Một số chia sẻ về luật nhân quả

Hôm nay, đúng ngày Phật đản, có một sự việc đau lòng xảy ra cho một gia đình Việt Kiều đi hành hương lễ chùa nhân ngày Đức Phật đản sinh. Và có một người bạn của tôi đã bất mãn thốt lên rằng không phải người ta đang đi chùa đó sao? Làm sao mà lý giải được sự công bằng ở cuộc đời và mất mát này? Trước hết, xin cầu nguyện cho cả gia đình gặp nạn hôm nay được siêu thoát trong những cuộc đời kế tiếp. Và tôi cũng xin chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân về nhân quả và công bằng ở đây.

Cuộc sống chúng ta đầy rẫy những bất ngờ. Đa phần là không như mong đợi, và thậm chí vô cùng xót xa như trường hợp ở trên. Và câu hỏi TẠI SAO có vẻ như là một câu hỏi hợp lý cần phải giải đáp. Tuy nhiên, để lý giải được một cách toàn diện và sâu sắc về “quả” xảy ra ngay vào thời điểm hiện tại thì nếu chỉ lấy toàn bộ sự việc trong một cuộc sống này thôi thì chưa chắc thấy được “nhân”. Nghiệp của một người đã được xây dựng từ muôn vàn kiếp đến nay, theo giáo lý nhà Phật, luân hồi qua rất nhiều cuộc sống trong quá khứ. Khi gặp đúng điều kiện thì sẽ trổ quả. Quả có thể xấu, có thể tốt, tuỳ những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp chúng ta đã tạo ra trong quá khứ và tuỳ theo các điều kiện xảy ra ở hiện tại. Việc hiểu rõ được lịch sử nghiệp báo của một con người trong quá khứ thật sự nằm ngoài hiểu biết của bất cứ ai và khoa học hiện đại hiện nay chưa có nền tảng lý thuyết nào giải thích một cách thấu đáo và rõ ràng được. Nên nếu cố gắng tìm lí giải qua cách suy diễn thông thường bằng khoa học hiện nay thì ko thể có đc câu trả lời. Mà chỉ có thể mang lại thêm sự sợ hãi và bất mãn.

Không phải là không thể không thấy được quá khứ. Nhưng điều đó theo sách vở của nhà Phật thì vô cùng khó. Nếu thiền tập đến một mức độ nào đó, chúng ta có thể khai mở được khả năng nhìn lại được những sự việc xảy trong quá khứ từ muôn ngàn cuộc sống trước. Hoặc may mắn như nhà ngoại cảm Bích Hằng (bị một cơn thập tử nhất sinh thì có thể tự nhiên có một số khả năng đặc biệt nhìn lại quá khứ). Nhưng không chắc chắn rằng sẽ thông suốt hết tất cả mọi việc. Mà chỉ thấy được phần nào đó mà thôi, trong muôn vạn nẻo đường của quá khứ và nghiệp lực này. Nên thậm chí việc nhìn lại được một phần quá khứ như vậy cũng không chắc giải quyết được trọn vẹn vấn đề. Chưa kể là khả năng đó không dễ.

Tuy nhiên, có một số việc vẫn cần phải làm. Quá khứ thì không thể thay đổi vì nó đã xảy ra, và nhiều lúc thậm chí chúng ta còn không biết được nó đã xảy ra như thế nào. Thiện nghiệp hay ác nghiệp đã tạo ra rồi thì cái “hạt” thật sự đã được gieo ra. Cái duy nhất có thể làm bây giờ là chúng ta có thể làm được gì ở giây phút hiện tại để hoá giải ác nghiệp đã tạo ra, hay ít ra cũng giảm điều kiện để ác nghiệp không có điều kiện trổ quả. Và để làm được điều đó, các việc hiện nay làm đều cần phải không ngừng gieo “hạt” cho thiện nghiệp, thông qua các hành động hướng thiện. Chỉ có cách đó thì mới hoá giải được những ác nghiệp đã được tích luỹ từ bao đời nay. Và cũng không nên nghĩ đơn giản là chúng ta có thể thấy được kết quả ngay ở trong cuộc đời này của chúng ta. Vì nếu ác nghiệp đã được tích luỹ từ nhiều kiếp sống rồi thì cũng cần nhiều kiếp sống mới hy vọng có được sự hoá giải toàn diện. Nếu hiểu được điều này thì sẽ thấy rằng muốn có một cuộc sống tốt (kiếp hiện tại, cũng như cuộc sống kế tiếp), mỗi một người chúng ta không có một lựa chọn khác hơn là phải luôn tiếp tục gieo nhân thiện. Để đến lúc điều kiện tới, thiện nghiệp sẽ trổ quả và hoá giải nhiều những chướng nghiệp mà không may chúng ta đã tạo tác trong quá khứ.

Không thể vì lý do không biết quá khứ mà không sống hướng thiện, không làm việc thiện. Cũng như không thể vì thấy những quả báo bất ngờ và đau xót như trường hợp tai nạn kể trên trong cuộc đời này mà mất niềm tin rằng những việc thiện chúng ta đã làm là vô nghĩa.

