Thân và tâm

01.jpg

Recommend for all hành giả, đặc biệt là những người đang tự tìm hiểu, tự hành thiền. TS Ajahn Chah đã có được cách diễn giải rất đơn giản và lột tả được các ngóc ngách của cửa thiền. Tuy nhiên, để thấu hiểu thật sự, không có lựa chọn nào khác hơn với việc ngồi xuống và hành thiền. Thực tập để trực nhận.

Các bạn có thể tham khảo bản biên dịch tại trang web này.

Dưới đây là các ghi chú từ cuốn sách mà tôi tâm đắc.

  • Giả sử bạn ra ngồi ngay giữa xa lộ và các loại xe lớn nhỏ, đang bon bon chạy về hướng bạn. Bạn không thể bảo những chiếc xe dừng lại, dầu bạn có nổi giận thì xe cũng sẽ tiếp tục chạy về phía bạn đang ngồi. Vậy thì bạn phải làm gì bây giờ? Bạn chỉ còn cách rời khỏi xa lộ. Xa lộ là nơi để cho xe chạy.
  • Như khi ta đang ngồi hành thiền mà nghe tiếng động, chúng ta nghĩ rằng: “Ồ! Tiếng động này quấy nhiễu ta!” Nếu nghĩ rằng tiếng động quấy rầy thì ta sẽ khổ sở. Thật ra ai đã quấy rầy ai đây? Nếu chịu khó quán sát sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta đã quấy rầy tiếng động. Tiếng động chỉ đơn giản là tiếng động. Nếu chúng ta hiểu biết tiếng động theo lối này, thì chẳng có chuyện gì xảy ra thêm nữa. Hãy để yên cho tiếng động đến rồi đi. 
  • Khi ngồi thiền, chúng ta chỉ cần theo dõi hơi thở. Đừng tìm cách kiểm soát điều khiển hơi thở. Nếu thúc bách hơi thở, cố ý thở dài ra hay thở ngắn lại, thì bạn sẽ bị mất thăng bằng và tâm không được bình an thoải mái. Ta hãy để hơi thở diễn ra một cách điều hoà tự nhiên. Cũng giống như khi ta sử dụng bàn đạp máy may, ta không thể nào thúc ép nó. Ta đạp lên đạp xuống và để nó điều hoà tự nhiên, nếu thúc ép thì bàn máy sẽ không hoạt động trơn tru dễ dàng. Trước khi muốn may thự thụ, ta phải tập đạp máy may cho nhuần nhuyễn thuần thục, sau đó máy may sẽ hoạt động một cách tự nhiên. Theo dõi hơi thở cũng tương tự như vậy, không cần quan tâm đến hơi thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu, chỉ cần ghi nhận hơi thở để nó hoạt động tự nhiên và theo dõi nó. 
  • Việc hành thiền chẳng khác nào việc nuôi vịt… Bổn phận của chúng ta là cho vịt ăn uống. Vịt lớn nhanh hay chậm là chuyện của vịt, không phải chuyện của chúng ta. Hãy để cho vịt tự nhiên làm công việc của vịt. Bổn phận của bạn là hành thiền. Dầu tiến nhanh hay chậm, bạn cũng chỉ cần thản nhiên nhận mà thôi. Khi tiến triển nhanh thì biết là tiến triển nhanh, khi tiến triển chậm thì biết là tiến triển chậm, thế thôi. Thấy tiến nhanh mà vui là trật rồi, thấy tiến chậm mà buồn là trật rồi. Nó sao thì biết nó như vậy. Đừng gò ép. Thực hành như vậy là có căn bản tốt đẹp. 
  • Phiền não của chúng ta là phân bón cho việc hành thiền. Chẳng khác nào dùng các loại phân bò, gà,… để bón cho các loại cây ăn trái khiến cây có nhiều quả ngon ngọt… Hãy lấy đau khổ và hỗn loạn làm phân bón cho hạnh phúc và an tịnh. 
  • Thời xưa nghệ thuật bắt cá dạy rằng phải làm từ từ, phải thận trọng và nhẹ nhàng thu lưới để cá khỏi chạy mất. Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy. Hãy khoan thai, từ tốn, thận trọng thâu lưới để con cá tâm khỏi chạy mất. Đôi lúc chúng ta cảm thấy không muốn hành thiền. Có thể chúng ta không muốn nhìn nữa, không muốn biết nữa, nhưng chúng ta hãy tiếp tục hành trì, hãy tiếp tục xem xét những cảm giác đang dấy lên. Kiên trì đừng chán nản, đó là hành thiền. Nếu cảm thấy thích thú trong việc hành thiền thì hãy hành thiền. Nếu cảm thấy không thích thú trong việc hành thiền cũng cứ hành thiền. Cứ kiên trì tiếp tục hành thiền. 
