Cái tôi nhỏ bé

01.jpgMột điều tôi học được trong quá trình tìm hiểu và phát triển bản thân là: Khi bạn càng lớn lên và già đi, thì cái tôi của bạn càng ngày càng cần phải nhỏ đi. Đó mới thực sự là thuận với lẽ sống ở cuộc đời. Nếu bạn thấy mình đi ngược lại với xu hướng đó thì tôi đề nghị bạn nên xem xét lại bản thân.

Một số người càng lớn tuổi thì càng “ương bướng” với cuộc đời. Họ tin rằng họ đã hiểu được cuộc đời này. Họ tin rằng họ đúng đắn khi nhận xét, phán xét, và đánh giá những sự việc và con người xung quanh. Không may rằng, việc cứng nhắc và ương bướng như vậy chỉ giúp được một việc, đó là xây dựng cho người ta một cái tôi vững chắc và to lớn. Đó chính là nguyên tố của sự bất an, phiền não, nặng nề. Chính họ đang chủ động chất lên vai những gánh nặng không cần có khi đi qua cuộc sống này.

Tôi còn nhớ một câu nói của thầy Thánh Nghiêm là: “Nên nhớ rằng, kể từ lúc bạn sinh ra, lớn lên, và chết đi, bạn vẫn rất nhỏ bé trong cuộc đời này.” Vâng đúng như thế. Cần hiểu điều này để luôn ghi nhớ rằng, chúng ta còn biết rất ít về cuộc sống này. Chúng ta rất nhỏ bé trước thiên nhiên và những tiêu cực của xã hội. Và chính từ hiểu biết này, để chúng ta luôn giữ một tinh thần cởi mở để học hỏi những điều chưa biết, vốn rất nhiều xung quanh ta. Để chúng ta luôn giữ được một tấm lòng rộng mở đối với cuộc sống và con người xung quanh ta. Chỉ bằng cách dần hiểu được rằng, cái tôi của bạn cần phải nhỏ lại, thì đó chính là lúc bạn đang từng bước khám phá được hạnh phúc bao la trong cuộc đời này. Đó là hành trình của cả một đời người. Hãy kiên trì tiến bước.

Image credit: http://www.destinationaware.com/

7 thoughts on “Cái tôi nhỏ bé

  1. Phat Nguyen link 6/22/2014 06:51:11
    Em hoàn toàn đồng ý với anh rằng giảm đi cái tôi của bản thân sẽ giúp chúng ta sống cởi mở và hòa thuận hơn với mọi người xung quanh. Nhưng lỡ có trường hợp như thế này: một người có một ước mơ và quyết tâm thực hiện nó, nhưng trong quá trình đó lại bị nản chí bởi thái độ của bạn bè, người thân, thì người đó rõ ràng cần phải tin tưởng vào bản thân và gạt đi những ý kiến tiêu cực xung quanh. Liêu thái độ này có mâu thuẫn với những điều anh nói không?

