi người đều có những sự tương đồng về suy nghĩ và cảm xúc. Em xin phép được share bài viết của anh để nhiều người biết đến anh nhé!

  4. Hay quá anh. Cảm ơn những chia sẻ rất gần gũi của anh. Trong thời gian chờ sách ra, anh cứ chia sẻ từ từ để mọi người được học hỏi từ những trải nghiệm của anh nhe.

  5. Cảm ơn anh Hùng vì bài viết này. Bố em, ông cũng vừa mới mất vào tuần rồi, ông thọ 71 tuổi và cũng ra đi vào một ngày đầu tháng 7 âm lịch. Ông bị tai biến và nhập viện thứ 4 thì thứ 6 ông đã ra đi nhanh và nhẹ nhàng, không còn bao giờ trở về lại mái nhà với tụi em nữa. Lo hậu sự cho bố xong, em cũng lao vào đọc tất cả những gì liên quan đến sự sống và cái chết trong cuộc đời, nhất là những cuốn sách liên quan đến tư tưởng nhà Phật để mình cảm thấy an lòng hơn vì đằng sau sự chết chính là sự chuyển tiếp để tái sinh tiếp tục. Vẫn biết vậy và được thẩm thấu nhiều giáo lý trước đây nhưng em vẫn có cảm giác sợ, buồn, bất lực,….Mình không có tu tập nên không biết duyên nghiệp ông sẽ tái sinh lâu hay mau, ông còn quyến luyến gì gia đình nữa không, chỉ mong ông được ra đi nhẹ lòng và không vướng bận cõi hồng trần này.

    1. Việc tốt nhất có lẽ không phải là việc em trông ngóng xem ông sẽ đi đâu. Mà việc tốt nhất là em tự rèn luyện bản thân mình để ngày càng trí tuệ hơn, sâu sắc hơn trên chặng đường phát triển tâm linh của mình. Bố em hẳn sẽ rất vui khi thấy điều đó, dù có đang ở nơi đâu. Đó là cách báo hiếu tốt nhất. Vì nếu em càng trí tuệ hơn, càng sâu sắc hơn mỗi ngày thì em sẽ tự biết hành động, suy nghĩ và nói năng như thế nào để được ích lợi nhất cho bản thân và mọi người. Chúc em vượt qua được sự mất mát to lớn này trong cuộc đời! Chúc em mọi thuận lợi và bình an!

  6. Pingback: 500 – Viet Hung
  7. Cám ơn anh.
    Thực xúc động và sâu sắc.
    Đọc những lời chia sẻ trên, em cảm thấy như đang đứng trước một tấm gương phản chiếu những điều giản dị, tốt đẹp mà tâm mình vẫn đang tìm kiếm, muốn được nhắc nhở và làm vững chắc thêm.

Leave a Reply