  • Một cây ăn trái đang nở hoa. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thoáng qua. Hoa rơi lác đác trên mặt đất. Một số nụ còn lại phát triển thành những trái cây nhỏ. Một trận gió nữa lại thổi qua và một số tráinon rơi rụng. Một số trái còn lại lớn dần và hườm chín. Một số khác chín mùi trước khi rụng.
  • Con người cũng vậy, như hoa và trái trước cơn gió. Rồi cũng sẽ rơi rụng trong từng lứa tuổi của cuộc đời, một số người chết ngay lúc còn trong bụng mẹ, một số lìa đời vài ngày sau khi sinh, một số sống được vài năm rồi chết khi chưa đạt đến tuổi trưởng thành, một số chết vào lúc tuổi thanh xuân, một số đến tuổi già rồi mới chết. Hãy trầm tư về cuộc sống của con người, liên tưởng đến bản chất của trái cây trước gió.
  • Chúng ta thấy hoa, trái và cả chúng ta đều không vững bền. Tâm chúng ta cũng vậy, khi pháp trần sinh khởi thổi và quét qua tâm, thì tâm rơi như trái cây rơi rụng. 
  • Nếu tâm bạn an tịnh tĩnh lặng thì nó sẽ trở thành một dụng cụ quan trọng để dùng. Nhưng nếu bạn ngồi chỉ với mục đích để có tâm định hầu đạt được cảm giác hạnh phúc và vui vẻ thì bạn đã phí mất thì giờ. Hành thiền là làm cho tâm an tịnh tĩnh lặng ổn định, rồi dùng tâm yên lặng ổn định này để xem xét thân và tâm hầu thấy rõ ràng chính xác bản chất của chúng. Ngược lại, nếu chỉ tập cho tâm yên tịnh để phiền não khỏi phát sinh thì chẳng khác nào dùng một tảng đá tạm thời đậy hố rác. Nếu dời tảng đá đi, hố rác hôi thối vẫn còn nằm đấy. Sự định tâm không phải để tạm thời hưởng thụ an lạc, mà là để xem xét chính xác bản chất của thân và tâm, đó là đạo giải thoát chân chính. 
  • Khi ngồi thiền phải làm như vậy. Tâm an bình tĩnh lặng do định tâm đem lại chỉ là sự an tĩnh tạm thời. Mục đích của hành thiền là diệt tận phiền não. Bởi thế, muốn có bình an tĩnh lặng thật sự, bạn phải phát triển trí tuệ. Sự bình an tĩnh lặng đến từ trí tuệ sẽ tận diệt phiền não. 
  • Tôi biết một số các bạn học hành rất giỏi và hiểu biết rộng rãi. Người ít học có ít sự hiểu biết thế gian thì có thể thực hành dễ dàng. Người có nhiều hiểu biết cũng giống như người có một căn nhà rộng rãi, muốn quét dọn sạch sẽ phải bỏ ra nhiều công phu, nhưng khi căn nhà đã được quét sạch sẽ, họ sẽ có một chỗ rộng rãi có thể làm được nhiều việc. Bởi thế phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn và chịu đựng là điều trọng yếu trong việc thực hành của chúng ta. 
  • Hãy nhìn con dao tây. Mỗi con dao có mũi dao, lưỡi dao và sống dao. Bạn có thể chỉ cầm một mình lưỡi dao lên không? Bạn có thể chỉ cầm một mình sống dao hay cán dao lên không? Lưỡi dao, cán dao, sống dao đều là một phần của con dao tây và dính liền nhau không thể tách rời ra được. Khi cầm dao lên thì bạn cầm mọi bộ phận của nó. Cũng vậy, nếu bạn cầm cái tốt lên thì đồng thời bạn cũng cầm cái xấu lên. Người ta thường tìm kiếm điều tốt mà loại bỏ điều xấu. Nhưng họ không biết rằng chẳng có gì không tốt hay không xấu cả. Nếu bạn không học tập điều này thì bạn sẽ không có sự hiểu biết thật sự. Nếu bạn cầm cái tốt lên thì cái xấu cũng dính liền theo. Nếu bạn cầm hạnh phúc thì đau khổ cũng đeo theo. Hãy huấn luyện tâm cho đến khinó vượt lên trên cả tốt và xấu. Đó là lúc việc tu hành hoàn tất. 