  2. VH 6/22/2014 09:38:16
    Hello Phát,
    Việc chú ý để cái tôi nhỏ lại như anh chia sẻ và việc nản chí, hoặc việc theo đuổi ước mơ cá nhân thì theo anh không … mâu thuẫn và liên quan với nhau trực tiếp lắm. Có lẽ nên làm rõ một số điểm sau:
    – Cái tôi như anh đề cập ở trên là sự ương bướng, ngang ngạnh, cố chấp, ích kỷ ở trong mỗi một con người. Điều này thì lại không liên quan thực sự đến ước mơ. Có thể có liên quan một chút về việc ích kỷ để theo đuổi ước mơ cho riêng mình. Nhưng bù lại, cần niềm tin, sự kiên trì, mà nếu có thì chắc chắn sẽ vượt lên trên cả cái tôi nhỏ bé kia.
    – Nếu em có một niềm tin tích cực và sự kiên trì về ước mơ của mình và bản thân ước mơ đó là tích cực, không có gì sai cả, thì ngay cả những lời nói vào, nói ra chỉ là những thử thách cần có mà thôi. Nản chí thì có chăng hoặc là thiếu niềm tin, hoặc thiếu kiên trì, hoặc bản thân kết quả của giấc mơ đó không đủ lớn và tích cực để trở thành động lực cho cá nhân mà thôi. Nên mới nhanh buông xuôi.
    – Chúng ta nên tôn trọng ước mơ của mình, và cũng thế, nên tôn trọng ước mơ của người khác. Tuy nhiên, cũng cần phải tỉnh táo rằng việc đạt được giấc mơ phải thông qua rèn luyện, làm việc và trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Và lấy chính mục tiêu là trưởng thành để tập trung vào đó. Chứ không nên lấy mục tiêu khẳng định cái tôi, rằng tôi đúng, rằng mọi người sai làm mục tiêu. Vì nếu như vậy, dù em có đạt được điều gì đi nữa thì nó sẽ có rất ít ý nghĩa với việc trưởng thành của em. Mà nó chỉ hàm ý thắng và thua, vốn dĩ không quá quan trọng trong cuộc sống này.
    – Cách hiệu quả nhất để trả lời những người xung quanh trong trường hợp này là vượt lên trên cả định kiến, ý kiến tiêu cực của những người xung quanh, và tập trung, kiên trì một cách tích cực để không ngừng vươn lên, thông qua hành động và kết quả của hành động của chính bản thân để trả lời mọi người. Đó chính là câu trả lời thuyết phục nhất. Và một lần nữa, nó lại cần vượt lên chính cái tôi, những hiểu biết và hạn chế hiện tại của cái tôi, để có thể xử lý được tất cả những thử thách xung quanh. Khi đã vượt qua những điều này, em có thể thấy được nhiều điều hơn. Ví dụ, em có thể cảm thông được lý do tại sao những người thân của em cản bước em đi. Có lẽ mọi người đều xuất phát từ một sự lo lắng cho em là chính… và khi đó em sẽ thấy những ý nghĩa sâu sắc hơn qua những thử thách đó.
    Chúc em thành công.

  3. Phat Nguyen 6/22/2014 14:37:46
    Bản thân em tự thấy trong suy nghĩ còn nhiều sự ích kỷ cũng như tập trung nhiều vào bản thân, nên điều anh chia sẻ là điều mà em luôn cố gắng cải thiện trong suy nghĩ của mình.
    Chỉ là đôi khi dạo lòng vòng internet thì em thấy một số người thành công share những quote yêu thích của họ, kiểu như “I am who I am, your approval isn’t needed”. Không biết có phải do lối sống phương Tây đề cao cái tôi của bản thân, nhưng rõ ràng những người này đã tìm kiếm động lực phấn đấu từ sự tin tưởng vào bản thân họ.
    Em nghĩ con người ai cũng có lúc cảm thấy yếu đuối trên con đường của mình, và đôi khi cần kiếm nguồn động lực để có thể tiếp tục bước đi. Nếu như nguồn động lực đó đến từ việc tập trung xây dựng niềm tin vào khả năng của bản thân (đôi khi lại tạo ra cái nhìn tiêu cực về nhận xét của những người xung quanh) thì em thắc mắc liệu đó có phải là suy nghĩ nên có hay không? Liệu suy nghĩ như thế có làm tăng cái tôi của mình không?

  4. VH 6/23/2014 02:29:39
    Hello Phát,
    Cách suy nghĩ “tôi là tôi độc nhất, không giống ai” thì không sai. Vì thực tế là như vậy, mỗi một người được tạo hoá tạo tác ra một cách duy nhất. Bản thân việc hiểu sự khác biệt của mình, anh nghĩ, là để giúp chúng ta có được một nhìn nhận khách quan và thực tế hơn về bản thân và để có được tự tin hơn ở trong cuộc đời, mà không cần phải so sánh, hơn thua với ai.

