Lỗi tại ai?

01Có lẽ không ít người trong chúng ta biết câu chuyện đại loại như thế này: “Một em bé đang chơi đùa trong nhà, té. Đau. Khóc. Ba em tìm được nguyên nhân là chiếc xe đồ chơi. Em mải chơi, không chú ý, nên vấp té. Ba em uýnh cái xe, buộc tội cho cái xe là nguyên nhân. Để em bé nguôi ngoai, bớt đau.” 

Câu chuyện chỉ đơn giản như thế. Nhưng nếu chúng ta không chú ý và chấp nhận cách “buộc tội” như thế này và để nó trở thành suy nghĩ và thói quen trong vô thức thì vô cùng nguy hiểm. Đó là nguồn gốc của văn hoá chỉ trích, của việc đổ lỗi cho người khác, và phủ nhận trách nhiệm cá nhân.

Chúng ta xem tivi, đọc báo, và đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông và Internet là những chỉ trích về sự yếu kém của chính phủ, của ngành y tế, của giáo dục, của tất tần tật. Những sự yếu kém đó thật là dễ dàng để có thể nhận ra. Một điều khác cũng dễ dàng không kém, đó là việc chỉ ra lỗi của người khác, chỉ trích, mà không cần phải đưa ra một giải pháp cho vấn đề. Chỉ trích để … xoa dịu sợ hãi, … cho hả cơn giận trong một cuộc sống còn nhiều điều chưa tốt? Hay chỉ trích chỉ đơn giản là để chỉ trích?

Nhưng liệu việc chỉ trích, việc đổ tội đó có giải quyết được vấn đề của bạn và của xã hội không? Đa phần là không, ngoại trừ chúng ta là các nhân vật quyền lực, có ảnh hưởng đến cộng đồng và như thế, tiếng nói của chúng ta có ảnh hưởng. Những lời chỉ trích có lẽ sẽ chỉ mang đến cho chúng ta sự bất an, sợ hãi và chúng ta còn lây nhiễm sự sợ hãi đó sang người khác thông qua các “phát ngôn” và “chia sẻ” của mình.

Tôi có đọc được một lời khuyên rất hay trong một bài báo mà tôi đã dịch ra tiếng Việt đại khái rằng “Nếu bạn không phải là một phần của giải pháp, bạn là một phần của vấn đề”. Và đúng như vậy. Chúng ta thấy nhiều điều chưa đúng. Chúng ta hãy thử hỏi xem chúng ta có thể làm gì, dù là nhỏ bé để thay đổi? Ngay cả nếu bạn không thấy có thể làm được điều gì để thay đổi thì bạn vẫn còn có thể thay đổi cách suy nghĩ và thay đổi cách nhìn nhận của bạn về sự việc cũng như thay đổi thái độ của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn có chủ động và động lực hơn để bước tới, thay vì chỉ trích và ngập chìm trong lo âu.

Ngạn ngữ cổ xưa của Trung Quốc có câu: “Tiểu nhân khi gặp việc không suôn sẻ, sẽ đổ lỗi cho người khác. Trung nhân thì sẽ trách bản thân. Còn bậc đại nhân thì không trách ai cả.” Bậc đại nhân, những con người trưởng thành, sẽ không quan tâm quá đến việc lỗi của ai. Thay vào đó, họ cố gắng tìm hiểu vấn đề để có thể có một hiểu biết đúng đắn những gì đã và đang xảy ra. Từ đó, xem xét xem họ có thể làm gì để thay đổi cục diện theo một cách tích cực hơn.

Stop! Dừng việc chỉ trích và đổ lỗi. Hãy hỏi xem bạn có thể đóng góp được gì. Điều đó chắc chắn là quan trọng hơn nhiều.

Image credit: www.publicceo.com

2 thoughts on “Lỗi tại ai?

  1. Phat Nguyen 8/7/2014 14:12:04
    Bài viết rất hay, đặc biệt là ý “thay vì chỉ trích thì tự hỏi mình có thể đóng góp gì để thay đổi điều đó”, làm em nhớ đến bài học đầu tiên của cuốn “Đắc nhân tâm” cũng khá tương tự những gì anh chia sẻ: Đừng bao giờ chỉ trích hoặc than phiền với bất kỳ ai!

  2. VH 8/7/2014 15:22:12
    Cảm ơn em. Việc có được 1 tinh thần tích cực, không chỉ trích và than phiền là một việc khá challenging. Theo quán tính thì mọi người đều có xu hướng không tích cực trước, mặc dù điều đó, nếu suy nghĩ thấu đáo thì không … tích cực chút nào. Nhưng ít ra, nếu mình luôn cẩn thận tự nhắc nhở mình điều này thì từ từ chắc chắn có tiến bộ ;).

Leave a Reply