  • Khi làm một việc gì cũng phải làm một cách chánh niệm, sáng suốt. Khi đã thấy biết một cách rõ ràng, thì bạn sẽ làm việc một cách tự nhiên chẳng cần phải chịu đựng hay thúc ép mình nữa. Bạn gặp khó khăn và tự mang gánh nặng vào mình vì bạn quên mất một điều: Đó là quên sáng suốt chánh niệm. An bình tĩnh lặng sẽ đến khi bạn làm mọi công việc trên đời với tất cả thân và tâm của mình, nghĩa là làm với ý thức sáng suốt và chánh niệm. Bất cứ việc gì chưa được làm trọn vẹn đều khiến bạn cảm thấy không hài lòng. Những điều này sẽ theo bạn và làm khổ bạn dầu bạn đi đến bất cứ nơi nào. Bạn muốn hoàn tất mọi chuyện nhưng đó là điều không tưởng. Không thể nào hoàn tất mọi chuyện được. 
  • Thật ra tâm ở trạng thái tự nhiên sẽ thanh tịnh trong sạch như nước mưa. Nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu xanh vào nước mưa trong suốt, nước mưa sẽ biến thành màu xanh, nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu vàng vào nước, nước sẽ có màu vàng. Phản ứng của tâm cũng tương tự như vậy, khi một pháp trần mang màu sắc vui tươi dễ chịu nhỏ vào tâm thì tâm sẽ vui tươi, dễ chịu, khi một pháp trần mang màu sắc héo úa, khó chịu nhỏ vào tâm thì tâm cũng sẽ héo úa, khó chịu. Tâm bị nhuộm màu bởi các pháp trần như nước bị nhuộm màu bởi các loại phẩm nhuộm. Nước mưa trong sạch không màu sắc, nhưng khi gặp màu vàng sẽ đổi sang màu vàng, khi gặp màu xanh sẽ chuyển sang màu xanh. Nước sẽ đổi màu sắc liên hồi theo phẩm màu. Thực ra, dầu đã chuyển sang xanh hay vàng, bản chất tự nhiên của nước vốn vẫn trong suốt sạch sẽ. Bản chất của tâm vốn cũng trong suốt thanh tịnh, nhưng tâm bị ô nhiễm vì bị các pháp trần nhuộm màu, bị mê loạn trong các xung động tình cảm. 
  • Cơ thể già và bệnh là chuyện tự nhiên chẳng có gì sai quấy cả. Bởi thế chẳng phải cơ thể chúng ta làm cho chúng ta đau khổ, mà ý nghĩ sai lầm đã đem lại khổ đau cho chúng ta. Khi chúng ta thấy sai sự thật thì phiền não đương nhiên sẽ đến. 
  • Nếu do việc hành thiền mà bạn thấy rõ chân lý thì sự đau khổ không còn là vết thương đối với bạn, cũng như cái đinh vít đã được tháo mở. Khi bạn vặn cây đinh vít ngược chiều kim đồng hồ thì nó sẽ được tháo mở, tâm rút lui khỏi mọi sự cũng vậy. Tâm xả bỏ tất cả, tâm không còn bị cột chặt vào tốt, xấu, quyền sở hữu, khen, chê, hạnh phúc và đau khổ. Nếu không hiểu chân lý thì chẳng khác nào luôn luôn siết chặt cây đinh vít lại. Bạn vặn chặt nó cho đến khi nó phản ứng lại và bạn sẽ bị đau khổ về mọi chuyện. Khi tháo mở tất cả, bạn sẽ tự do và an lạc. 
  • Khi nói tâm tĩnh lặng, ta muốn nói rằng tâm đứng yên, không phóng đi đây đi đó. Cũng như khi có con dao bén, nếu ta không biết giữ gìn dao, gặp thứ gì cũng cắt, như dùng dao để cắt gạch, cắt đá, cắt kiếng v.v… thì dao sẽ chóng lụt. Chúng ta chỉ nên dùng dao để cắt các vật hữu dụng thôi. Tâm chúng ta cũng vậy, nếu để tâm lang bạt theo tư tưởng và cảm giác vô dụng hay vô giá trị thì tâm sẽ trở nên yếu kém, vì nó chẳng có cơ hội để nghỉ ngơi. Nếu tâm không đủ năng lực thì trí tuệ sẽ không phát sinh, bởi vì tâm thiếu năng lực là tâm không có định lực. 