    Tuy nhiên, có một ranh giới mong manh của việc tự cao và việc tự tin với những gì tạo hoá đã ban cho mỗi chúng ta. Điều mỗi một người chúng ta cần là sự tự tin và hiểu biết, chứ không phải sự khăng khăng về cái tôi độc nhất của mình. Chúng ta tồn tại không đơn độc, mà tồn tại cùng với thế giới xung quanh chúng ta. Nếu không có thế giới chung quanh ta thì làm sao có cái tôi? Vì đâu có sự phân biệt giữa cái tôi và cái không của tôi. Nên cái cần là việc cân bằng hợp lý giữa cái tôi và thế giới xung quanh mình. Và đây là cả một nỗ lực của cá nhân.

    Như anh chia sẻ ở trên, mục đích của mỗi cá nhân là xây dựng cho mình được sự tự tin. Điều này chính là dựa vào việc nâng cao hiểu biết và hành động thông qua sự hiểu biết không ngừng được nâng cao đó. Như vậy thì em có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu sâu hơn cho hiểu biết về bản thân: Em là ai? Vì sao em sinh ra trong cuộc đời này? Thực sự, mục đích của cuộc sống của em là gì? Em có điểm mạnh nào? Em có những điểm yếu nào? Những câu hỏi đó có thể là sự khởi đầu. Và đó không hề là những câu hỏi dễ dàng để trả lời. Thứ đến, em có thể tìm hiểu về nhưng qui tắc vận hành trong cuộc sống này. Những qui tắc như sự sống và cái chết, hạnh phúc, khổ đau, … Càng hiểu biết sâu sắc hơn thì em càng có nhiều tự tin hơn trong cuộc sống. Bởi vì em có thể giải thích và thấy rõ được vì sao xảy ra các sự việc, các niềm vui, nổi buồn xung quanh ta. Và từ đó, em có thể có đưa ra một nhìn nhận tích cực và đưa ra các hành động phù hợp để xử lý tình huống và theo đuổi các ước mơ của mình. Và như em có thể thấy, những điều anh đề nghị ở trên không nhất thiết cần em phải khẳng định chính mình, rằng tôi khác mọi người, mà không cần sự chấp nhận của mọi người. Vâng em khác mọi người, và một cách tuyệt đối em không cần sự chấp nhận của mọi người. Nhưng nó sẽ tốt hơn nhiều, nếu thông qua hành động và suy nghĩ của em để mọi người có thể hiểu được em. Không nhất thiểt nhanh hay chậm và không nhất thiểt rằng tất cả mọi người đều phải chấp nhận em. Nhưng nhất thiết phải rèn luyện thông qua hiểu biết và hành động để em có thể đóng góp một cách tích cực nhất cho những người xung quanh.
    VH

  5. Phat Nguyen 6/23/2014 15:59:43
    Em nghĩ em đã phần nào hiểu được. Xây dựng sự tự tin nên dựa vào sự hiểu biết về chính bản thân mình, và thông qua sự hòa hợp với thế giới xung quanh.
    Cảm ơn anh Hùng đã cho em lời khuyên 😀

  6. Dat 6/22/2014 09:50:23
    Cái này sao giống tinh thần vô ngã trong đạo Phật vậy anh. Thật ra chúa Jesus cũng nói về đạo đức này. Người nào càng khiêm hạ thì càng được nâng lên. Nó giống như trong một ly nước, vật nào càng nhẹ thì càng dễ nổi, vật nào nặng (cái tôi lớn) thì bao giờ cũng bị chìm

  7. VH 6/22/2014 13:05:45
    Theo H biết thì còn xa mới tới được khái niệm vô ngã, một khái niệm mà cả về lý thuyết và thực hành đều không dễ để hiểu thấu đáo của giáo lý Nhà Phật. H chưa hiểu được, nên không bàn luận thêm được. Còn về tính khiêm hạ thì đó không phải là vô ngã.
    Nhưng bạn cũng có thể thấy rằng, để có được một sự khiêm tốn, khiêm hạ sâu sắc và nghiêm túc thì có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có được tạm tạm. Nên cứ take our time mà thực hành thôi.

Leave a Reply