Có một điều có lẽ nhiều người chưa có một cách nhìn nhận đúng đắn. Khi làm một việc thiện nguyện cho người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng, … thì một điều kiện để được xem là việc thiện đúng nghĩa phải bao gồm không có sự mong chờ được hồi đáp. Một sự cho đi vô điều kiện. Ví như những tình cảm và vất vả mà ba, mẹ giành cho con cái. Khi cho đi mà còn có mong cầu được đền đáp thì thực ra đó chưa phải là cho đi và thiện nghiệp tạo được cũng có phần bị ảnh hưởng (theo xu hướng tổn hại). Điều này, nhiều người không rõ. Nên bất mãn nhiều.

Cần có niềm tin vào sự hướng thiện, cần có sự kiên nhẫn, trân trọng, và một tấm lòng từ bi, xả bỏ, cởi mở, cho đi vô điều kiện mới có thể thấy được mọi việc. Và cần có nhiều thời gian cũng như kiên nhẫn để trải nghiệm thấu đáo nhân và quả. Cũng ví như việc trồng một cây hoa hồng. Chúng ta sẽ bằng mọi cách, dồn hết sức để chăm sóc cho cây, từ nhỏ đến lớn với một hy vọng là chúng ta sẽ có được những đoá hồng tuyệt đẹp. Nhưng chúng ta bắt buộc phải chờ đợi khi điều kiện đến và đến thời điểm hoa hồng nở. Chúng ta không thể ép cây hồng nở hoa được. Chúng ta cũng sẽ không ép cái hoa phải đẹp theo ý của chúng ta được. Và chúng ta cũng không thể bắt nó nở hoa đúng thời điểm mà chúng ta mong muốn được. Tất cả việc chúng phải làm là quan tâm, chăm sóc, kiên nhẫn hết mình cho cây hoa và việc còn lại tự nhiên sẽ giải quyết. Và đôi lúc, cho dù đã tiêu tốn nhiều công sức chăm sóc, cây vẫn không ra hoa, hoặc là một bông hoa được nở ra, nhưng không đẹp. Những việc này đều có thể xảy ra. Nhưng không vì thế mà từ bỏ việc vun trồng những cây hoa, những vườn hoa được. Đó chính là ý nghĩa thực sự của việc hiểu và thực hành luật nhân quả trong cuộc sống của mỗi một chúng ta. Và đó là trách nhiệm của mỗi một cá nhân của chúng ta, nếu chúng ta thực sự muốn kiếm tìm hạnh phúc cho cuộc đời của chúng ta.

Xin cầu mong cho những nạn nhân của sự việc đau thương ngày hôm nay được siêu thoát và thuận lợi trong những nẻo đường tâm linh kế tiếp.

One thought on “Một số chia sẻ về luật nhân quả

  1. Phản hồi nhận được từ Đạt
    7/5/2015 15:31:35

    Mong anh dành chút thời gian rảnh để đọc cuốn sách: Nghiệp và Kết Quả sẽ hiểu tường tận hơn về vấn đề này.

    Những vấn đề anh nói có rất nhiều cái đúng nhưng cho em bổ sung thêm chỗ làm việc thiện mà nên quên đi. Chúng ta đang bàn về đạo Phật nên ngôn ngữ của em cũng là các khái niệm đạo Phật anh nhé.

    Những điều này do em đọc cuốn sách trên rồi nói lại, chứ em cũng ko cao siêu gì 🙂

    Như anh đã biết, chúng ta gây nghiệp thiện thì chúng ta sẽ được phước. Chúng sinh vốn là bình đẳng về nhân quả, bất kể người giàu hay người nghèo. Người có phước nhiều thì cuộc sống sẽ tốt, gặp nhiều may mắn. Ít phước thì sẽ khổ. Chúng ta chẳng dựa vào được điều gì cả vì tất cả ko biết khi nào mất, trừ phước của chính mình nên ai cũng phải nổ lực làm việc thiện. Phước có thể từ quá khứ hoặc trong chính kiếp này. Nên Phật giáo đưa ra quan điểm này để mong muốn những người khổ phải cố gắng làm việc thiện từ những việc nhỏ nhất để tự thay đổi đời mình.

    Khi chúng ta làm việc thiện tức là đã có một chút phước từ việc thiện này. Nếu tâm cầu mong sự báo đáp thì sẽ nảy sinh cái tâm khoe khoang. Đến đâu chúng ta cũng khoe việc tốt chúng ta đã làm thì chúng ta sẽ bị tổn phước (vì chính cái sự thán phục của người đối diện, người nghe đã làm ta tổn phước. Ta hưởng cái sự thán phục này thì chính là đã hao phước của chúng ta). Nếu chúng ta càng khoe nhiều thì có thể bị âm.

    Nên điều này cũng lý giải tại sao, có nhiều người làm việc thiện nhưng chẳng gặp may mắn gì cả vì đã lỡ hưởng hết cái phước do việc khoe khoang và tâm mong cầu.

    Nên làm việc thiện thì càng ít người biết càng tốt và tốt nhất là quên đi.

    Một số ý kiến lại bảo rằng, nói ra để cho người khác noi gương. Vấn đề này khi nào có thời gian mình thảo luận chỗ khác anh nhé.

    Có một số trường hợp, người trong nhà cứ suốt ngày kể lể công lao thì cũng vô cùng nguy hiểm vì nhân quả bắt họ, cuối đời phải nằm 1 chỗ để người khác hầu hạ lại, để trả hết cái công ơn họ đã bỏ ra để nuôi cả gia đình.

    Đạo lý làm việc thiện mà không chấp công này trong kinh Kim Cang triển khai rất khủng khiếp. Mong anh có thời gian tìm hiểu về bộ kinh này.

Leave a Reply