  • Con người luôn luôn tìm cầu hạnh phúc và ghét đau khổ, nhưng hạnh phúc là một hình thức vi tế của khổ đau. Chúng ta có thể so sánh hạnh phúc và khổ đau với một con rắn. Đầu rắn là đau khổ, đuôi rắn là hạnh phúc. Đầu rắn rất nguy hiểm vì có răng độc. Nếu đụng vào đầu rắn, rắn sẽ cắn ngay. Nhưng nói chi đến đầu, bạn chỉ cần sờ vào đuôi rắn, rắn cũng quay đầu lại cắn bạn liền; bởi vì cả đầu lẫn đuôi đều thuộc về một con rắn. Cũng thế, hạnh phúc và đau khổ, vui và buồn, đều khởi từ một con rắn. Đó là tham muốn. Bởi thế, khi có hạnh phúc thì tâm chưa hẳn đã có an bình thật sự. 
  • Tìm kiếm sự bình an chẳng khác nào đi tìm kiếm rùa có râu, vì không thể nào tìm được. Nhưng khi tâm đã thuần thục thì bình an sẽ đến tìm ta. 
  • Đức Phật thực sự dạy chân lý. Nếu bạn xem xét nghiên cứu tường tận, bạn sẽ thấy giáo pháp là chân lý, và bạn sẽ không tranh biện với chân lý được. Nhưng chúng ta chẳng khác nào những con trâu. Nếu không cột bốn chân của trâu lại, thì chúng ta chẳng thể nào cho trâu uống thuốc được. Nhưng khi trâu đã bị buộc chặt bốn chân, trâu không còn làm gì được nữa, và bấy giờ nếu bạn muốn bạn có thể bắt nó uống thuốc, và trâu không thể nào cưỡng lại được. Chúng ta cũng vậy, chỉ khi nào bị đau khổ trói buộc ta hoàn toàn, bấy giờ chúng ta mới chịu bỏ si mê. Còn như vẫn có cách để trốn chạy, chúng ta sẽ không chịu dứt bỏ si mê một cách dễ dàng. 
  • Chỉ muốn làm phước mà không trao dồi phẩm hạnh thì chẳng khác nào xây dựng lâu đài trên cát; chẳng bao lâu sau lâu đài sẽ sụp đổ mà thôi. Cũng giống như muốn nhuộm vải, nhưng không chịu giặt sạch tấm vải trước khi nhuộm. Nhiều người đã làm như vậy, họ chẳng cần chú ý gì đến tấm vải. Khi muốn nhuộm, họ chỉ nhúng tấm vải vào thuốc nhuộm mà chẳng cần để ý đến tấm vải sạch hay dơ. Nếu tấm vải dơ thì nhuộm như thế vải còn tệ hại hơn. Hãy nghĩ đến điều này, nhuộm một tấm vải vừa cũ vừa dơ thì lúc nhuộm xong tấm vải có đẹp chăng? Nhưng người ta thường làm như thế. Người ta chỉ thích làm điều thiện mà không chịu bỏ làm điều ác. Họ quên một điều quan trọng là chỉ khi nào tâm không dơ bẩn, lúc ấy tâm mới bình an tĩnh lặng mà thôi. Bạn hãy tự nhìn vào bên trong chính mình, hãy xét xem thân khẩu ý của mình đã có gì sai lầm. Ngoài thân khẩu ý ra, bạn chẳng có gì để sửa chữa nữa. 
  • Khi sự bình an tĩnh lặng trong tâm phát triển thì tâm sẽ ổn định như gà được nhốt vào chuồng, không thể chạy nhảy bươi móc bên ngoài. Khi đã bị nhốt vào chuồng, tuy gà không thể lang thang bên ngoài, nhưng gà có thể đi lại trong chuồng. Dầu có thể đi quanh quẩn trong chuồng, nhưng gà không thể gây ra một tai hại quan trọng nào vì gà đã được giữ trong chuồng. Nhiều người không muốn có một cảm giác hay ý nghĩ nào phát sinh trong khi họ đang hành thiền, nhưng cảm giác và tư tưởng vẫn phát sinh. Khi tâm bình an tĩnh lặng, thì sự chánh niệm tỉnh thức sẽ giữ cho tâm không rung động. Có nghĩa là khi có cảm giác hay tư tưởng nào dấy động lên trong tâm, thì chúng chỉ quanh quẩn trong “chuồng” của sự tĩnh lặng và không thể quấy rầy hay gây ra tai hại nào cho người hành thiền. 
  • Nếu bạn không kiểm soát và chế ngự tâm, mà chỉ chiều thuận theo những tư tưởng tình cảm của nó, thì bạn đã thực hành sai lầm rồi, chẳng khác nào nuông chiều theo ý thích của trẻ con. Con nít ưa thích thứ gì, cha mẹ chúng cho chúng ngay thứ đó. Phải chăng đó là phương pháp dạy trẻ tốt đẹp? Lúc trẻ con còn bé, ta có thể nuông chiều nó một thời gian, nhưng khi nó bắt đầu biết nói thì phải thỉnh thoảng trách phạt nó, nếu không nó sẽ trở nên hư hỏng sau này. Tâm cũng phải được huấn luyện như vậy. Đừng chiều theo những đòi hỏi của tâm. 
  • Một vài người đến hỏi tôi, phải chăng khi thấy được vô thường, khổ và vô ngã, người ta sẽ vất bỏ tất cả, trở thành lười biếng và không muốn làm gì nữa? Tôi trả lời với họ rằng, không phải như vậy, mà trái lại, họ càng siêng năng làm việc hơn, nhưng họ làm với tâm không dính mắc, và chỉ làm những việc hữu ích. Những người ấy lại tiếp tục hỏi, nếu mọi người đều hành thiền, đều thực hành giáo pháp, thì chẳng có việc gì trên thế gian này có thể hoàn thành được và sẽ không có tiến bộ nữa. Nhưng phải chăng, lo sợ như thế thì chẳng khác nào con giun lo sợ sẽ hết đất để ăn. 
  • Nhiều người phân vân khi thấy ngày nay có nhiều thầy và nhiều lối hành thiền khác nhau. Nhưng chẳng qua cũng giống như chuyện đi vào thành phố bằng nhiều lối khác nhau. Dầu đi lối nào, nhanh hay chậm rốt cuộc cũng đến thành phố. Thông thường các phương pháp hành thiền chỉ khác nhau bề ngoài. Nhưng có một điều cốt yếu là các phương pháp hành thiền đúng theo lời Phật dạy phải dẫn đến chấm dứt tham ái. Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình. Phương pháp nào dẫn đến sự dứt bỏ, diệt trừ tham ái thì đó là phương pháp thực hành đúng đắn. 
  • Đừng vội vã diệt trừ phiền não. Trước tiên, bạn phải kiên nhẫn tìm hiểu đau khổ và nguyên nhân của nó, có thế mới loại bỏ được phiền não hoàn toàn. Cũng như muốn đồ ăn được tiêu hóa dễ dàng, bạn phải nhai kỹ vậy. 
  • Đối với cơ thể này, ta chỉ là khách, chứ không phải là chủ nhà thật sự. Như cái giảng đường này đây, thật ra chẳng phải là của ta. Ta chỉ là người thuê nhà tạm thời, cũng giống như lũ chuột, thằn lằn và tắc kè đang sống trong giảng đường này, nhưng ta chẳng hề ý thức điều đó. Cơ thể ta cũng vậy. Rõ ràng Đức Phật đã dạy rằng không có một cái tôi nào cư ngụ bên trong cơ thể này, nhưng ta cứ khư khư tin chắc rằng cơ thể này là của ta, của ta thật sự. Đó là quan kiến sai lầm. 
  • Hãy thản nhiên nhìn sự yêu và ghét khởi lên từ các giác quan. Đừng dính mắc vào chúng. Trong việc hành thiền cũng vậy, đừng kỳ vọng kết quả thật nhanh và tiến bộ tức thì. Một đứa trẻ phải biết lật, biết bò trước khi biết đi biết chạy. Điều cần thiết là phải quyết tâm giữ gìn giới luật và hành thiền không gián đoạn, rồi việc gì đến sẽ đến. 
  • Kinh điển đưa ví dụ về một người nọ muốn bắt một con rắn mối đang lẩn trốn trong đụn mối. Đụn mối có sáu lỗ, nếu con rắn mối chạy vào đó thì làm thế nào để bắt? Ông ta phải bịt năm lỗ, chỉ chừa lại một lỗ và phải ngồi canh chừng ở lỗ này. Khi con rắn mối chạy ra, thế là bụp! Ông ta chụp lấy. Khi quán sát tâm cũng phải làm như vậy. Đóng hết các cửa giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; chỉ chừa lại tâm. Đóng ở đây không có nghĩa là bưng tai, bịt mắt, nín thở mà phải thu thúc năm cửa giác quan; chỉ chừa lại cửa tâm để quán sát. Hành thiền chẳng khác nào việc bắt rắn mối vậy. 
  • Nếu việc thực hành của bạn không đạt được kết quả nhanh chóng thì cũng đừng nên chán nản hay thất vọng. Điều quan trọng là hãy tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì bất thối. Đừng vội từ bỏ việc hành thiền. Bạn phải có thái độ như bà bán hàng liên tục rao hàng mà không lười biếng. Bà ta cương quyết bán hàng và chỉ ngừng rao khi đã bán hết hàng. 
  • Đức Phật dạy chúng ta phải dùng trí tuệ để làm phương tiện thoát ra khỏi sự đau khổ. Chẳng hạn bạn bị một cái mảnh chai găm vào chân. Thỉnh thoảng khi bạn bước lên vật gì cứng thì vật cứng ép vào mảnh chai khiến mảnh chai đâm sâu vào chân bạn làm cho bạn nhức nhối. Bạn bèn sờ nắn khắp chân nhưng chẳng tìm ra gì cả. Bạn nhún vai rồi tiếp tục đi. Nhưng sau đó khi đạp nhằm vật cứng nữa và bạn lại đau trở lại. Điều đó xảy ra nhiều lần, vậy cái gì làm cho bạn đau ở đây? Nguyên nhân là cái mảnh chai nằm trong chân bạn. Mỗi khi chân đau, bạn lại lấy tay sờ nắn quanh đó, nhưng bạn chẳng tìm thấy gì nên bạn bỏ qua. Cứ bị đau mãi như vậy, khiến bạn có ý muốn lấy miếng mảnh chai ra. Cương quyết lấy nó ra bởi vì nó làm bạn đau. Sự tinh tấn trong việc hành thiền cũng giống như vậy. Bất kỳ chỗ nào đau, chỗ nào khó chịu, thì bạn phải quán sát và truy tầm. Chúng ta phải đương đầu với vấn đề, chứ không phải chỉ nhún vai là đủ, nghĩa là phải lấy cái mảnh chai ra khỏi chân bạn. Chỗ nào tâm bạn bị bế tắc, bạn phải ghi nhận. Khi nhìn vào bên trong nó, bạn sẽ hiểu nó, thấy rõ nó và chứng nghiệm được bản chất của nó. 
  • Bạn phải tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn của sự vật. Chẳng hạn bạn đang đi và vấp phải một gốc cây nhỏ. Bạn bèn lấy dao chặt nó đi, nhưng nó lại mọc trở lại và bạn lại dẫm lên gốc cây ấy lần nữa. Bạn lại tiếp tục chặt và gốc cây lại tiếp tục mọc lên. Cách tốt nhứt là bạn phải kiếm một cái xe kéo để bứng tận gốc nó lên. Nhưng bạn phải làm ngay, đừng lần lữa hẹn nay, hẹn mai. Điều đó giống như bạn nhủ thầm “Hôm nay ta nên đi chăng? Có nên đi không? Hay để ngày mai hãy đi”. Qua đến ngày mai, bạn lại tự hỏi “Có nên đi hay là không đi?” Và bạn cứ tiếp tục tự hẹn ngày này qua ngày khác mà chẳng đi đâu cả cho đến ngày bạn chết. Bạn chỉ cần quyết định “Đi “, vậy là đủ. 
  • Một đứa trẻ lớn lên chẳng khác nào một dây leo đang mọc. Dây leo mọc lớn lên và tựa vào một cây khác gần đó. Dây leo không tự tạo được hình dáng của riêng mình. Nó dựa vào một cây khác để tạo nên hình dáng cho mình. Nếu nó dựa vào cây mọc thẳng đứng thì dây leo cũng mọc thẳng đứng. Nếu nó dựa vào cây có hình dáng cong queo thì dây leo cũng mang hình dáng cong queo.
  • Cần phải hiểu kỹ rằng trẻ con chịu ảnh hưởng bởi hành động và cử chỉ mà bạn làm chứ không phải vào lời nói mà bạn dạy. Do đó, việc tu hành của bạn không phải chỉ đem lại lợi ích cho chính bạn mà còn đem lại lợi ích cho con em bạn và cho những người quanh bạn nữa.

Leave a Reply